Xứ Nghệ đẹp hơn những gì đã biết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Là tỉnh rộng nhất Việt Nam, dân số xếp thứ 4 (sau TP HCM, Hà Nội, Thanh Hóa) nhưng doanh thu du lịch Nghệ An tính theo mỗi du khách lại gần như... thấp đội sổ

Lâu nay, mọi người chỉ biết Nghệ An có biển Cửa Lò, có quê nội - quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nam Đàn, sông Lam và Bến Thủy. Lượng khách và doanh thu du lịch Nghệ An xếp thứ 2/6 tỉnh Bắc Trung Bộ nhưng doanh thu trên đầu mỗi khách phạm vi toàn quốc lại gần chót bảng, chỉ hơn Hà Tĩnh.

 

Quần đảo chè Thanh An tươi mát ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An Ảnh: LAM GIANG



Sau 9 ngày rong ruổi khắp xứ Nghệ, tôi phát hiện ra vùng địa linh nhân kiệt này có quá nhiều tài nguyên du lịch ấn tượng và độc nhất vô nhị.

Ngay trong TP Vinh có núi Quyết, còn gọi là núi Dũng Quyết. Đây là nơi Nguyễn Huệ xây dựng Phượng Hoàng Trung đô vào năm 1788. Đỉnh núi có đền thờ Quang Trung trang nghiêm, bề thế. Nằm ven dòng sông Lam kiêu hãnh, đỉnh núi Quyết cao 97 m là nơi thỏa sức phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh thành Vinh, sang tận Nghi Xuân (Hà Tĩnh), quê hương của đại thi hào Nguyễn Du.

Trời quang, từ đỉnh núi Quyết có thể thấy núi Hồng Lĩnh cách đó chừng 40 km, với chùa Hương Tích xây dựng từ đầu thế kỷ XIII. TP Vinh còn có thành cổ Nghệ An xây dựng từ năm 1802, chu vi gần 2.500 m.

Sát thành Vinh là Vườn thị Cổ tích ở huyện Nghi Lộc. Tại đây có 5 cây thị tổ trên 700 tuổi. Tương truyền thuộc tướng của Lê Lợi từng nghỉ chân ở đây trên đường đánh Chiêm Thành. Thắng trận, ông đưa cả dòng họ từ Thanh Hóa ra lập nghiệp. Voi chiến và quân sĩ của Quang Trung trên đường ra Bắc đại phá quân Thanh cũng dừng chân tại vườn thị. Chủ nhân vườn thị hiện là ông Lê Minh Thưởng, hậu duệ đời thứ 18 của tướng Lê Văn Hoan và từng là cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước năm 1969.

Ở huyện Thanh Chương có quần đảo chè Thanh An (còn gọi là đảo chè Thanh Chương) đẹp hơn tranh. Khác với nhiều đồi chè ở Tây Bắc, Việt Bắc hoặc Bảo Lộc (Lâm Đồng), đồi chè ở Thanh Chương được nước bao bọc tứ phía. Theo dõi bằng flycam, đồi chè xanh mộng mị giữa nước, lá và trời. Du khách lên thuyền rẽ sóng, "đổ bộ" từng đảo sẽ tha hồ chụp ảnh và đừng quên mang đặc sản chè Thanh Chương, vốn được sao sấy bằng tay siêu sạch, để làm quà cho người thân. Nghe đâu Nghệ An đang chuẩn bị đưa dịch vụ du ngoạn khinh khí cầu ngắm toàn cảnh quần đảo chè Thanh Chương.

Trong khi đó, huyện Đô Lương tự hào với làng nồi đất Lưu Mỹ và chợ phiên trâu bò Đại Sơn (còn gọi là chợ Ú). Làng nồi đất Lưu Mỹ thuộc xã Trù Sơn, có từ thời nhà Trần. Đất làm nồi lấy từ huyện Nghi Lộc, được nhào nặn thủ công cho thật dẻo rồi chia thành từng "rói" nhỏ.

Khác với gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), nghệ nhân làng nồi Lưu Mỹ không đi vòng quanh mà ngồi một chỗ, dùng ngón chân di chuyển bàn xoay để làm nồi. Độc đáo nhất là lò đốt nồi lộ thiên. Nồi được xếp chồng lên nhau rồi chất rơm củi để đốt, kiểm tra bằng mắt thường và cảm nhận của nghệ nhân. Việc này đơn giản mà cực khó, đòi hỏi kinh nghiệm và độ chính xác cao. Nồi đất Lưu Mỹ mỏng tang, gõ kêu boong boong, không thấm nước và không làm giả được.

Cạnh làng nồi đất là chợ phiên trâu bò Đại Sơn, lớn nhất ASEAN. Chợ họp từ sáng sớm đến chiều vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch hằng tháng. Mỗi phiên có hàng ngàn bò trâu và ngựa, nườm nượp từ các tỉnh Việt Nam và cả từ Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc đổ về bằng đủ loại phương tiện, từ xe tải, bán tải, ba gác đến ghe thuyền, đi bộ…

Vườn quốc gia Pù Mát thuộc các huyện Con Cuông, Anh Sơn và Tương Dương, rộng hơn 91.000 ha với nhiều báu vật thiên nhiên ban tặng cũng bao gồm nhiều điểm đến đáng chú ý. Đó là rừng đặc dụng săng lẻ (miền Trung gọi là bằng lăng, miền Nam gọi là thao lao) rộng gần 100 ha; là hàng chục thác đẹp mà tiêu biểu nhất là thác Khe Kèm hoang sơ và hùng vĩ; là sông Giăng thơ mộng với hàng chục ghềnh đá thử thách.

Chưa hết, Pù Mát còn ẩn hiện nhiều hang động kỳ bí, chưa có dấu chân người. Đặc biệt là các bản làng bộ tộc Đan Lai (dân tộc Thổ) với tục ngủ ngồi lạ lùng. Người Đan Lai chỉ nằm khi chết. Có người cho rằng tục ngủ ngồi là để canh chừng, chống thú dữ tấn công; người khác giải thích nguồn gốc sâu xa là do bị truy đuổi ráo riết nên phải ngủ ngồi để cảnh giác, sẵn sàng chống trả hoặc tháo chạy.

Muốn đến các bản làng của người Đan Lai sâu trong Pù Mát, du khách phải vượt thủy lộ độc đáo trên sông Giăng đẹp như mơ hoặc đi xe máy địa hình trong khoảng 2 giờ; một cách nữa là đi bộ vượt núi hơn nửa ngày...

 

Biết cách làm sẽ bội thu

Nếu biết cách làm, du lịch Nghệ An hứa hẹn mùa vàng bội thu. Trước mắt phải cải thiện dịch vụ, đầu tiên là nhà vệ sinh, song song đó là thay đổi thái độ và tinh thần phục vụ, đoạn tuyệt với cách làm du lịch phong trào, chạy theo số lượng.


Nguyễn Văn Mỹ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm