Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 15-8, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy dự và chủ trì hội nghị.
 

Ảnh: N.D

Báo cáo tại hội nghị cho biết, tính đến cuối năm 2015, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là 886.763,99 ha. Trong đó, diện tích có rừng là 625.432,94 ha, độ che phủ của rừng đạt 40,3%. Kết quả kiểm kê rừng năm 2014, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh là 886.904,19 ha, diện tích có rừng 623.280,76 ha, độ che phủ đạt 40,1%. Tuy nhiên, theo kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng vào năm 2008, diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh là 879.668,3 ha, diện tích có rừng 727.337,3 ha, độ che phủ đạt 46%. Như vậy, tính từ năm 2008 đến năm 2014, diện tích rừng của tỉnh giảm 104.056,54 ha, độ che phủ giảm 5,9%.

Riêng từ năm 2011 đến 2015, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh giảm 3.089,2 ha, trong đó khai thác 945 ha, cháy 656,9 ha, phá làm nương rẫy 344,2 ha, chuyển đổi mục đích sử dụng 757,2 ha và các nguyên nhân khác 385,8 ha. Các cơ quan chức năng đã bắt giữ và xử lý 6.823 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng, khởi tố hình sự 134 vụ, tịch thu 15971,64 m3 gỗ các loại, thu 133,46 tỷ đồng tiền phạt và bán lâm sản; phát hiện và ngăn chặn xử lý kịp thời 364 vụ phá rừng với diện tích  thiệt hại 429,7 ha…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Dương Văn Trang nhấn mạnh: Trong thời gian tới cần nâng cao vai trò, vị trí của hệ thống chính trị cơ sở trong quản lý, bảo vệ rừng. Thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ Nam sông Ba là việc làm cấp thiết và phù hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Phải thu hồi đất từ chân núi lên đỉnh đồi theo kết luận của Chính phủ để trồng rừng thay thế. Các địa phương cần bố trí nơi ăn, nghỉ cho cán bộ kiểm lâm địa bàn để họ thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Sớm triển khai thực hiện  Nghị định 75 của Chính phủ góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.  Kiểm kê đất nông nghiệp- lâm nghiệp để đưa vào sử dụng một cách hiệu quả. Tập trung khoanh nuôi, quản lý và bảo vệ rừng nghèo kiệt. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo UBND  các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan làm kế hoạch quản lý bảo vệ rừng từ nay đến năm 2020. Các cấp, ngành tuyên truyền sâu, rộng trong nhân dân về kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương rà soát các khu vực dân cư đưa ra khỏi đất lâm nghiệp. Tổng kiểm tra rà soát các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, thu hồi giấy phép của các cơ sở vi phạm và không cấp mới... Đặc biệt, tập trung xử lý nghiêm các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, đồng thời làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng từ nay đến năm 2020...

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm