Phóng sự - Ký sự

Xốn xang một khúc vĩ cầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trưa vắng. Giữa rẫy vườn xanh mướt, tiếng vĩ cầm réo rắt dòng âm thanh đầu tiên trong một ca khúc kinh điển: “Đồng xanh là chốn đây, thiên đàng cỏ cây/Là nơi bầy thú hoang đang nô đùa trong nắng say…”. Tiếng ve rộ lên râm ran. Dường như chúng cũng xốn xang vì tiếng vĩ cầm của một nông dân rất mực nghệ sĩ-ông Vũ Văn Tam Lang.
Đã có nhiều bài báo viết về ông, người có những sáng kiến tiền tỷ trong lĩnh vực nông nghiệp. Cũng từng có nhà báo tìm đến ông để viết về một trường hợp hiếm hoi chế tác thành công đàn violon (vĩ cầm). Nhưng tôi thì vẫn không thôi thắc mắc: Vì sao trong ông có thể dung chứa cùng lúc cả 2 niềm đam mê dường như chẳng liên quan gì đến nhau? Vì sao với đam mê nào ông cũng đi đến tận cùng dù không qua trường lớp đào tạo?
Nông dân nghệ sĩ
Nhà ở số 93 Phan Đình Phùng nhưng rẫy vườn ông Vũ Văn Tam Lang nằm ở tổ 1 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Cả 7 ha đều phủ xanh hồ tiêu. Trong đợt dịch bệnh khiến hồ tiêu nhiều địa phương chết hàng loạt thời gian qua, vườn cây của ông vẫn xanh tốt. 
Thế nhưng, không gian bên trong ngôi nhà vườn lại nói lên một thiên tính khác của chủ nhân, người tưởng chừng chỉ quen một nắng hai sương. Vừa vào cửa đã gặp ngay chiếc bàn thấp, bên trên đặt nhiều dụng cụ chế tác đàn. Gần bàn trà kê chiếc đàn guitar ông vừa làm xong, phần lưng và hông đàn làm bằng gỗ nu hương, mặt trên là gỗ pơ mu. Nếu không có dòng chữ nắn nót dán bên trong ghi tên ông và thời gian hoàn thiện tác phẩm, thật khó lòng phân biệt nó với những cây đàn ngoài cửa hiệu vì độ tinh xảo. 6 dây đã lên nghiêm ngắn, tiếng đàn vang và ấm khi thử dạo một khúc tình ca. 
Ông Vũ Văn Tam Lang say sưa biểu diễn cùng chiếc đàn violon do chính ông chế tác. Ảnh: Phương Duyên
Là người được ông Tam Lang nhờ thẩm định hầu hết các cây đàn violon, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Trường Sơn-Trưởng bộ môn Hòa tấu (Khoa Dây, Học viện Âm nhạc Quốc gia) kinh ngạc: “Ở Việt Nam chưa từng có ai không qua trường lớp đào tạo mà lại chế tác thành công đàn violon như anh Tam Lang. Đây không chỉ là điều đặc biệt mà phải gọi là ngoại lệ, có thể xem là kỷ lục của Việt Nam. Phải yêu cây đàn lắm, cộng thêm nhiều yếu tố như am hiểu về thực vật, cơ khí, kỹ thuật thì mới làm ra được những cây đàn như thế với giá trị tinh thần rất lớn. Nếu anh Tam Lang được thêm nhiều người trong giới chuyên môn đánh giá, góp ý thì đàn violon do anh làm ra chắc chắn sẽ đạt đến chuẩn mực vốn có”.
Không gian ấy không thể thiếu chiếc đàn violon, cũng do chính tay người nông dân này làm ra. Sau khi kéo đàn tặng khách một bản nhạc xưa, ông Tam Lang chậm rãi kể lại: Quê ông ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Nhà có 10 anh chị em, trừ 1 người mất sớm thì 9 người còn lại đều biết chơi từ 2 loại nhạc cụ trở lên. Cha ông là nhà thơ Vũ Phan Long, cùng thời với các văn nhân, thi nhân nổi tiếng đất Bình Định bấy giờ như: Nguyễn Mộng Giác, Võ Phiến, Quách Tấn…
Là giáo viên âm nhạc Trường Trung học Cường Để Quy Nhơn, ông Vũ Phan Long dạy các con chơi nhạc từ nhỏ. Đầu tiên chơi mandolin, sau đó đến violon, ai thích thì tự học thêm piano, guitar… Anh em ông ai cũng lần lượt được cha tặng riêng 1 cây violon. Giờ đây, ở tuổi 61, ông vẫn giữ gìn cẩn thận cây đàn quý giá gắn liền với ký ức tuổi thơ. Đó là một cây đàn của Pháp, sản xuất năm 1721. 
Lớn lên trong cái nôi âm nhạc, ông tốt nghiệp Khoa Văn (Trường Cao đẳng Sư phạm Nghĩa Bình) rồi đi dạy văn cấp II ở Quy Nhơn. Năm 1986, ông Tam Lang được Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai mời về… dạy nhạc. Sau 2 năm, đời sống khốn khó buộc ông phải tìm hướng đi khác: nghỉ dạy, cùng vợ nhận xay xát, mua bán nông sản.
Song, bản tính nghệ sĩ chẳng bó buộc ông với công việc ấy lâu. Ông quyết định về vùng ven mua 7 ha đất làm vườn dù khi đó ai cũng bảo ông điên. Do không nắm vững kỹ thuật nên ông thất bại liên tiếp trong việc trồng cà phê, chi phí sinh hoạt đội lên do 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Khi tôi hỏi rằng thất bại nào là cay đắng nhất, ông chỉ mỉm cười: “Không có thất bại nào là quá đau đớn, bởi những bài học cũng đến từ đó. Tôi luôn xem câu nói này của một nhà triết học Đức là kim chỉ nam trong cuộc đời: …Tôi cần phải lao tâm nhọc trí để kiếm ra tiền của và phải trải qua những cơn buồn nôn, xuống tận cùng hố thẳm cuộc đời để hiểu rằng cuộc đời là thật, không viễn tưởng mộng mơ. Nhờ câu nói ấy nên khó khăn nào tôi cũng vượt qua”. 
Ông lại lao vào nghiên cứu tài liệu, tham quan, học hỏi các mô hình kỹ thuật thành công. Từ đó, ông đưa ra ý tưởng cải tiến máy cày cầm tay thành máy đào rãnh banh bồn, ép xanh gốc cà phê. Sau khi chuyển 3 ha cà phê sang trồng hồ tiêu, ông lại táo bạo đưa ra ý tưởng: cây trầu cùng họ với cây hồ tiêu, rễ cây trầu cay nồng nên khó có khả năng mắc chứng bệnh tuyến trùng rễ, sao không thử ghép dây hồ tiêu lên gốc trầu? Kết quả là các dây hồ tiêu ghép phát triển xanh tốt, cho năng suất cao hơn hẳn.
Ông cũng rất mát tay khi chữa thành công bệnh vàng lá hồ tiêu nhờ đưa thuốc vào bộ rễ để tiêu diệt tuyến trùng; sau đó lại mày mò nghiên cứu về vi sinh vật đất và cách sản xuất phân hữu cơ… Tất cả đều được đánh giá là những sáng kiến tiền tỷ. Rất nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đã khăn gói tìm đến vườn cây của ông để học hỏi.
Thời “hoàng kim” của hồ tiêu, ông thành lập Câu lạc bộ Hồ tiêu Tam Lang, thu hút trên 100 thành viên khắp các tỉnh, thành với mục đích chia sẻ kinh nghiệm. Năm 2014, lão nông này còn tự biên soạn cuốn “Cẩm nang nông nghiệp” dày 582 trang để tặng những ai thực sự quan tâm đến nông nghiệp sạch.
Tìm lại tiếng đàn xưa
Suốt 40 năm cặm cụi với cuộc mưu sinh và những nghiên cứu về nông nghiệp, ông Tam Lang quên hẳn cây đàn tuổi thơ. Khi kinh tế gia đình đã vững vàng, những khát khao xưa cũ lại quay về. Cũng khi ấy, ông phát hiện cây đàn Pháp cha tặng bị gãy cần. Không biết mang đi sửa ở đâu, ông bèn tháo cần, tháo mặt trước ra xem kết cấu rồi tự sửa lại. Mong ước có một cây đàn do chính tay mình làm ra, cách đây gần 3 năm, ông bắt tay vào chế tác dù loại nhạc cụ đến từ phương Tây này là một thử thách không nhỏ.  
Với niềm đam mê và thôi thúc mãnh liệt, lại đúc kết được kỹ thuật, am hiểu thực vật nhờ làm nông nghiệp nên tháng 10-2018, cây đàn violon đầu tiên đã hoàn thiện với chất liệu chính là gỗ bằng lăng chun. Riêng mặt trên-đóng vai trò cộng hưởng với dây để tạo độ vang-luôn phải là gỗ thông.
Theo ông Tam Lang, cái khó là nhóm gỗ thông xứ nhiệt đới (pơ mu, thủy tùng, thông 3 lá, thông đỏ) vốn nhiều nhựa khiến âm thanh bị đục, khó làm được cây đàn hay. Để khử hoàn toàn chất nhựa, trước tiên, ông ngâm gỗ thông trong cồn 90 độ cả tháng trời, tiếp đó nấu 2 ngày với xà phòng rồi nấu kỹ lại bằng nước sạch đến khi mảnh gỗ thông không còn tạp chất gì. Cái khó nữa là phần gỗ làm mặt sau đều là gỗ quý nên khá nặng, phải khéo léo tính toán sao cho cây đàn đảm bảo tiêu chuẩn về trọng lượng (dưới 600 gram). Trừ những chi tiết phải đặt mua như: ngựa đàn, ốc vít, lông đuôi ngựa để làm vĩ… toàn bộ đều do ông tự tay thực hiện.
Ông Vũ Văn Tam Lang và một phần bộ sưu tập những chiếc đàn ông làm ra suốt gần 3 năm nay. Ảnh: Phương Duyên
Khỏi phải nói ông nôn nóng như thế nào khi làm cây đàn đầu tiên. Chưa hoàn thiện, ông đã ráp dây vào kéo thử. Bàn tay chai sần hồi hộp cầm chiếc vĩ miết lên dây đàn. Khi những thanh âm đầu tiên da diết cất lên, bao ký ức tuổi thơ ùa về với hình bóng mẹ cha, anh chị em trong không gian tràn trề tiếng nhạc. Xốn xang nỗi niềm, xốn xang nhung nhớ. Xốn xang niềm luyến tiếc vì đã bỏ quên đam mê âm nhạc suốt 40 năm… Thì ra, con người nghệ sĩ trong ông chưa bao giờ rời đi. 
Đến nay, ông Tam Lang đã chế tác tổng cộng 22 chiếc đàn violon và 1 cây guitar. Tất cả đều làm từ những loại danh mộc như: nu hương, nu dổi, nu kháo vàng, thủy tùng, pơ mu, thông đỏ, trắc, cẩm lai… để chứng minh rằng vẫn có thể chế tác đàn mà không phụ thuộc vào gỗ thông và gỗ phong của châu Âu như quy chuẩn lâu nay. Tâm nguyện của ông là hoàn thiện 100 chiếc đàn làm bằng đủ loại gỗ quý của Việt Nam. Tất cả chỉ để thỏa đam mê chứ không bán. Ông cũng ấp ủ dự định mở 1 triển lãm đàn violon để giới thiệu đến công chúng yêu nhạc.
Ông Tam Lang bên chiếc đàn guitar đầu tiên chế tác bằng gỗ nu hương và pơ mu. Ảnh: Phương Duyên
Giờ đây, khi cơm áo, gạo tiền không còn là vấn đề lớn, hễ có dịp là anh chị em trong gia đình ông lại tề tựu như những người tâm giao để cùng hòa tấu nhạc cụ, cùng ngân lên âm vang những ngày xưa cũ. Niềm hạnh phúc ấy dễ gì có được. Kéo đàn tặng khách thêm một bản tình ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mắt lão nông nghệ sĩ ánh lên niềm vui: “Biết đâu tôi sẽ chế tác thêm những nhạc cụ khác. Mandolin chẳng hạn”. 
Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai: “Ít ai biết đến anh Vũ Văn Tam Lang với vai trò là một nghệ sĩ vì anh không phải là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật, lại chú tâm nhiều hơn vào mảng nông nghiệp. Nỗ lực của anh trong việc chế tác đàn violon và guitar rất đáng trân trọng”.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm