Xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi: Vẫn là bài toán khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ô nhiễm môi trường chăn nuôi là một trong những vấn đề nhức nhối hàng đầu ở tỉnh ta hiện nay. Không chỉ xảy ra ở các khu vực đông dân cư như: thành phố, thị xã, thị trấn… mà ở ngay cả vùng nông thôn xa xôi, ô nhiễm môi trường chăn nuôi vẫn liên tục gây nhiều bức xúc. Nhiều biện pháp giải quyết vấn đề này được triển khai song vì nhiều lý do, chúng mới chỉ đáp ứng và giải tỏa phần nào nhu cầu.

Không thể phủ nhận, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ở các hộ gia đình đã và đang tạo ra nguồn thu khá ổn định cho nhiều nông dân. Thế nhưng, bên cạnh lợi ích và giá trị kinh tế mang lại thì công tác quản lý, xử lý và giải quyết ô nhiễm từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn có nhiều điều đáng bàn bởi nó đã và đang gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của nhiều người dân cũng như gây bức xúc cho bà con lối xóm xung quanh hộ chăn nuôi gây ô nhiễm.

Một nhà nuôi heo, cả xóm bị “hành”

 

Khu chăn nuôi của 3 hộ gia đình gây bức xúc ở hẻm 162/84 Trường Chinh. Ảnh: Lê Hòa
Khu chăn nuôi của 3 hộ gia đình gây bức xúc ở hẻm 162/84 Trường Chinh. Ảnh: Lê Hòa

Nhiều hộ dân cư trú tại khu vực tổ 8-phường Phù Đổng-TP. Pleiku, phản ánh: Từ nhiều năm trở lại đây, người dân ở xung quanh 3 hộ chăn nuôi heo là hộ ông Dũng-bà Phương, ông Thiếp-bà Thương và vợ chồng ông Năm ở hẻm 162/84 Trường Chinh đều sinh sống rất khổ sở bởi mùi phân heo bủa vây. “Tụi tui nghĩ hàng xóm láng giềng, nể tình nhau nên không dám nói. Vậy nhưng nhiều nhà bức xúc quá cũng đề nghị lên các cuộc họp tổ dân phố đề nghị khắc phục nhưng rồi đâu vẫn nguyên đó, không thấy biến chuyển gì. Mỗi khi có gió, mùi phân heo lại nồng nặc. Xung quanh ngày cũng như đêm, không ai dám mở cửa vì sợ mùi hôi thối. Nhà có trẻ con mới cực nữa”-một người dân sống trong khu vực này, cho hay.

Theo mô tả của những người dân sống gần trang trại nuôi heo của 3 gia đình này có đến trên dưới 200 con heo thịt, dù xung quanh bốn bề đều là nhà dân sinh sống. Khu vực chăn nuôi lúc nào cũng được bịt kín, không cho người ngoài xâm nhập. Phía sau các dãy chuồng heo là một chiếc hố rộng chừng vài chục mét để chứa nước phân heo. Mùi hôi thối cũng xuất phát từ chiếc hố chứa phân heo tươi lộ thiên này.

 

Các hộ dân sinh sống tại tổ 7 (phường Đống Đa-TP. Pleiku) cũng nêu những phản ánh tương tự về trại chăn nuôi nằm ngay trong khu dân cư của hộ gia đình ông Minh, bà Hoa. “Trước đây, tất cả từ phân đến nước rửa chuồng đều được xả qua một đường ống dẫn trực tiếp xuống ruộng lúa cách đó chừng trăm mét. Bà con xung quanh ý kiến lên tổ dân phố, phường và thậm chí cả Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố nhưng họ chỉ không xả nước phân xuống ruộng nữa, còn mùi hôi thối thì vẫn không hề giảm bớt. Đã 4-5 năm nay rồi, ngày nào chúng tôi cũng phải sống trong mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt”-một người dân sống trong khu vực này, cho hay.

Khó xử lý?

Thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng cho thấy, chỉ tính riêng khu vực TP. Pleiku đã có đến hàng trăm hộ gia đình chăn nuôi với quy mô khoảng trên 100.000 con heo, gà, chim cút, vịt... Đa số các hộ chăn nuôi chưa quan tâm nhiều đến vấn đề bảo vệ môi trường. Gần các hộ chăn nuôi thường có mùi hôi thối nồng nặc, phát sinh nhiều ruồi nhặng, côn trùng gây hại do nguồn chất thải từ chăn nuôi như phân, nước thải… chưa qua xử lý đúng cách đã được thải bỏ trực tiếp ra môi trường. Không chỉ gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân, chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý còn làm ô nhiễm chất lượng nguồn nước mặt, nước ngầm và tác động lớn đến môi trường sinh thái xung quanh khu vực chăn nuôi.

 

 Nhiều hộ chăn nuôi chưa chú ý đúng mức đến vấn đề tác động môi trường xung quanh. Ảnh: Lê Hòa
Nhiều hộ chăn nuôi chưa chú ý đúng mức đến vấn đề tác động môi trường xung quanh. Ảnh: Lê Hòa

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Trường-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku, cho biết: Theo quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trang trại, hộ nuôi quy mô từ 1.000 con gia súc, gia cầm trở lên mới phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (DTM); dưới 1.000 con thì phải đăng ký cam kết bảo vệ môi trường. Ở Pleiku hiện nay mới chỉ có 2 trang trại ở khu vực xã Biển Hồ là có cam kết bảo vệ môi trường, còn tất cả các hộ chăn nuôi còn lại đều không đăng ký và chưa hề có cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.
 
Ông Trường cho biết thêm, cơ chế pháp luật quy định quy mô trang trại chăn nuôi cũng như xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi chưa chặt chẽ, vì vậy rất khó để giải quyết. Nếu có đơn thư phản ánh thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra và nhắc nhở, vận động khắc phục. Trường hợp không khắc phục được ô nhiễm thì chỉ có thể bắt tạm dừng chăn nuôi trong một thời gian”. Một trong những lý do khiến công tác quản lý vấn đề ô nhiễm môi trường chăn nuôi trở nên khó khăn, còn có sự du di là bởi cán bộ chuyên trách về môi trường còn mỏng, không thể kiểm tra, kiểm soát hết tất cả các cơ sở chăn nuôi cũng như phát hiện ô nhiễm để xử lý kịp thời.

Có nhiều cách để khắc phục được phần lớn tình trạng ô nhiễm do chăn nuôi như xây dựng hầm khí biogas, tuy nhiên bên cạnh số hộ đã chấp nhận bỏ chi phí đầu tư để đảm bảo lợi ích hài hòa của gia đình và cộng đồng xung quanh thì vẫn còn nhiều hộ lại không thực hiện điều này. Được biết, trong quy hoạch chung xây dựng đô thị Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã có quy hoạch khu chăn nuôi nhằm siết chặt hơn công tác quản lý, hạn chế tình trạng gây ô nhiễm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong khi dự án chưa được thực hiện, thì vấn đề ô nhiễm môi trường ở các trang trại chăn nuôi nông hộ vẫn sẽ tiếp tục tái diễn là điều khó tránh.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm