Phóng sự - Ký sự

Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình: Người cựu binh vì dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là PGS-TS Nguyễn Xuân Bả, người theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ra chiến trường đến khi rời quân ngũ đã có nhiều nghiên cứu, giúp đỡ dân nghèo vùng cao cải thiện cuộc sống
PGS-TS Nguyễn Xuân Bả (SN 1961), hiện là trưởng Khoa Chăn nuôi - Thú y Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh ĐH Huế. Chúng tôi được ông hẹn gặp sau chuyến đi Quảng Ngãi, Bình Định triển khai mô hình chăn nuôi bò cho nông dân.
Mang kiến thức vào quân ngũ
Sinh ra tại huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, sau khi tốt nghiệp THPT, PGS-TS Nguyễn Xuân Bả trúng tuyển vào ngành chăn nuôi Trường ĐH Nông nghiệp 2 Hà Bắc. Tốt nghiệp loại xuất sắc, được nhà trường giữ lại nhưng chưa tròn 1 năm công tác, vào năm 1986, người thầy trẻ phải tạm rời giảng đường lên đường nhập ngũ, làm lính Sư đoàn 304, đóng quân khu vực biên giới Việt - Trung ở tỉnh Lạng Sơn.
Hai năm sống trong môi trường quân đội, giảng viên trẻ này vận dụng những kiến thức học được vào các mô hình "tăng gia sản xuất" ngay tại sư đoàn. "Ngoài thời gian chính là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi cùng nhau chăn nuôi gà, lợn hay trồng rau để cải thiện bữa ăn. Thời kỳ ấy còn khó khăn nên những mô hình đó giúp ích cho đơn vị rất nhiều" - PGS-TS Nguyễn Xuân Bả nhớ lại. Chính những đóng góp tích cực và chấp hành kỷ cương quân đội nên ông sớm được kết nạp vào Đảng khi còn tại ngũ.
 
PGS-TS Nguyễn Xuân Bả (giữa) trong một buổi đi chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà cho một gia đình cựu chiến binh ở thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế
Trở về công tác tại Trường ĐH Nông Lâm Huế sau khi giải ngũ năm 1988, ông được phân công làm giảng viên tại Khoa Chăn nuôi - Thú y. Với vai trò là người thầy trên bục giảng suốt 30 năm qua, nhiều thế hệ sinh viên đã được PGS-TS Nguyễn Xuân Bả truyền đạt kiến thức để ra trường giúp ích cho xã hội.
Không những vậy, PGS-TS Nguyễn Xuân Bả được nhiều thế hệ sinh viên biết đến với vai trò cầu nối để tìm kiếm các nguồn tài trợ học bổng. Vào năm 2016, ông đã vận động và thành lập được quỹ "Chắp cánh ước mơ" của khoa để hỗ trợ học bổng cho sinh viên. Đến nay, quỹ học bổng này mỗi kỳ học thường trao 10-15 suất, mỗi suất 4 triệu đồng. Ông nói rằng sự kết nối giữa các thế hệ sinh viên như thế sẽ tạo cơ hội việc làm cho những em đang ngồi trên ghế giảng đường.
Bạn quý của nhà nông
Ngót 30 năm giảng dạy, PGS-TS Nguyễn Xuân Bả đã thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có nhiều công trình về cải thiện hệ thống chăn nuôi bò thịt tại miền Trung - Tây Nguyên; phát triển chế biến thức ăn gia súc và sản xuất các loại thức ăn vỗ béo cho bò. Ông nói khu vực miền Trung có thuận lợi về chăn nuôi bò nhưng do tập quán đưa bò thả rông vào rừng trong một thời gian dài rồi mới lùa về nên bò sinh trưởng không tốt. "Tôi đã tìm tới nhiều khu vực người dân chăn thả để làm những thống kê nhằm đưa ra giải pháp chăn nuôi có hiệu quả thông qua việc thay đổi phương thức sản xuất" - ông chia sẻ.
 
PGS-TS Nguyễn Xuân Bả bên chuồng bò nuôi theo phương thức mới của nông dân huyện A Lưới (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Từ năm 2007, Hội Những người ủng hộ nạn nhân Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam ở Tasmania - Úc (VVAOT) ủng hộ hơn 150 con bò cho 5 xã thuộc huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đánh giá hiệu quả của chương trình sau 5 năm, VVAOT nhận thấy tỉ lệ bò chết còn nhiều, sinh sản của bò chưa cao. Qua sự giới thiệu, VVAOT đã tìm đến PGS-TS Nguyễn Xuân Bả để nhờ hỗ trợ. Với kinh nghiệm và hiểu biết của mình, ông đã đưa ra phương pháp chăn nuôi hiệu quả bằng cách tổ chức các buổi tập huấn cho người dân về xây dựng chuồng trại, thức ăn và kỹ thuật nuôi dưỡng... Nhờ vậy, bò sinh trưởng tốt và gần như không xảy ra tình trạng chết do bệnh như trước đây.
Năm 2013, PGS-TS Nguyễn Xuân Bả cùng với Quỹ Những trái tim Huế liên kết với VVAOT, Hội Cựu chiến binh vì hòa bình ở Mỹ (Veterans for Peace) triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm giúp đỡ cải thiện sinh kế cho hơn 130 hộ gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam tại nhiều xã ở huyện A Lưới thông qua chương trình phát triển chăn nuôi bò sinh sản theo hướng bán chăn thả và heo sinh sản. Rất nhiều hộ gia đình ở khu vực này đã thoát nghèo nhờ mô hình này.
Ông Quỳnh Sen - một người được dự án hỗ trợ ở xã Hồng Trung, huyện A Lưới, cho biết từ ngày gia đình ông làm chuồng bò xa nhà ở theo mô hình mới thì việc ô nhiễm nơi ở đã giảm. "Chúng tôi đã biết trồng cỏ, sử dụng thân cây chuối cho bò ăn nên hiệu quả chăn nuôi khá cao, bò sinh sản tốt. Từ một con bò giống ban đầu, đến nay đã đẻ được nhiều lứa, gia đình tôi cũng bán nhiều con rồi nên cuộc sống đỡ vất vả nhiều" - ông Sen vui mừng.
Đối tượng của những dự án thực hiện theo phương pháp chăn nuôi của PGS-TS Nguyễn Xuân Bả là các "gia đình da cam", người khuyết tật, cựu chiến binh, người dân tộc thiểu số, người bị tâm thần đã hoàn tất điều trị. Ông chia sẻ thêm: "Người vùng cao do kiến thức, sự hiểu biết còn hạn hẹp nên chúng tôi phải cùng ăn ở với họ để cầm tay chỉ việc. Đôi khi mất hàng tháng trời họ mới nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi".
Lãnh đạo ĐH Huế đánh giá chính sự tận tâm cống hiến mà người cựu binh Sư đoàn 304 năm nào đã giúp hàng trăm gia đình tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. 
Tôi chỉ là chiếc cầu nối, đưa kiến thức để giúp người dân phần nào vơi bớt khó khăn. Điều tôi vui nhất là những công trình của mình không đóng khung trên những trang giấy mà nó được làm bạn đồng hành với nhà nông".

PGS-TS Nguyễn Xuân Bả

Kỳ tới: Làm giàu trên quê hương

Quang Nhật (Người Lao Động)

Có thể bạn quan tâm