Sức khỏe

Y dược cổ truyền

Xót xa thân phận đứa bé 'ma rừng' khiến cả làng xa lánh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Các bác sĩ nói bệnh của cháu cần phải được phẫu thuật gấp, nếu để bệnh nặng thêm thì rất khó chữa trị. Nhưng vợ chồng tui biết lấy đâu ra số tiền lớn đến vậy mà phẫu thuật cho cháu bây giờ…”.

Một người phụ nữ với nỗi buồn mênh mang cả núi. Sinh con ra thì con mang cái “bệnh đầu to”, bị mọi người trong làng gọi là “ma rừng” nên bị mọi người xa lánh. Phận đời của người đàn bà xứ núi ấy cứ buồn thê thiết.

Lời tâm sự của đôi vợ chồng nghèo “rớt mồng tơi” vợ chồng chị H'Mết Ê Ban (SN 1992) và anh Y Bút Byã (SN 1991, ở buôn Knia 4, xã Ea Bar, Buôn Đôn, Đak Lak), thốt lên một cách đau đớn, thể hiện sự bất lực đến tột cùng. Nhưng làm sao anh, chị có thể vui được khi đứa con mình đứt ruột sinh ra giờ chưa biết sống, chết lúc nào.

Bồng con trên tay, chị H'Mết Ê Ban nước mắt chảy dài, kể: “Lúc tôi mang thai 3 tháng, đi khám thai ở bệnh viện nhưng bác sĩ đều nói thai bình thường, không dị tật, lại là con trai nên vợ chồng tôi mừng lắm. Đến lúc 6 tháng tôi khám ngoài mới phát hiện con bị bệnh não úng thủy, đầu đã phình to ngay ở trong bụng. Khi sinh nó ra, thay vì thai bình thường mổ chỉ có 7-10 phân, đằng này các bác sĩ phải mổ đến 20 phân mới có thể lấy nó ra được, vì đầu nó to gấp 3 đứa trẻ bình thường…”.


 

 



Ca mổ thành công, cả chị và con đều an toàn. Nhưng nhìn con mình không được may mắn như những đứa trẻ vừa sinh khác, nên ngày nào chị cũng khóc đỏ mắt. Bác sĩ khuyên chị cố gắng đưa cháu về nuôi được ngày nào hay ngày đó, chứ nếu chữa trị thì cũng không chắc thành công và lại cần một khoản tiền rất lớn. Chị đau xót bước chân không vững mang con về nhà.

Từ ngày đó, chị phải nghỉ hẳn mọi công việc để ở nhà chăm sóc con. Gánh nặng mưu sinh cho cả nhà đổ dồn lên vai người chồng.

Hiện giờ đầu cháu H'Xíu Ê Ban ngày càng phình to hơn, chân tay thì teo tóp lại và khóc ré liên tục cả ngày lẫn đêm. Bởi thế, đêm nào chị cũng chẳng được ngủ yên giấc. Thấy có người lạ đến nhà, cháu bé thôi không khóc nhưng đôi mắt trợn tròn đảo liên tục rồi ứa nước mắt, kèm theo là những dòng rãi chảy xuống khiến cậu bé phải lấy lưỡi liếm liên tục. Tay, chân cậu co quắp lại không cử động được, ngoại trừ cái đầu to quá cỡ, phần còn lại của cơ thể từ cổ xuống chân gầy đét chỉ còn da bọc xương. Với cái đầu to kỳ dị và cơ thể teo tóp, cháu bé đang sống dở chết dở vì bị coi là “ma rừng”.


 

 


Khi kể về căn bệnh quái ác của con, anh Y Bút Byã xót xa nói: “Ban đầu khi mọi người nhìn thấy cháu có cái đầu to kỳ dị như thế, tất cả mọi người đều sợ hãi và cho rằng thằng bé đã bị “con ma rừng” nhập vào. Lúc đầu gia đình cũng nghĩ vậy liền mua mấy con heo để cúng “ma rừng”, cúng làng, thế nhưng cái đầu của nó chẳng thấy nhỏ lại mà ngày càng to ra, mọi người lại càng sợ hãi hơn, lánh xa. Những người trong gia đình tui đi đến đâu, họ cũng xua đuổi vì cho rằng, nhà tui có... “ma rừng”. Buồn lắm, nhưng vì nó là con của mình, dù thế nào cũng phải cưu mang chứ làm sao bỏ được. Người dân trong thôn làng thì sợ sẽ mang lại những điều xui xẻo cho họ nên không ai dám đến gần, không giao tiếp cũng như không đi làm chung với tui nữa. Thế là gia đình tui bỗng dưng cô độc, phải sống tách biệt...”.

Ngôi nhà của hai vợ chồng đang ở hết sức xập xệ, xung quanh được thưng ván và tấm lợp hết sức sơ sài, hễ vào mùa mưa là bị dột bởi mái nhà đã hư hỏng rất nặng. Để chống lại cái giá rét mùa đông, anh Y Bút Byã phải dùng bạt ni lon, ngói xin được của hàng xóm để gia cố tạm. Bên trong nhà chỉ có chiếc giường hai vợ chồng ngủ, một chiếc ti vi cũ kĩ để xem tin tức. Ngôi nhà cũng là tài sản duy nhất mà trước ba mẹ để lại cho hai vợ chồng làm chỗ chui ra, chui vào.

Theo phununews.vn

Có thể bạn quan tâm