Xóa đói giảm nghèo bền vững ở các nông trường cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm qua, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah là đơn vị tích cực phát triển cây cao su ở Tây Nguyên, gắn với tuyển dụng lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ vào làm công nhân, giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập. Sự có mặt của cây cao su mang giá trị kinh tế cao, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, giữ vững quốc phòng-an ninh khu vực các huyện biên giới, trong đó có địa bàn huyện Ia Grai.
 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Nhiều năm trước đây, với đặc thù địa bàn đất rộng người thưa, cơ sở hạ tầng các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng của huyện Ia Grai như Ia Pếch, Ia Dêr chưa được đầu tư xây dựng, đời sống bà con DTTS gặp nhiều khó khăn do thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, phương thức sản xuất lạc hậu theo kiểu tự cấp tự túc, chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa nên kinh tế-xã hội chậm phát triển... Thời điểm từ năm 1994 đến 1997 khi 2 Nông trường trực thuộc Công ty Cao su Chư Pah xây dựng trên vùng đất Ia Pếch, Ia Dêr, cây cao su chính thức hiện hữu trên bản đồ nông nghiệp địa phương, làm thay đổi đáng kể diện mạo nơi đây. Gần 20 năm xây dựng và trưởng thành, Nông trường Cao su Ia Pếch và Nông trường Cao su Ia Phú đã phát triển diện tích cao su Ia Phú là 1.413,79 ha và Ia Pếch là 1.532,03 ha, đồng thời chú trọng tuyển dụng người DTTS tại chỗ làm công nhân cho Nông trường. Đây cũng là 2 đơn vị điển hình khi tỷ lệ công nhân người DTTS chiếm hơn 50%, thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng; được đào tạo nâng cao trình độ văn hóa và tay nghề, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Công ty.

Song song với việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm, Công ty Cao su Chư Pah đặc biệt quan tâm triển khai các dự án trồng cao su, dự án chăn nuôi, chương trình cải tạo vườn tạp đưa các giống mới vào sản xuất nông nghiệp, thâm canh cây trồng và ngói hóa nhà ở đạt tỷ lệ 100%... hỗ trợ thiết thực cho đội ngũ công nhân DTTS vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu bằng chính đôi tay của mình. Công ty đã dùng quỹ phúc lợi cho công nhân khó khăn vay không tính lãi từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng/hộ và tín chấp cho các hộ vay tại ngân hàng trên 14 tỷ đồng để mua con-cây giống, cải tạo vườn tạp phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

 

Ảnh: Đinh Yến
Ảnh: Đinh Yến

Đến nay, riêng đội ngũ công nhân Công ty đã có 1.960 ha cà phê, 400 ha tiêu, trên 1.500 con bò, thu nhập kinh tế hộ bình quân 50 triệu đồng/năm. Từ đó, đời sống công nhân DTTS dần ổn định, trên 50% số hộ làm giàu từ kinh tế gia đình. Ở địa bàn có Nông trường đứng chân, đời sống bà con dần khởi sắc, không còn tình trạng nhà tranh tre nứa lá, hệ thống giao thông nối đến các làng, 100% công nhân DTTS mua sắm được phương tiện xe máy và trang-thiết bị sinh hoạt gia đình hiện đại, phương tiện cơ giới phục vụ sản xuất như xe công nông, máy bơm nước, máy gặt lúa cầm tay... Không chỉ quan tâm cải thiện đời sống công nhân, Công ty còn khai hoang hàng trăm ha đất sản xuất, đất ở giúp cho nhân dân trong vùng Nông trường đứng chân, đầu tư hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm mỗi năm trên 7 tỷ đồng. Riêng năm 2008, Công ty đầu tư trên 21 tỷ đồng xây dựng cầu Đak Pơ Tông (xã Hà Tây-huyện Chư Pah) và làm đường giao thông liên xã Ia Pếch-Ia Tô (huyện Ia Grai), góp phần giao thương văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa bàn.  

Một điểm nhấn đáng kể khác là Công ty đã thực hiện chương trình kinh tế tổng hợp giúp các xã trong công tác xóa đói, giảm nghèo nhất là các xã thuộc Chương trình 135 gồm: Ia Phí, Ia Khươl, Đak Tơ Ve, Ia Ka, Ia Nhin, Hòa Phú (huyện Chư Pah); xã Ia Pếch, xã Ia Tô (huyện Ia Grai) và xã Gào (TP. Pleiku). Các hoạt động cụ thể thiết thực như: cải tạo vườn tạp, đưa giống mới cho đồng bào DTTS các vùng khó khăn; đẩy mạnh chăn nuôi ở các xã kết nghĩa; thí điểm trồng lúa nước và thâm canh bằng phân vi sinh và phân hóa học; cải tạo đàn bò cỏ địa phương bằng giống bò có thể trọng lớn; xây dựng hàng trăm km đường cấp phối và hơn 80 km đường nhựa vào trung tâm các xã và các buôn làng... đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo các xã vùng III, các xã thuộc Chương trình 135. Nhiều xã có bước chuyển dịch kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, vươn lên thoát nghèo bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm