(GLO)- Trong những năm qua, Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh thường xuyên tổ chức hội nghị bàn về xuất khẩu lao động (XKLĐ), đồng thời hỗ trợ cho người lao động học ngoại ngữ, phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ vay vốn để giúp người lao động làm Visa nhập cảnh trước khi đi XKLĐ.
Mặt khác, Trung tâm đã xây dựng được trên 200 cộng tác viên XKLĐ. Đội ngũ này là những trưởng thôn, già làng được Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm, để tuyên truyền về các thị trường lao động giúp người lao động nắm rõ các chủ trương, chính sách và quyền lợi khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Hướng dẫn cộng tác viên xuất khẩu lao động tư vấn tuyên truyền về thị trường lao động nước ngoài. Ảnh: Đ.Y |
Trong 5 năm (2004-2009), bình quân mỗi năm Gia Lai đã đưa được khoảng trên 700 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đặc biệt năm 2010 có đến 1.118 lao động đi xuất khẩu. Tại Hội nghị giao ban về XKLĐ các tỉnh Tây Nguyên được tổ chức tại Gia Lai, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho rằng mô hình cộng tác viên XKLĐ của Gia Lai hoạt động hiệu quả và cần được nhân rộng cả nước. Theo mô hình này, hiện tượng “cò” XKLĐ sẽ không còn nữa.
Theo quy định, một cộng tác viên XKLĐ ở Gia Lai khi đưa được một lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thì được Trung tâm hỗ trợ 300.000 đồng và cam kết không được nhận bất cứ khoản chi phí nào khác của người lao động. Nếu đưa được 50.000 lao động đi Malaysia sẽ được Công ty XKLĐ đó cho đi tham quan một chuyến ở nước ngoài.
Vừa qua, Gia Lai đã có 2 cộng tác viên XKLĐ ở huyện Chư Pưh được cho đi tham quan 7 ngày ở hai nước Malaysia và Singapore. Từ mô hình này, Cục Lao động Ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đề nghị Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh báo cáo chi tiết để Cục sẽ có hướng hỗ trợ cho mô hình cộng tác viên XKLĐ ở Gia Lai về chi phí công tác tuyên truyền và đào tạo bồi dưỡng cộng tác viên XKLĐ để công tác XKLĐ hoạt động hiệu quả hơn.
Mặc dù đạt được một số kết quả song công tác XKLĐ đang gặp khó. Do suy thoái kinh tế toàn cầu nên từ đầu năm đến nay, tỉnh mới đưa được gần 700 lao động đi làm việc ở nước ngoài (kế hoạch giao là 1.300 lao động). Trước tình hình đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã hỗ trợ cho tỉnh 1,45 tỷ đồng để hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại, học giáo dục định hướng cho con thương-bệnh binh, gia đình chính sách, lao động thuộc diện nghèo, thanh niên dân tộc thiểu số nhằm tạo đà thúc đẩy công tác XKLĐ.
Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, Trung tâm sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp XKLĐ tổ chức hội nghị tư vấn, tuyên truyền XKLĐ trực tiếp ở tận thôn, làng, xã để người lao động tiếp cận được với thị trường. Khi người lao động có nhu cầu đi XKLĐ, Trung tâm sẽ có những chính sách cụ thể để tạo điều kiện tốt nhất cho lao động xuất cảnh.
Đinh Yến