Phóng sự - Ký sự

Xóm chài vùng biên viễn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đêm giữa hồ thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) tối thun thút nhưng có những con người vẫn lặng lẽ mưu sinh với nghề chài lưới. Họ “đánh cược” với Hà Bá để mong có một cuộc sống đủ đầy hơn. 
Công trình hồ thủy lợi Ia Mơr được xây dựng cách đây hơn 10 năm với mục đích cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân ở Gia Lai và Đak Lak. Một đập lớn được xây dựng để chứa nước đổ về từ suối Mơr, suối Tải và suối Hrung. Công trình thủy lợi này đã tạo điều kiện cho nguồn thủy sản sinh sôi. Hơn chục hộ dân ở các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ đổ về xã biên giới Ia Mơr cùng người dân tại chỗ hình thành một xóm chài để khai thác nguồn lợi thủy sản trong lòng hồ.
Bến thuyền của ngư dân xóm chài ở Ia Mơr. Ảnh: Nguyễn Tú
Bến thuyền của ngư dân xóm chài ở Ia Mơr. Ảnh: Nguyễn Tú
“Đánh cược” với Hà Bá
3 giờ chiều, trong căn lều dựng tạm bợ bằng những cây củi, thưng bạt nằm sát mép nước hồ thủy lợi Ia Mơr có một nhóm người đang nằm nghỉ trên mấy chiếc võng dù. Đây là những ngư dân đến từ tỉnh Tây Ninh. Chủ nhân căn lều là ông Nguyễn Quang Bình. Vì lớn tuổi nhất nên ông Bình được dân chài lưới nơi đây “phong” cho chức “trưởng xóm”.
Ông Bình kể: “Quê tôi ở gần hồ Dầu Tiếng. Từ thuở nhỏ đã đánh cá mưu sinh. Cách đây hơn 5 năm, nghe đứa cháu gọi điện về bảo trên này nhiều cá nên cả gia đình tôi chuyển lên đây ở. Đói nghèo nên phải tha hương kiếm miếng ăn qua ngày các chú ạ. Khi mới lên, mấy gia đình cứ dựng lều như này ở tạm. Ban ngày vá lưới, còn đêm xuống dong thuyền đánh cá. Dân sông nước mà, ở vậy quen rồi. Thế nhưng, sau này, các cấp chính quyền qua vận động nên chúng tôi vào làng Khôi thuê lại nhà dân để ở. Mấy hộ kia vào ở rồi, tiền thuê 1 căn nhà từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng. Riêng tôi vì già yếu nên được tạo điều kiện ở đây để đi làm cho tiện”.
Gió thông thốc thổi làm căn lều liêu xiêu rên kẽo kẹt, mấy tấm bạt như muốn bay theo. Chỉ tay về bến thuyền cách đó khoảng chục bước chân, ông Bình bảo: “Ngày thường, khoảng từ 1 đến 4 giờ chiều là chúng tôi ra hồ đánh cá. Hôm nay gió chướng, sợ lật thuyền, chúng tôi chưa dám đi. Đã có nhiều trường hợp chết đuối khi đánh cá nên phải cẩn thận hơn”.
Chiếc lều dựng tạm bợ của vợ chồng ngư dân Nguyễn Quang Bình. Ảnh: Nguyễn Tú
Chiếc lều dựng tạm bợ của vợ chồng ngư dân Nguyễn Quang Bình. Ảnh: Nguyễn Tú
Ánh chiều hắt dài bóng người trước cửa lều. Gió lặng, nhóm ngư dân lục tục ra bến chuẩn bị dụng cụ đánh cá. Người ôm những bọc lưới, người xếp những chồng lờ đặt lên thuyền. Thuyền ở đây chủ yếu được làm bằng chất liệu composite. “Mỗi chiếc thuyền có giá 9-10 triệu đồng. Chúng tôi về dưới quê mua lại rồi thuê xe tải chở lên. Loại thuyền này phù hợp với việc đánh cá ở hồ rộng”-ông Đàm Tắc Thiện (quê Tây Ninh) bộc bạch. 
Những chiếc thuyền lần lượt rẽ nước hướng về một hòn đảo giữa hồ, để lại phía sau từng lớp bọt trắng tung lên. Một ngư dân chở chúng tôi chạy theo ra giữa hồ, nơi vợ chồng anh Nguyễn Văn Ninh (quê Bình Phước) đang thả lưới. Người vợ chèo thuyền để chồng lần lượt thả lưới xuống hồ.
Vừa thả lưới, anh Ninh vừa rủ rỉ kể chuyện nghề: Gia đình anh lên đây mưu sinh gần 10 năm rồi. Thường thì 1 giờ chiều ra thả lưới rồi về nhà nghỉ ngơi. Đến 1 giờ sáng, họ lại dong thuyền ra kiểm tra lưới, gỡ cá cho đến 6 giờ sáng thì vào bờ. Tiểu thương chờ sẵn ở bến, cân cá và trả tiền. Bình quân mỗi ngày kiếm được 100-200 ngàn đồng, hôm nào may mắn thì được khoảng 1 triệu đồng. Ở hồ này chủ yếu là cá mè, rô phi, cá trê, cá lóc, cá lăng và cá cơm. Cá lăng là đặc sản, có con nặng hơn 10 kg, nhưng thỉnh thoảng mới bắt được, còn nhiều nhất là cá cơm.
“Nghề này cực nhất là mùa mưa. Mỗi lần đi đánh cá mặc 2-3 cái áo bông to mà không đủ ấm, thường xuyên bị ướt và lạnh tím tái người. Có lần tôi bị lật thuyền trong đêm, may bạn thuyền kịp thời phát hiện, chứ không làm mồi cho Hà Bá rồi. Cách đây mấy hôm, có người bị lật thuyền, người không sao nhưng thuyền chìm xuống đáy hồ. Nhiều anh em lặn tìm giúp rồi nhiễm lạnh, bị ốm đến nay chưa khỏi”-anh Ninh bùi ngùi.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Ninh thả lưới bắt cá trong lòng hồ thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: Nguyễn Tú
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Ninh thả lưới bắt cá trong lòng hồ thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: Nguyễn Tú
Mong cuộc sống đủ đầy
Dân xóm chài thết đãi chúng tôi bữa cơm chiều với những món cá ở hồ thủy lợi Ia Mơr. Đó là cá cơm kho, cá lóc một nắng nướng than, canh chua cá thác lác. Cá trong hồ tự nhiên nên thịt rất dai và thơm ngon.
Trong bữa cơm đượm mùi sông nước, dân xóm chài còn chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện trong hành trình mưu sinh và ước muốn có một cuộc sống đủ đầy hơn. Đó là chuyện anh Lê Văn Dô từ Tây Ninh từng qua Campuchia mưu sinh và lấy vợ người Khmer rồi đưa về Việt Nam. Cuộc sống khốn khó ở quê nhà khiến anh phiêu dạt lên xã Ia Mơr năm 2019.
“Mỗi tháng gắng làm lụng để gửi 4 triệu đồng về nuôi con ăn học. Mong chúng chăm chỉ học hành để sau này đỡ khổ. Còn tôi ở trên này sao cũng được. Có cá dưới hồ rồi, thịt thà lâu lâu mua ít, ở trọ ghép với bạn chài cũng vui”-anh Dô bộc bạch.
Với ngư dân Đàm Tắc Thiện, mảnh đất Ia Mơr là nơi anh viết nên câu chuyện tình yêu đẹp với cô gái Jrai tên là Rơ Châm Hưng. Sau 10 năm lên xã biên giới đánh cá với ước vọng cuộc sống đỡ khốn khó hơn, anh Thiện đã có 1 gia đình nhỏ với 2 đứa con. Từ đó đến nay, ban ngày, 2 vợ chồng làm rẫy, tối thì xuống hồ đánh cá. Cuộc sống gia đình dần ổn định. Con cái được đến trường.
Đất Ia Mơr nghèo khó nhưng đầy hơi ấm tình người. Cảm mến tình cảm của người dân nơi đây, gia đình chị Tô Thị Hồng Trang đã quyết định dừng chân sau những năm tháng phiêu bạt.
“Chúng tôi từ Tây Ninh lên Đak Lak lập nghiệp rồi qua đây. Vợ chồng tôi đã mua nhà để ở đây buôn bán và cho con cái học hành. Đợt tới, gia đình sẽ nhập khẩu ở đây luôn. Hiện tôi thu mua cá của ngư dân rồi chở đi nơi khác bán. Ngoài ra, chúng tôi còn làm cá cơm khô, chả cá thác lác. Những món này được rất nhiều người nơi khác đặt mua”-chị Trang chia sẻ.
Những mẻ cá được ngư dân đánh bắt về lúc sáng sớm. Ảnh: Nguyễn Tú
Những mẻ cá được ngư dân đánh bắt về lúc sáng sớm. Ảnh: Nguyễn Tú
Ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, nhiều hộ dân xóm chài đã liên kết với nhau để nuôi cá trong hồ thủy lợi Ia Mơr. Anh Lê Văn Dô cùng anh Phạm Văn Quân (quê Thanh Hóa) và Trần Thành Phát (quê Cao Bằng) đầu tư nuôi cá trê trong lồng bè.
Anh Quân cho hay: “Chúng tôi mượn nhà bè của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 8 để thử nghiệm nuôi cá trê. Đợt trước, chúng tôi mua 15 kg cá giống về nuôi, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. Chúng tôi đã xuất bán đợt đầu tiên và đang nuôi lứa mới. Dù đợt đầu lãi chưa nhiều, nhưng chúng tôi thấy nuôi loại cá này có tiềm năng”.
Theo ông Rơ Lan Chim-Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơr thì từ khi chặn dòng hồ thủy lợi Ia Mơr, nguồn thủy sản phong phú nên dân các nơi đổ về đây đánh bắt. Từ đó, nhiều hộ dân tại chỗ cũng tập tành nghề chài lưới, đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn và có thêm thu nhập. Một số hộ dân cũng được hưởng lợi từ việc cho ngư dân thuê nhà trọ.
“Người dân xóm chài chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước khi đến đăng ký tạm trú và xin đánh bắt cá tại địa phương. Do đó, chúng tôi cũng tạo điều kiện cho con cái họ học hành cũng như cuộc sống hàng ngày. Xã cũng vận động họ thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thủy khi đánh cá trong hồ để đảm bảo tính mạng. Chúng tôi cũng hướng phát triển nghề mới là nuôi thủy sản trong lòng hồ, nhưng chưa thể triển khai vì hồ thủy lợi Ia Mơr không thuộc sự quản lý của xã”-ông Rơ Lan Chim cho biết.
Đêm phủ xuống hồ thủy lợi Ia Mơr. Từ trên bờ đập đưa mắt về phía lòng hồ, hàng loạt bóng đèn điện bẫy cá phát sáng lung linh cùng ánh đèn pin loang loáng tạo một khung cảnh thơ mộng. Phía trong lòng hồ, những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân chầm chậm trôi, bắt đầu cuộc mưu sinh nhiều gian khó.
NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm