Xóm 'chạy' ấy biệt lập giữa bốn bề là biển và rừng - nơi dung chứa những phận đời nổi trôi tìm về kiếm miếng cơm manh áo. Và mỗi khi biển cả nổi cơn sóng dữ, họ lại chạy...
Xóm đảo nhìn từ trên cao - Ảnh: TÚ ANH
Chạng vạng. Chiếc vỏ lãi chở khách băng qua những vạt rừng nham nhở bên rìa biển Tây. Nơi từng được gọi là "bãi bồi" lấn biển thì nay người ta nói về chuyện mất đất, chuyện biển đuổi, triều cường và những đợt sóng tàn phá.
“Trong nắng chiều dần tắt, đó là hai dải nhà sàn tạm bợ bám vào nhau bên cửa biển, được nối bằng một lối đi nhỏ vắt qua mỏm đất. Kề đó, vài căn nhà mọc lên ở phía rừng. Có lẽ là những gia đình đến sau. |
Rẻo đất bao dung
Xóm đảo tôi tìm đến là xóm nhà lẻ loi như ốc đảo giữa bốn bề biển với rừng thuộc ấp Sào Lưới, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân (Cà Mau).
Ở tỉnh cuối nước này, có không ít nơi cũng được gọi "xóm đảo" biệt lập. Nhưng xóm đảo Sào Lưới heo hút đến chẳng nơi nào bì được. Có lẽ, nếu không ai nhắc, chắc nhiều người cũng quên mất lại có một xóm dân như vậy.
Xóm có 22 nóc nhà. Kẻ đến người đi, trẻ con, người già chen chúc trong chưa quá mười công đất rìa bãi bồi. Phần lớn những cư dân đầu tiên còn sinh sống tại xóm đều là những người tứ cố vô thân, vì manh áo chén cơm mà dạt xuống nơi này.
Ông Tư Lanh (Nguyễn Văn Lanh, 68 tuổi), nhà rìa xóm, kể chuyện đời rằng mình đến với xóm đảo này đã ngót 20 năm. Quê ông ở Bến Tre, lênh đênh thương hồ khắp nơi, rồi người quen chỉ ông đến đây. Tới nơi thì chiếc ghe nhỏ chở che gia đình ông cũng vừa mục nát.
Ông già tâm sự bận trước xứ này dễ sống. Bãi bồi là eo biển cạn, nơi sinh sản nhiều loài thủy tộc, dân không thiếu cá, tôm.
Hằng ngày xách cần câu, tay lưới ra biển một buổi thì trở về đã có cái ăn. Lúc ông đến, xóm đảo là mỏm đất nhô ra hướng biển. Quanh đó là rừng mắm giữ phù sa cho đất mới sinh sôi và bao dung cho những phận đời tứ xứ tìm về.
Dân Cà Mau có câu quen thuộc: "cây mắm đi trước, cây đước theo sau". Khi cây mắm tiên phong giữ phù sa, cây đước sinh trưởng sau đó để "thủ đắc" bờ biển thành đất liền. Bao đời, bãi bồi cứ lấn ra biển theo tự nhiên như vậy.
Chỉ những con sóng đục ngầu, Tư Lanh kể rằng ngày trước xóm đảo nhộn nhịp hơn nay. Nhà ông không phải căn đầu tiên như giờ. Bởi ngoài kia còn có nhà Bảy Lâm, Tư Quỳnh, Tám Cuồng, Tư Hương, Tư Cuộc...
Họ cũng là dân khắp nơi về đây sống nghề câu lưới. Ngày ngày, xóm đảo tuy biệt lập với bên ngoài nhưng hàng chục mái nhà quây quần, trai tráng đông vui đi về theo từng con nước.
Nhưng rồi tới hồi biển giả trở nên khó sống hơn. Bãi bồi nổi tiếng là ụ cá lại khan hiếm cá. Hết triều cường lại đến sóng dữ tấn công.
Sạt lở, bão bùng đã dỡ đi những ngôi nhà ở phía ngoài, xóa đi mỏm đất ít ỏi ở xóm đảo. "Hàng thủ" rừng phòng hộ liên tục bị xuyên thủng. Nhiều gia đình đành tìm nơi khác dung thân.
Đó là những người còn có nơi khác để đi. Họ mua được rẻo đất nhỏ nào đó để cắm dùi, hay lên miền Đông làm công nhân... Nhưng phần lớn những người tôi gặp tại xóm đảo nói họ còn ở lại vì không biết phải đi đâu.
"Hàng chục năm sống quanh quẩn đây, ngày ra biển, chiều về cũng đi mấy bước trong xóm... mình quen, đi nơi khác sợ khó sống", ông Nguyễn Khắc Điệp (58 tuổi)trải lòng. Người đàn ông nói mình đã đi khắp nơi làm thuê suốt 20 năm nhưng tay trắng vẫn hoàn tay trắng.
Ông Điệp có với người vợ đầu 3 mặt con. 20 năm trước, vợ ông thiệt mạng do bị chìm xuồng. Ông gà trống nuôi con cho đến khi gặp được người vợ sau, cũng một mình nuôi 6 đứa con.
Hai người gá nghĩa, cùng chung nuôi 9 con nhỏ. Lúc thấy gia đình ông lay lắt dưới tán rừng, cán bộ địa phương gợi ý họ ra xóm đảo mà ở. Và họ đã nuôi nấng, dựng vợ gả chồng cho 9 đứa con cũng nhờ biển cả bao dung nơi xóm rừng heo hút này.
Trẻ con bên những chiếc cầu khập khễnh - Ảnh: TÚ ANH
"Sống như ốc mượn hồn"
Dân xóm đảo nói với tôi rằng lần sau hãy lựa lúc... trời mưa dông mà ra, bởi mới thấy hết đời sống dân tình ở đây. "Hồi trước biển hiền lành.
Nhưng từ khi "trở chứng" đuổi mấy hộ dân đầu xóm, biển đã không còn hiền hòa", ông Nguyễn Văn Đông (55 tuổi) nói ám ảnh của bà con ở đây là những lần triều cường. Nhà cửa bị nhấn chìm. Thậm chí cách nay vài tháng, sóng dữ còn cuốn phăng con lộ duy nhất trong xóm.
Và nhà Linh đầu xóm bị biển kéo sạch vật dụng, nhà Nị sóng đánh trôi cả người... Cả xóm co cụm về một góc phía rừng.
"Mình sống ở đây như kiếp ốc mượn hồn. Nhà cửa tạm bợ, chưa biết lúc nào phải chạy khỏi chỗ này. Nhưng giờ thì vẫn phải sống, nếu không thì cũng chẳng biết đi đâu...", ông Quách Văn Hên nói dân xóm đảo quen cảnh sống tản cư, mà nói dễ hiểu là... chạy!
Khi có mưa gió lớn hay dự báo có thời tiết xấu, cán bộ xã lại chạy ra gọi dân vào trụ sở, trường học để nương náu. May mắn thì nhà cửa vẫn vẹn nguyên. Còn xấu hơn, khi dân cư trở lại xóm thì phải dựng lại từ điêu tàn.
"Đêm nào nghe biển có khác thường là đêm đó tôi thức trắng", bà Nguyễn Thị Bay (63 tuổi) nói về nỗi ám ảnh nước dâng, sóng to gió lớn với dân xóm đảo. Thiên nhiên như đang thử thách những người mà cuộc sống hằng ngày họ cũng đã phải chịu nhiều cam go.
Trẻ em ở đây có bài học vỡ lòng là phải biết ngoi lên từ sóng nước. Đến trường, chúng cũng phải qua mấy chặng xuồng...
Hôm nào thời tiết xấu, trẻ phải ở nhà thì xuồng ghe cũng không ra biển. Ghe không ra biển thì lại thiếu cái ăn. Chính quyền địa phương ít lâu lại mang mì, mang gạo, mang lưới ra cho các hộ nghèo nhưng chẳng bao lâu sóng lại cuốn trôi.
Hôm chúng tôi đến, dân ở đây khoe có một gia đình trong xóm cho con học tới đại học. Thấy người lạ, đám nhỏ đen đúa, tóc cháy nắng cứ lẽo đẽo theo sau.
Tôi hỏi cậu bé Trần Văn Nguyên (12 tuổi, học lớp 3), mồ côi, đang ở với bà, rằng em có muốn vào trong để sống gần nhiều người hơn. Em lắc đầu: "Học tới biết chữ thì con nghỉ để đi biển...".
Tôi nghe cậu bé nói lời được lời mất vì tiếng sóng biển đang quăng quật vào xóm nhỏ.
Cái tình ở xóm đảo Tất cả hộ dân trong xóm đảo đều làm nghề biển - Ảnh: TÚ ANH "Sống đâu quen đó chú à! Nghe nói chính quyền cũng tính dời dân vào trong đất liền. Nhưng vào đó xa biển, xa bãi, không biết có sống được không", bà Bay băn khoăn. Bà nói xóm nhỏ thiếu thốn đủ bề, hiểm nguy sóng gió nhưng bao năm hàng xóm quây quần bên nhau. Tối lửa, tắt đèn, tiếng cười, tiếng khóc cả xóm cùng nghe. Cái tình chòm xóm là vậy. Nếu có đi đâu xa thì họ cũng vì cho đám nhỏ có điều kiện học hành, biết được ngoài rẻo đất nhỏ nhoi ở cuối nước còn có thế giới văn minh. |
Tiến Trình (TTO)