(GLO)- Nơi ấy vẫn không bị mùa xuân vô tình bỏ quên khi không khí Tết đang rộn ràng khắp các nẻo đường. Nơi ấy, lòng người vẫn đau đáu hai chữ “Tri ân” khi đất nước đón thêm một mùa xuân mới…
Đó là Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah (Gia Lai) vừa khánh thành cuối năm 2011, nơi 72 liệt sĩ đang nằm lại dưới ngôi mộ chung mà trong số đó mới chỉ có 20 liệt sĩ xác định được danh tính.
Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah. Ảnh: Phương Duyên |
Mồng 1 Tết Nhâm Thìm, không vắng lặng như hình dung mà ngược lại khu nhà bia tưởng niệm còn có vẻ nhộn nhịp hơn ngày thường. Nhưng đó là vẻ nhộn nhịp đặc trưng của chốn thâm nghiêm, linh thiêng: Ai cũng đi nhẹ nói khẽ. Mùi nhang trầm bay lặng lẽ khắp nơi. Ông Võ Văn Lượm, Quản trang, xúc động cho hay: Trước và sau giao thừa đã có rất nhiều người đến viếng; đến tận 4 giờ sáng mồng 1 Tết, trong cái giá lạnh của buổi sớm mai vẫn có người đến thắp một nén hương. Còn trong ngày mồng 1 thì rất nhiều người dân địa phương và khách vãng lai cũng đến viếng và thành khấn cúi đầu trước anh linh các liệt sĩ đã hy sinh cách đây tròn 40 năm.
1 giờ sáng ngày 6-5-1972, trận đánh của Tiểu đoàn 20 phối hợp với nhân dân và bộ đội địa phương đã san bằng cứ điểm 42-một trong những cứ điểm quan trọng của địch (nay là thôn 8, xã Nghĩa Hưng) sau hơn 1 giờ chiến đấu, nhưng đổi lại thi thể các chiến sĩ đặc công hy sinh trong trận đánh cũng bị Mỹ-ngụy nhẫn tâm dùng xe ủi lấp xuống chiến hào. Từ các vùng quê khác nhau như Cao Bằng, Hà Tây (cũ), Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa…, mỗi người một tính cách, một ký ức, một quê hương, các anh đã cùng ngã xuống một ngày và nay lại nằm cùng nhau trong ngôi mộ chung trên vùng đất thân thương này.
Ảnh: Phương Duyên |
Suốt 3 năm nay, lặn lội 18 cây số từ xã Ia Sao (huyện Ia Grai), mồng 1 nào ông Phan Bá Linh cùng anh, em, con cháu cũng đến thắp hương ở Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ. Trò chuyện với P.V, ông Phan Bá Linh bồi hồi kể, ông nguyên là Chủ nhiệm đoàn xe Sư đoàn 571 (Đoàn 559). Cũng là một người lính từng chiến đấu trên mảnh đất này và chứng kiến biết bao sự hy sinh của đồng đội, ông không quên nổi ký ức chiến tranh, kể cả những gương mặt đồng đội quen và không quen. Vì vậy, dù ở Nhà bia này không có người thân nào, hàng năm ông vẫn giữ thói quen đến viếng, như thể không đến thì ông sẽ bị tâm trí dằn vặt. “Nhìn vào danh sách các liệt sĩ ở đây, tôi thấy có nhiều đồng hương Nghệ An lắm. Mỗi lần đến là mỗi lần xúc động…”-ông Linh bày tỏ.
Ảnh: Bích Hà |
Điều khiến nhiều người hết sức xúc động là không chỉ có những người đã sống trọn vẹn tuổi thanh xuân trong chiến đấu mới nhớ đến đồng đội khi xuân về, mà nhiều em nhỏ và các bạn trẻ cũng thành kính đến thắp một nén nhang tại đây. Chiều mồng 1 Tết, em Phạm Nguyên Kim Linh, học sinh lớp 11B4 trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Chư Pah) cũng cùng mấy chị em họ hàng dẫn nhau đến thăm Nhà bia. “Ba mẹ bảo đến thắp hương hay các em tự đến?”- “Dạ, tụi em tự đến thôi”-cô học trò nhẹ nhàng chia sẻ, với một lý do rất chân thành là “muốn bày tỏ lòng tri ân đối với các bác, các chú đã ngã xuống cho đất nước được đón một mùa xuân tươi đẹp như hôm nay...”. Lời chia sẻ tưởng chừng không có gì mới ấy bỗng dưng lại xới lên những xúc động sâu xa nhất trong lòng mỗi người về gốc rễ và sự nối tiếp, người ngã xuống hôm qua và người đang sống hôm nay, mất mát và trách nhiệm... Người đồng nghiệp lớn tuổi đi cùng, cũng là một người lính, người chưa có cái Tết nào nguôi nhớ về đồng đội, khẽ nói: “Giá mà khuôn viên Nhà bia rộng rãi hơn để các cháu nhỏ đến thăm viếng và chơi đùa thì hay biết mấy…”.
Phương Duyên