Phóng sự - Ký sự

Xứ Lắk - những chuyện về thủy quái, voi và phụ nữ có râu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bức ảnh một người phụ nữ M'nông có râu (bên phải) đang được treo tại biệt điện Bảo Đại ở hồ Lắk. Ảnh: T.L
Bức ảnh một người phụ nữ M'nông có râu (bên phải) đang được treo tại biệt điện Bảo Đại ở hồ Lắk. Ảnh: T.L
“Đã lên đây sao không ghé thăm xứ Lắk?”. Tôi giật mình khi nghe bạn hỏi và hình dung “xứ Lắk” là nơi nào đó xa xôi diệu vợi chứ không phải cái hồ tự nhiên lớn hàng đầu cả nước nằm ở huyện Lắk của tỉnh Đắk Lắk và cũng là một trong 3 nơi hiện còn voi để cưỡi (cùng với Bản Đôn ở huyện Buôn Đôn và Nhơn Hòa ở huyện Chư Sê, Gia Lai). Bây giờ đến mới hiểu, là “xứ Lắk” bởi xứ này độc đáo và riêng biệt, không thể lẫn với nơi nào khác ở Tây Nguyên đại ngàn này.
Thủy quái ở hồ sâu không đáy
Hồ Lắk rộng hơn 6km2 mặt nước, người M’Nông bản địa bảo là sâu không đáy và không những thông với dòng Krông Ana – con sông lớn và hùng vĩ nhất Tây Nguyên mà còn “nối đáy” với cả... Biển Hồ ở tận bên Gia Lai, cách đó khoảng 200km! Hồ Lắk cho đến bây giờ vẫn hoang sơ và đẹp mơ màng trong mọi thời khắc. Nhưng truyền thuyết về hồ Lắk của người M’Nông bản địa thì nhiều nhưng kể ra không kỳ thú bằng chuyện về những dấu chân của cựu hoàng Bảo Đại và thứ phi Mộng Điệp đã từng lưu nơi đây. Chuyện bắt đầu vào năm 1951, cựu hoàng Bảo Đại đã chọn một ngọn đồi cao 422m so với mặt nước biển, bao quanh là rừng nguyên sinh bên hồ Lắk để xây dựng cho mình một biệt điện đồ sộ dùng làm nơi nghỉ ngơi và hạ trại săn bắn.
Thú vị là khu biệt điện 3 tầng này do đích thân cựu Hoàng hậu Nam Phương chịu trách nhiệm chi tiền và đứng ra đốc thúc thi công. Nhưng người sống ở biệt điện này nhiều nhất lại chính là thứ phi Mộng Điệp. Thời gian này bà Mộng Điệp được Bảo Đại đón từ Huế lên Đà Lạt. Cũng từ đây, bà Mộng Điệp đã có quãng thời gian gần 3 năm sống với cựu hoàng. Và khu vực hồ Lắk cùng với khu rừng nguyên sinh Mê Vạn được xem là tâm điểm các cuộc săn bắn của Bảo Đại cùng thứ phi! Sinh thời, ông Nguyễn Đức Hòa – một trong những cận thần của cựu hoàng Bảo Đại từng kể rằng, việc chuẩn bị cho những chuyến đi săn dài ngày của cựu hoàng Bảo Đại từ Đà Lạt sang hồ Lắk bao giờ cũng quy mô và kỳ công. “Ngài qua về Đà Lạt - Lắk như cơm bữa, nhưng lần nào trên đường đi ngài cũng háo hức hỏi chúng tôi còn bao lâu nữa thì tới Lắk?” – ông Hòa kể.
Tầm 8 năm trước, tôi may mắn gặp một cận thần khác của cựu hoàng Bảo Đại – cụ Hoàng Nợ, lúc đó đã gần 90 tuổi ở Đà Lạt. Thời trẻ, cụ Hoàng Nợ từng rất nhiều lần tháp tùng cựu hoàng Bảo Đại trong những chuyến xuyên rừng đi săn. Một ký giả người Pháp từng ghi lại việc săn bắn của cựu hoàng Bảo Đại trong cuốn “Bảo Đại hay những tháng ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam”, xuất bản năm 1997: "Nhiều hôm đêm đã về khuya cựu hoàng xách súng lên xe Jeep vào rừng săn cọp. Chỉ có hầu cận đi theo, hiếm hoi mới có một bạn gái đi cùng. Ông là tay săn tầm cỡ. Trong dinh thự của ông, nền nhà phủ da thú làm thảm. Đôi khi ông vào rừng chỉ để thả bộ và suy tưởng, một mình thưởng thức sự thanh vắng trong rừng khuya".
Theo hồi ức của cụ Hoàng Nợ, hồ Lắk ngày ấy rất hoang sơ, bao quanh hồ là rừng nguyên sinh ngút ngàn, thú dữ như cọp, beo, voi... nhiều vô kể. Hồ Lắk còn được ví là “hồ thủy quái” bởi dưới lòng hồ, đâu đâu cũng thấy cá sấu như những thân cây mục lượn lờ. Và cựu hoàng Bảo Đại cùng với thứ phi Mộng Điệp thường xuyên lướt canô có gắn động cơ trên "hồ thủy quái" để du ngoạn bất chấp tính mạng thường trực bị đe dọa. Điều đặc biệt là mặc dù cá sấu rất nhiều, nhưng theo cụ Hoàng Nợ thì cựu hoàng Bảo Đại gần như không săn bắt với lý do: Cá sấu là loài tinh ranh. Với lại dưới nước là nơi không thể quan sát tốt, không thể chủ động nên tốt nhất là không mạo hiểm!
Những con thuyền độc mộc cuối cùng trên hồ Lắk. Ảnh: H.V.M
Những con thuyền độc mộc cuối cùng trên hồ Lắk. Ảnh: H.V.M
Theo Sách đỏ Việt Nam, cá sấu ở "hồ thủy quái" là loài cá sấu Xiêm (Thái Lan) với chiều dài cơ thể đến 4m, thường sống ở những sông hồ lớn, đầm lầy nước ngọt, nơi nước lặng hoặc chảy chậm. Cá sấu Xiêm giao phối khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, đẻ trứng mỗi năm 1 lần vào đầu mùa mưa từ tháng 4 - 10 dương lịch, mỗi lần đẻ từ 15 - 26 trứng, có khi tới 40 trứng, sau khi đẻ 75 - 85 ngày thì trứng nở. Cá sấu sơ sinh dài khoảng 20 - 30cm. Ở Việt Nam, ngoài hồ Lắk, cá sấu Xiêm còn được ghi nhận ở sông Sa Thầy (Kon Tum); sông Ba (Gia Lai); sông Ea Súp, sông Krông Ana, hồ Krông Pách Thượng... (Đắk Lắk).
Theo lời kể của những người già ở Buôn Jun – buôn cổ xưa nhất của người M’Nông bên hồ Lắk, thuở cựu hoàng Bảo Đại lên đây xây dựng biệt điện, bao quanh hồ Lắk, cảnh tượng cứ như trong mơ bởi bao quanh hồ vẫn là ngút ngàn những cánh rừng rậm nguyên sinh. Những cây kơ nia đại thụ hằng mấy người ôm trải dài tít tắp, muông thú nhiều vô kể với những khỉ, voọc các loại, cọp, beo, heo rừng, trăn, rắn... Vào những đêm trăng sáng, thú rừng các loại cứ tràn ra mép hồ uống nước. Để rồi thú lớn rình bắt thú nhỏ, sấu lớn dưới hồ tranh thủ vật bò cắn trâu và hươu nai “tôm tép”, thợ săn trong buôn thì không cần đi đâu xa... Hồi ức thôi nhưng nghe phấn khích vô cùng, cảm giác như máu đang chảy rần rần trong huyết quản. Đặc biệt cho đến những năm 1995, khi quy hoạch hồ Lắk và vùng rừng xung quanh hồ thành Khu rừng lịch sử văn hóa và môi trường với tổng diện tích 12.299ha, thì khảo sát của các chuyên gia sinh học lúc bấy giờ cho thấy, quanh hồ Lắk còn có đến 548 loài thực vật thuộc 118 họ, 61 loài thú, 132 loài chim, 43 loài lưỡng cư - bò sát, 43 loài cá, tôm, cua, ốc....
Bức ảnh người phụ nữ có râu
Quanh hồ Lắk là nơi cư trú lâu đời của người M’nông – sắc dân ngữ hệ Môn-Khmer. Nhìn trên không ảnh, buôn Jun (cùng với buôn M’liêng) nhìn như một doi đất thừa thò ra từ hồ Lắk. Và thật trùng hợp là chữ Jun, tiếng M’nông cũng có nghĩa là thò ra, lồi ra, dôi ra... Có lẽ cũng vì sự “thò ra” độc đáo này mà trong ngôi biệt điện của cựu hoàng Bảo Đại ở trên đồi mà người dân địa phương quen gọi là “đồi Bảo Đại”, ngoài những bức ảnh tư liệu về gia đình cựu hoàng Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương, thứ phi Mộng Điệp, cựu hoàng Bảo Đại cưỡi voi đi săn... còn có nhiều ảnh chụp về những người M’nông xưa được treo trang trọng trong một căn phòng như những nhân chứng lịch sử của ngôi biệt điện và cả vùng đất. Trong số ảnh chụp người M’nông đen trắng không rõ tác giả và thời gian, tôi chú ý đến một bức ảnh rất lạ chụp một người đàn ông đứng cạnh một người phụ nữ có... râu cằm rất dài! Một hình ảnh không còn thấy ở các buôn làng M’nông ở Tây Nguyên. Tôi đã nhiều lần dò hỏi người dân ở buôn Jun, buôn M’liêng về bức ảnh ấy nhưng đang tiếc là không ai có câu trả lời. Thậm chí ngay cả những nhân viên đang chăm sóc, khai thác biệt điện Bảo Đại (nay là khách sạn – nhà hàng Bảo Đại thuộc Cty Cổ phần Du lịch Đăk Lắk) cũng không biết lai lịch của bức ảnh.
“Xứ Lắk” là xứ nước (trong tiếng M’nông, “Lắk” có nghĩa là nước). Không chỉ có thế, ngay cả đỉnh núi cao nhất trong xứ cũng đặt tên là “Yang Lak” (thần Nước) với hàm nghĩa thần nước ngồi trên cao xanh kia để nhìn xuống, coi ngó, che chở... cho cư dân trong vùng. Rồi theo dòng lịch sử, “xứ Lắk” từng được gọi tên hành chính là “quận Lắk” và bây giờ là “huyện Lắk”. Vì là xứ nước, nên hồ Lắk cũng là quê hương của những con thuyền độc mộc (thuyền được đục từ một cây cổ thụ) độc đáo không nơi nào có ở Tây Nguyên. Giờ thì những khu rừng cổ thụ nguyên sinh ở “xứ Lắk” phần lớn đã thành đất trống đồi trọc, nhưng nay những con thuyền độc mộc vẫn còn đó – vẫn được người dân bản địa quanh hồ sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Họ vẫn dùng thuyền độc mộc làm phương tiện để đi rẫy, ruộng, đánh bắt cá, hái lượm, vui chơi... Mấy năm trở lại đây, thuyền độc mộc ở hồ Lắk còn có them nhiệm vụ chuyên chở khách du lịch đi dạo ven hồ cùng với dịch vụ cưỡi voi.
Nhắc chuyện cưỡi voi mới nhớ ở xứ Lắk hiện còn khoảng 20 cá thể voi nhà ở buôn Jun và M’liêng đang được đưa vào khai thác du lịch bằng cách chở khách đi dạo trên hồ Lắk. Mặc dù cho thu nhập rất cao (trên dưới 2 triệu đồng/ ngày/ cá thể voi), những việc nuôi nhốt và khai thác du lịch như thế này là nguyên nhân chính dẫn đến đàn voi nhà ở xứ Lắk nói riêng và tỉnh Đăk Lắk nói riêng đã và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì không có khả năng giao phối, sinh sản. Còn nhớ cuối năm 2017, một sự kiện được chờ đợi sẽ gây chấn động không chỉ ở Việt Nam là lần đầu tiên H’Ban Nang – một con voi nhà của ông Y Mứ Bkrông ở buôn M’liêng của xứ Lắk đã mang thai và biết đau đẻ sau khi tỉnh Đăk Lắk ban hành Nghị quyết số 78 “Quy định một số chính sách bảo tồn voi” tháng 12.2012 - thời điểm tổng đàn voi nhà Ðắk Lắk chỉ còn 44 con, trong đó 25 voi cái, 19 voi đực. Và khoảng phân nửa còn trong độ tuổi có thể sinh sản. Việc lần đầu tiên một con voi nhà chịu “yêu”, thụ thai và biết đau đẻ mang lại rất nhiều hy vọng cho công cuộc bảo tồn, nhân giống đàn voi nhà đang bị mất dần ở Đăk Lắk. Tuy nhiên, hy vọng sau đó đã trở thành tuyệt vọng khi sau đó, voi H’Ban Nang đã không thể sinh được con do thai chết trong bụng mẹ trước khi chào đời. Và rồi những con voi đang sống kia – 18 con còn lại ấy, chẳng lẽ mai đây sẽ già cho đến biến mất toàn bộ vì không thể có thêm con voi nào được sinh ra nữa? Cùng chung số phận với voi là hơn 200 chiếc thuyền độc mộc ở các buôn làng quanh hồ Lắk. Chúng cũng là những vật dụng cuối cùng có liên quan đến rừng vì đã hai chục năm nay ở hồ Lắk không xuất hiện thêm chiếc thuyền nào mới, trong khi rừng và cây rừng để có thể làm thuyền ở xứ Lắk giờ chỉ còn trong những bức ảnh đen trắng.
Dịch vụ cưỡi voi trên hồ Lắk. Ảnh: H.V.M
Dịch vụ cưỡi voi trên hồ Lắk. Ảnh: H.V.M
Nhớ hôm ngồi thuyền, cưỡi voi đi quanh “hồ thủy quái” đã và đang bị băm nát bởi đăng, đó mà người dân cắm bắt cá dày đặc; trên bờ thì nhiều đoạn người dân đổ đất lấn chiếm xây nhà lập vườn sinh hoạt chen chúc, xô bồ... Tôi không thể không thở dài chạnh lòng khi một nài voi thật thà thú nhận đến thời điểm này “hồ thủy quái” gần như chẳng còn con “thủy quái” nào. Cá sấu Xiêm hồ Lắk ngày nào giờ đi đâu hết? Câu trả lời không khó bởi cá sấu Xiêm thịt rất ngon, da thì cung ứng cho các dịch vụ sản xuất hàng xa xỉ phẩm có giá trị thương mại cao như ví, thắt lưng... Ngày xưa cựu hoàng Bảo Đại Cá còn kiêng dè nhưng với những thợ săn thời hiện đại thì không gì là không thể! Vậy nên giờ ai muốn biết cá sấu Xiêm “xứ Lắk” như thế nào thì mời lên biệt điện Bảo Đại – nơi đó đang trưng bày... tiêu bản hai con cá sấu hồ Lắk để phục vụ khách du lịch! Ngay cả cá thác lác hồ Lắk- một trong những món chả cá nức tiếng xưa nay cũng có người thì thầm với tôi là “mua từ nơi khác về chứ cá ở hồ Lắk, do một thời gian dài đánh bắt kiểu tận diệt nên giờ năm thì mười họa mới đánh bắt được một ít, nên chỉ để ăn chứ không bán ra ngoài”. Và tất nhiên là tôi cũng không có câu trả lời cho câu hỏi hiện ở hồ Lắk còn lại được bao nhiêu trong số 548 loài thực vật thuộc 118 họ, 61 loài thú, 132 loài chim, 43 loài lưỡng cư - bò sát, 43 loài cá, tôm, cua, ốc... mà các chuyên gia sinh học đã khảo sát, thống kê vào năm 1995?
Ở “xứ Lắk”, lần đầu tiên trong đời, tôi có được cảm giác thật “núi rừng” khi ngồi trên lưng những con voi nhà tội nghiệp lội một vòng hồ Lắk cổ xưa. Nhưng không hiểu sao tôi lại nghe cảm giác “núi rừng” ấy chỉ là một vài khoảnh khắc vay mượn tạm bợ kiểu “xuống xe thôi hết tiền” mà tôi hay trêu bạn mình trên những chuyến xe đò dọc ngang đất nước, chứ không phải như “đương nhiên” thấp thoáng trong những nếp nhà dài cũ kỹ của người M’nông gần đó.
“Xứ Lắk” vẫn đẹp, hoang sơ nhưng sao lại nghe cô độc như chính lịch sử của nó...
Hoàng Văn Minh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm