Phóng sự - Ký sự

Xuyên qua vùng đất "anh hùng sử ca" - Kỳ 3: Tìm lại "Giấc mơ Chapi"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong chuyến hành trình, xuyên qua vùng đất "anh hùng sử ca", chúng tôi tìm đến ngôi nhà sàn của Nghệ nhân Chamaléa Âu (SN 1955, dân tộc Raglai) ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận).
Ông là người hiếm hoi còn chế tác được cây đàn Chapi và cũng là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác bài hát nổi tiếng "Giấc mơ Chapi".
Chapi vẫn vang dội khắp núi rừng
Tại vùng cao Ma Nới, không ai không biết già làng Chamaléa Âu và gọi thân mật là Ama Âu. Dẫu lớn tuổi nhưng với mái tóc dài, nụ cười đôn hậu cùng tiếng đàn Chapi, Ama Âu đã làm thổn thức lòng người biết bao thế hệ.
Biết chúng tôi từ miền xuôi lên thăm, Ama Âu vui vẻ rót nước mời. Trong căn nhà nhỏ của vợ chồng ông không có giá trị lớn ngoài những bằng khen, giấy khen, được ông treo khắp nhà về thành tích bảo tồn tiếng đàn Chapi...

Nghệ nhân Chamaléa Âu cùng cây đàn Chapi do ông chế tác. Ảnh: Đức Cường
Nghệ nhân Chamaléa Âu cùng cây đàn Chapi do ông chế tác. Ảnh: Đức Cường
"Nếu anh đến chậm vài phút nữa chắc sẽ không gặp được tôi, bởi bây giờ đang mùa ngô, đậu xanh nên bà con bản làng ai nấy đều phấn khởi, khắp đại ngàn là một màu xanh biếc và rộn tiếng chim. Mùa này mưa rừng rả rích, cây cối tốt tươi nên tôi đang muốn vào rừng chọn gốc tre già để làm đàn Chapi, biểu diễn cho bà con bản làng đón mừng mùa lúa mới..."- Chamaléa Âu vui giọng.
Ama Âu tâm sự, người Raglai có niềm tin, đàn Chapi như một biểu tượng thiêng liêng, tạo nên những khúc ca trầm bổng như tiếng nói, như lời cầu nguyện của bản làng với thần linh; như lời tự sự, tình cảm của mình với gửi vào núi rừng đại ngàn.
Việc chế tác đàn Chapi không phải ngày một, ngày hai mà cả một thời gian dài thấm đẫm cái hồn của dân tộc. Cầm cây đàn Chapi vàng óng trong tay, Ama Âu chia sẻ, kỹ thuật làm đàn tuy không khó những đòi hỏi người làm phải hết lòng đam mê, kiên nhẫn.

 
Chamaléa Âu được Bảo tàng Dân tộc Việt Nam mời tham gia hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân gian năm 2011. Ngày 13/11/2015, ông được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản Văn hóa phi vật thể.
"Muốn cho cây đàn Chapi tốt, âm sắc rõ ràng, đòi hỏi người làm phải chọn lựa những cây tre đủ độ già và lóng vừa vặn. Chỉ có trên ngọn núi Chư Prông núi rừng Ma Nới, mới có những bụi tre già, to đầy gai nhưng không tì vết, mọc bên bờ suối. Đường kính lóng tre phải đạt khoảng 7-8cm, dài trên 40cm, để khô tự nhiên mới làm đàn..."- Ama Âu chia sẻ.
Đàn Chapi là "linh hồn" của người Raglai
Theo lời Ama Âu, làm đàn Chapi, chỉ cần dùng cây mác thật nhọn khoét vào cây tre bật lên thành 8 dây, mỗi dây cách nhau khoảng 2cm. Đặt chốt tre nhỏ ở hai đầu dây nâng cao hơn thân đàn. Vót mảnh tre rộng bằng đầu ngón tay cái, khoét rãnh nối từng cặp dây lại với nhau. Ở hai đầu thân đàn dùng dây mấu bện chặt để giữ căng dây đàn. Dùng dùi lửa khoét thủng hai mắt tre tạo âm vang cho thân đàn. Sau khi nên hình nên dáng, nghệ nhân phải cân chỉnh cho tiếng đàn có hồn. Khi đánh lên, "lời ăn tiếng nói" của nó mới đi qua tai nghe rồi ở lại mãi với lòng người.
"Tất cả 8 dây trên đàn Chapi đại điện cho một gia đình gồm hai dây trầm nhất là dây mẹ, hai dây cha, dây con lớn và dây con út. Khi chơi đàn phải gãy theo thứ tự, dây mẹ gảy đầu tiên, đến dây cha, rồi mới đến dây con, như thứ tự trong gia đình của đồng bào Raglai theo mẫu hệ vậy đó..."- Ama Âu bộc bạch.
Nhưng theo lời Ama Âu, mỗi công việc đàn Chapi được đánh theo một điệu khác nhau. Ví như điệu con ếch, được đánh lên vào những đêm mưa đầu mùa, âm thanh của đàn dường như báo hiệu cho dân bản làng gọi nhau chuẩn bị mùa xuống giống. Điệu con chim, báo hiệu cho bà con biết thời gian trong ngày, hay như điệu cúng ông, cúng bà, điệu đám cưới, điệu từ biệt…

 
Gác lại công việc, Ama Âu ôm lấy cây đàn, rồi mời chúng tôi ra trước nhà thưởng thức tiếng đàn Chapi do chính ông chơi. Chúng tôi thật thán phục, từ bàn tay chai sạn, sần sùi nhưng những ngón tay của ông đã lướt nhẹ nhàng, khoan thai trên cây đàn. Chapi phát ra những âm thanh trầm bổng, du dương, như tiếng tự tình của đôi lứa yêu nhau, tiếng các loài chim gọi bầy giữa núi đồi trùng trùng, điệp điệp…
"Độ giờ này những năm trước, tôi mang cây đàn Chapi đi biểu diễn khắp nơi nhưng vừa qua do dịch Covid-19, các lễ hội buôn làng cũng vì thế không được tổ chức nên tiếng đàn Chapi của tôi cũng đã lâu rồi chưa vang vọng. Nay được biểu diễn cho mấy anh dưới xuôi nghe tôi vui lắm…"- Ama Âu xúc động nói.
Níu giữ giấc mơ Chapi
"Ngày xưa người Raglai dù giàu hay nghèo, nhà nào cũng có người biết làm và chơi đàn Chapi, nhưng giới trẻ bây giờ không mấy mặn mà với tiếng đàn cha ông để lại mà chỉ thích tiếng nhạc "sập sình" trên truyền hình thôi..."- Ama Âu nói.
Theo lời ông, ngày xưa người Raglai không biết chữ viết nên không thể ghi lại, hay thể hiện các giai điệu Chapi trên giấy được. Chỉ có cha truyền cho con bằng miệng, rồi từ người này sang người khác, nghe nhiều rồi thuộc lòng từng giai điệu. Vì không có ghi chép nên việc học và chơi Chapi với giới trẻ sau này ngày càng khó hơn…
Tiễn chúng tôi về xuôi, Ama Âu buồn giọng: "Những điệu Chapi tuy đơn giản, nhẹ nhàng nhưng là một nét văn hoá lâu đời, là cuộc sống của ông cha ngày xưa để lại. Hiện nay, ngày càng ít người biết chơi, không biết sau này bản làng Raglai còn ai chơi Chapi nữa không? Hay chỉ mãi mãi là "Giấc mơ Chapi" như bài hát?".
(Còn nữa)
Theo Bùi Phụ - Đức Cường (Dân Việt)
https://danviet.vn/xuyen-qua-vung-dat-anh-hung-su-ca-ky-3-tim-lai-giac-mo-chapi-20211019162609538.htm

Có thể bạn quan tâm