(GLO)- Các nhà máy đường ở Gia Lai đang bước vào vụ ép mía mới-vụ ép 2013-2014. Và cứ đến thời điểm này, vấn nạn xe chở mía quá khổ, quá tải lưu thông cày nát các tuyến đường, gây bức xúc lớn trong nhân dân. Để xử lý triệt để tình trạng này, các lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên toàn tỉnh Gia Lai đã có những phương án nhằm hạn chế tình trạng này. Đặc biệt, năm nay sẽ kiên quyết xử phạt đối với những xe chở quá khổ, hạ tải đối với xe chở quá tải.
Những chiếc xe chở mía gọn gàng trước Nhà máy Đường An Khê. Ảnh: Thái Trần |
Toàn tỉnh Gia Lai có 2 nhà máy đường đó là Nhà máy Đường An Khê và Công ty cổ phần Mía Đường-Nhiệt điện Gia Lai. Vụ ép mới đã bắt đầu, trên mọi ngả đường ở khu vực phía Đông và Đông Nam Gia Lai, các xe chở mía đã bắt đầu đổ về nhà máy. Để chấn chỉnh tình trạng các xe chở mía chở quá khổ, quá tải, giảm áp lực cho các tuyến đường, mọi công tác như tuyên truyền, thực hiện viết cam kết không chở quá khổ, quá tải, phối hợp với các nhà máy đường tổ chức ký cam kết giữa các chủ xe với lực lượng chức năng đã được thực hiện.
Tại thị xã An Khê-nơi có Nhà máy Đường An Khê, ngay từ thời điểm bước vào vụ ép mía mới, lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an thị xã An Khê đã tiến hành nắm số lượng đầu xe, phối hợp với Nhà máy Đường An Khê tổ chức tuyên truyền, viết cam kết đến từng chủ xe và chủ mía. Chính việc thực hiện viết hơn 200 bản cảm kết từ vụ ép mía năm 2012 đã hạn chế rất tốt tình trạng chở quá khổ, quá tải đối với các chủ phương tiện.
Đại úy Đinh Văn Hà-Đội phó Đội CSGT Công an thị xã An Khê cho biết: Để hạn chế đến mức tối đa tình trạng vi phạm quá khổ, quá tải cho vụ ép mía mới, chúng tôi đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, cho các lái xe viết cam kết chấp hành đúng pháp luật, không chạy quá tốc độ, không chở quá khổ, quá tải… Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp chở quá khổ, quá tải, không có giấy phép lái xe, xe quá niên hạn, sử dụng biển số giả… Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ khó khăn ở những năm trước trong việc xử lý các xe quá khổ, hạ tải, năm nay lực lượng CSGT đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an xã, phường tiến hành xử lý ngay các chủ phương tiện có dấu hiệu bốc xếp mía quá khổ, quá tải ngay tại bãi trước khi lưu thông trên đường. Phương pháp này sẽ giảm được những vướng mắc trong việc hạ tải các phương tiện, tránh thiệt hại cho người dân có mía bị hạ tải.
Ảnh: K.N.B |
Bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng CSGT, phía Nhà máy Đường An Khê cũng đã có những biện pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng những xe chở mía quá khổ, quá tải đi vào nhà máy, giảm áp lực cho đường từ quốc lộ 19 đi vào nhà máy. Theo như phía lãnh đạo nhà máy cho biết thì để đảm bảo việc thu mua mía hết cho người dân đúng thời vụ gieo trồng vụ mới. Năm nay nhà máy đã đảm bảo được công suất 10.000 tấn mía cây/ngày. Vì vậy, việc nhà máy không hạn chế số đầu xe chở mía cho nhà máy như năm ngoái mà ngược lại các chủ mía có thể huy động tối đa các đầu xe thực hiện việc chuyên chở mía vào nhà máy. Ngoài ra, nhà máy còn hỗ trợ chi phí vận chuyển với mức 100.000 đồng/xe đã làm giảm áp lực, giảm tải cho các đầu xe chở mía.
Tại thị xã Ayun Pa nơi Công ty cổ phần Mía Đường- Nhiệt điện Gia Lai cũng đang bước vào vụ ép mới. Vụ ép năm 2012 khu vực phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai nhức nhối bởi tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, tranh chấp nguồn nguyên liệu mía với các nhà máy đường lân cận. Hình ảnh những chiếc xe chất đầy mía chạy hiên ngang, các tuyến đường bị cày nát xuất hiện khắp các tuyến đường hướng về nhà máy. Để chấn chỉnh tình trạng này trong vụ ép 2013- 2014, ngay từ đầu tháng 11, mọi công tác tuần tra, kiểm soát, chấn chỉnh tình trạng này đã được triển khai quyết liệt.
Trung tá Mai Xuân Điển-Trưởng Công an thị xã Ayun Pa cho biết: Để chấn chỉnh tình trạng các xe chở mía quá khổ, quá tải lưu thông trên đường, phía chúng tôi đã lên kế hoạch từ trước thời vụ. Để tránh tình trạng xuất hiện một số thông tin về việc “ngăn sông cấm chợ”, lực lượng làm nhiệm vụ chỉ xử lý những xe chở mía đi ra khỏi địa bàn vùng nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía Đường-Nhiệt điện Gia Lai, năm nay chúng tôi sẽ làm triệt để. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát nếu phát hiện những sai phạm nào thuộc thẩm quyền xử lý thì sẽ xử lý mạnh tay, còn những sai phạm nào không thuộc thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo tỉnh, xin ý kiến chỉ đạo.
Phương tiện chở quá khổ, quá tải lưu thông hiên ngang trên các tuyến đường đang là thực trạng đáng buồn không chỉ ở Gia Lai mà còn ở khắp cả nước. Những con đường bị cày nát, hệ thống đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm luôn rình rập đối với người tham gia giao thông. Việc kiên quyết xử lý tình trạng chở quá khổ, quá tải, giảm áp lực cho các tuyến đường là rất cần thiết và cần sự vào cuộc quyết liệt các cấp, các ngành của tỉnh Gia Lai.
Thái Trần