Phóng sự - Ký sự

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Chiến công của Puih Glớ và những người Jrai đồng hương là một đóng góp rất đáng kể trong lịch sử chiến tranh cách mạng Gia Lai.

Ngày 12-5-1970, chiếc trực thăng chở Thiếu tướng (tướng 2 sao) John Albert Broadus Dillard Jr. (thường được viết tắt là John Dillard hoặc Giôn Đin La), Tư lệnh Công binh quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam và Chuẩn tướng (tướng 1 sao, được phong sau khi chết) Carroll Edward Adams Jr. (thường được viết tắt là Adams) đã bị du kích Puih Glớ và đồng đội bắn rơi. Một câu hỏi thú vị được đặt ra: Trên chiếc trực thăng ấy, thực sự có bao nhiêu người Mỹ đã thiệt mạng?

Không chỉ tiêu diệt 2 tướng Mỹ

Là người thuộc tổ du kích làng Maih và chứng kiến Puih Glớ bắn hạ chiếc trực thăng này, trao đổi với người viết bài vào dịp đầu năm nay, ông Puih Minh (SN 1952, người Jrai làng Grit, xã B6 (cũ) cho biết: Khi máy bay lao xuống đất, các du kích có đến xem, nhanh chóng thu chiến lợi phẩm rồi chạy vào rừng. Chính mắt ông thấy có 2 người Mỹ bị văng ra ngoài, 1 người khác dường như đã trốn thoát từ trước.

Thông tin từ ông Puih Minh về cơ bản trùng với những gì nhiều người đã biết qua các tài liệu lịch sử, báo chí chính thống như sách “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005)” hoặc sách “Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Gia Lai (1945-2005)” và hàng chục công trình cùng loại khác đã viết tương tự.

Ông Puih Minh là người chứng kiến du kích Puih Glớ bắn hạ trực thăng Mỹ ngày 12-5-1970. Ảnh: N.Q.T

Ông Puih Minh là người chứng kiến du kích Puih Glớ bắn hạ trực thăng Mỹ ngày 12-5-1970. Ảnh: N.Q.T

Để khẳng định thêm tầm vóc của chiến công trên, đồng thời góp phần bổ sung thông tin cho lịch sử địa phương, chúng tôi bước đầu tìm hiểu các tài liệu lưu trữ liên quan của Mỹ. Từ một số trang web đáng tin cậy, trong đó có Honor States (honorstates.org), người viết bài này đã hết sức ngạc nhiên khi biết trên chiếc trực thăng bị du kích làng Maih bắn hạ năm xưa, không chỉ có 2 viên tướng Mỹ vừa được nhắc đến thiệt mạng.

Theo số liệu đã được công bố trong nhiều tài liệu, tổng số binh sĩ Hoa Kỳ chết trong vụ này là 10 người. Chỉ có 1 hạ sĩ quan chuyên nghiệp còn sống sót-Trung sĩ chỉ huy Robert Warren Elkey (1923-1998).

Danh sách những người chết trên chiếc trực thăng đã nêu ngoài John Albert Broadus Dillard Jr. (SN 1919) và Carroll Edward Adams Jr. (SN 1923) còn có Đại úy-Trợ lý cấp cao William D. Booth (SN 1941), Thượng sĩ chỉ huy Griffith A. Jones (SN 1925); 2 kỹ sư chiến đấu là Trung tá Fred V. Cole (SN 1931) và Thiếu úy Kenneth F. Rogers (SN 1946); 2 phi công trực thăng gồm sĩ quan chuyên gia Glenn A. Adams (SN 1936) và Đại úy Raymond R. Dulak Jr (SN 1943); 2 thợ máy James H. Rawson (SN 1951) và Steven R. Renner (SN 1949).

Tìm đọc tiểu sử của những người đã thiệt mạng, chúng tôi nhận thấy phần lớn họ được đào tạo bài bản, có kiến thức chuyên sâu, nhiều kinh nghiệm trong quân ngũ. Dillard, Adams và Jones đã từng tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ II và Chiến tranh Triều Tiên trước khi sang Việt Nam. Dillard tốt nghiệp Học viện Quân sự Virginia chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng năm 1942 còn Adams từng học tại Học viện Quân sự danh tiếng West Point của Mỹ. West Point cũng chính là cơ sở đào tạo mà William D. Booth đã tốt nghiệp năm 1966. Người lớn tuổi nhất thiệt mạng trong chiếc máy bay bị hạ là tướng Dillard (51 tuổi), người lính trẻ nhất là thợ máy 19 tuổi, Rawson.

Tướng John Dillard là một người có nhiều công trạng với quân đội Mỹ. Dillard bắt đầu cuộc đời binh nghiệp từ năm 1942 trong Đại chiến thế giới lần thứ II (1939-1945). Giai đoạn này, Dillard là lãnh đạo cấp trung đội rồi đại đội trên chiến trường châu Âu, tham gia cuộc đổ bộ Normandy dưới sự chỉ huy của tướng George Patton vào ngày 6-6-1944.

Từ tháng 7-1952 đến tháng 7-1953, Dillard là sĩ quan điều hành cấp tiểu đoàn trong Sư đoàn Bộ binh 25 tại Triều Tiên. Khi còn là chuẩn tướng, Dillard là Tư lệnh Phân khu Nam Thái Bình Dương của Quân đoàn Công binh Hoa Kỳ tại San Francisco, California. Được điều động sang Việt Nam vào tháng 11-1969 làm Tư lệnh Bộ Chỉ huy Công binh lục quân Mỹ tại miền Nam Việt Nam, Dillard được thăng cấp lên Thiếu tướng. Vùng đất Ia Hrung ngày nay chính là nơi đã khép lại sự nghiệp của Dillard.

Theo tài liệu, sau “tai nạn trực thăng”, Dillard được chôn cất tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở Arlington, Virginia. Cái tên John Albert B. Dillard Jr. cũng được khắc trên bảng 10W, dòng 023 tại Đài tưởng niệm cựu chiến binh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial) ở thủ đô Washington D.C, Mỹ.

Hàng loạt tờ báo, các hãng thông tấn lớn trên thế giới như The New York Times, The New York Post, BBC, AP, Reuters… đã dành sự quan tâm đáng kể cho sự kiện máy bay trực thăng của quân đội Mỹ bị bắn rơi năm 1970.

Các bài viết, bản tin liên quan thường nhắc đến sự thiệt hại về nhân mạng của các binh sĩ thuộc quân đội Mỹ. Theo đó, John Dillard là viên tướng cuối cùng bị chết trong chiến tranh Việt Nam. Sau báo chí, hàng loạt sách viết về công binh Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam những năm tháng ấy cũng không quên nhắc đến John Dillard từ nhiều góc độ.

Về người thoát chết

Bay cùng Thiếu tướng John Dillard trên chiếc trực thăng ngày 12-5-1970 phần lớn là các sĩ quan ưu tú, quân nhân chuyên nghiệp cấp cao. Điều này cũng dễ hiểu, bởi nhiệm vụ của họ khi đó là bảo vệ và tham mưu cho tướng Dillard trong chuyến thị sát tuyến đường 509 (Highway 509, nay là tỉnh lộ 664, nối TP. Pleiku với huyện Ia Grai).

Tuy nhiên, Dillard cùng các quân nhân Mỹ không được các du kích Jrai cho cơ hội để hoàn thành công việc của mình, như chúng ta đã biết. Người duy nhất sống sót trong trường hợp này là Trung sĩ chỉ huy Robert Warren Elkey.

Chỉ vài hôm sau khi chiếc trực thăng nói trên bị bắn hạ, ngày 15-5-1970, tờ Battle Creek Enquirer (tiểu bang Michigan, Mỹ), dẫn nguồn tin từ Hãng thông tấn AP xác nhận Robert W. Elkey là “người đàn ông địa phương Hastings” sống sót duy nhất trong vụ việc (“Hastings man survives Vietnam “copter crash”).

Tướng 2 sao John Dillard, ngoài cùng bên phải (chống nạnh) trước khi bị bắn hạ trên trực thăng ngày 12-5-1970. Ảnh tư liệu: Sưu tầm N.Q.T

Tướng 2 sao John Dillard, ngoài cùng bên phải (chống nạnh) trước khi bị bắn hạ trên trực thăng ngày 12-5-1970. Ảnh tư liệu: Sưu tầm N.Q.T

Bài báo thông tin: Elkey là quân nhân chuyên nghiệp, 47 tuổi nhưng đã có 25 năm phục vụ trong quân đội, thuộc biên chế đơn vị Công binh 937 đóng tại Pleiku và đang thực hiện chuyến công tác thứ hai ở miền Nam Việt Nam.

Elkey còn 66 ngày trong chuyến công tác này tại miền Nam Việt Nam trước khi được điều động sang Đức. Elkey bị thương khi máy bay trực thăng trúng hỏa lực mặt đất của đối phương, rơi ở một địa điểm cách Pleiku 10 dặm về phía Tây Nam. Quân nhân Elkey được thông báo là đang trong tình trạng nghiêm trọng tại một bệnh viện ở Việt Nam do bị gãy nhiều xương sườn.

Theo bài báo, Robert W. Elkey có vợ là Phyliss và 2 con trai. Một người con trai của Elkey là Trung úy Robert J. Elkey cũng đang đóng quân gần Sài Gòn, khi đó. Tất nhiên, không chỉ có bài viết vừa nêu mà một số tờ báo lớn trên thế giới và các hãng tin uy tín toàn cầu cũng đều nhắc đến vụ máy bay trực thăng bị bắn hạ tại huyện Ia Grai ngày nay, như chúng ta đã biết.

Trong quá trình tìm hiểu câu chuyện khá ly kì và hy hữu này, chúng tôi tìm thấy bài phỏng vấn Elkey khá dài vào năm 1972. Dẫu là về chuyên ngành công binh, phỏng vấn này cho biết, sau khi thoát chết, Elkey vẫn tiếp tục công việc đã được đào tạo của mình. Tiếp tục tìm kiếm tài liệu từ lĩnh vực công binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, chúng tôi lần lượt đọc ngẫu nhiên một số cuốn sách khác, phần lớn được viết bởi các tác giả là người trong cuộc.

Trong cuốn “Vietnam Studies: U.S. Army Engineers, 1965-1970” (Nghiên cứu Việt Nam: Công binh quân đội Hoa Kỳ, 1965-1970) được viết bởi tướng Robert R. Ploger, xuất bản tại Mỹ năm 1974, khẳng định Elkey là người duy nhất sống sót sau khi máy bay bị hạ (Robert W. Elkey was the sole survivor).

Tương tự, sách “Engineers at War” (Công binh trong chiến tranh) của tác giả Adrian G. Traas, xuất bản tại Mỹ năm 2015 cũng viết gần giống với tác phẩm vừa dẫn phía trên khi tiếp tục khẳng định binh sĩ này là người duy nhất ở đơn vị 937 sống sót (Robert W. Elkey of the 937th Group was the sole survivor).

Trước đó, cuốn “Thirteen Months, Fourteen Days The Journey” (Chuyến du hành 13 tháng, 14 ngày) xuất bản năm 2010 tại Mỹ cũng nhắc đến vụ việc này, rằng “Elkey chính là quân nhân duy nhất còn sống; người may mắn này cũng đồng thời là bạn tốt, là thầy của tác giả sách”-William E. Mattatall (Robert W. Elkey, who was the only survivor that day, also a good friend as well as my mentor).

Và trong nỗ lực tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến may mắn thoát chết của Trung sĩ Robert W. Elkey, chúng tôi tìm được một cuốn sách khác. Theo thông tin từ tướng quân đội hồi hưu John W. Morris trong cuốn “Engineer Memoirs” (Ký ức công binh) xuất bản tại Mỹ năm 2000, quân nhân Elkey là người đã bị văng ra khỏi máy bay, bị thương nặng nhưng không chết như những đồng đội còn lại của anh ta (Elkey was thrown out the chopper, badly wounded and fortunate to survive. Everyone else was killed). Như vậy, nếu thông tin từ cuốn sách “Engineer Memoirs” là chính xác thì bằng một cách nào đó, Trung sĩ Robert W. Elkey đã ở ngoài trực thăng khi chiếc máy bay bị bắn từ mặt đất.

...Những du kích Jrai cách đây hơn 50 năm chắc chắn không thể biết trên chiếc trực thăng mà họ bắn hạ lại có đến hàng chục binh sĩ cao cấp của quân đội Hoa Kỳ. Họ càng không thể biết, trong sự kiện đã được các tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận ấy, có một quân nhân Mỹ sinh năm 1923 may mắn thoát chết, tiếp tục cuộc sống của mình cho đến năm 1998. Dù vậy, với chiến công này, những người nông dân buộc phải cầm súng ở làng Maih năm xưa đã đóng góp vào thành tích chung của địa phương và đất nước.

Có thể bạn quan tâm