Y tế học đường: Nhiều nỗi lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù được tỉnh quan tâm, đầu tư nhưng do một số khó khăn nhất định như thiếu nhân lực, hạn chế về cơ sở vật chất nên nhiều trường học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể triển khai tốt công tác y tế học đường.

Đối với học sinh, rủi ro, tai nạn thương tích trong trường học luôn có nguy cơ xảy ra nếu bất cẩn, sơ suất. Chính vì vậy, mỗi trường học cần có một nhân viên y tế, có phòng y tế, tủ thuốc thông dụng... Trong nhiều trường hợp tai nạn, nếu được sơ cấp cứu ban đầu tốt, học sinh sẽ tránh được những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe. Ngoài ra, trường học có nhân viên y tế, có kế hoạch, cơ sở vật chất đảm bảo sẽ triển khai công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng học tập. Hiện nay, tại một số trường mầm non, tiểu học, cán bộ y tế còn chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Khám sức khỏe cho học sinh. Ảnh: N.N
Khám sức khỏe cho học sinh. Ảnh: N.N

Tuy nhiên, hiện số lượng trường học trên địa bàn tỉnh có nhân viên y tế rất thấp. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, đến hết năm học 2016-2017, toàn tỉnh chỉ có 313 trường học có cán bộ y tế, chiếm trên 37%. Nhiều trường học không có cán bộ y tế lẫn phòng y tế. Một số trường có cán bộ y tế, có phòng y tế nhưng không đạt chuẩn theo quy định là phải có ít nhất 2 giường, bàn phục vụ khám bệnh, chậu rửa tay… Chính vì vậy, khi có học sinh ốm đau thì cũng không có chỗ để khám và chăm sóc sức khỏe cho các em. Thiếu nhân lực, yếu kém về cơ sở vật chất nên dễ nhận thấy, công tác chăm sóc sức khỏe học sinh tại nhiều trường học vẫn chỉ trên… lý thuyết.

Năm học 2017-2018, nhiều nhân viên y tế trường học lo lắng sẽ không được tiếp tục ký hợp đồng lao động vì trong danh mục vị trí việc làm không có vị trí này. Tuy nhiên, đầu năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Theo đó, trong số 8 vị trí việc làm của nhà trường có vị trí của nhân viên y tế. Thông tin này thực sự là tin vui với nhiều nhân viên y tế trường học và đồng thời cũng hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, góp phần thiết thực vào việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại trường học.

Ông Nguyễn Văn Thông-Trưởng khoa Sức khỏe môi trường và Sức khỏe trường học (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh), chia sẻ: “Tôi nghĩ mỗi trường học cần có nhân viên y tế và phòng y tế. Ở lứa tuổi học sinh, việc xảy ra tai nạn thương tích trong trường học luôn tiềm ẩn nguy cơ. Vai trò của công tác y tế trường học rất quan trọng bởi trong y học, sơ cấp cứu còn quan trọng hơn điều trị. Do đó, về lâu dài, ngành Giáo dục và Đào tạo nên có quy định chức danh nhân viên y tế như là một vị trí việc làm bắt buộc trong trường học để có cơ chế pháp lý tuyển dụng, giúp nhà trường thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe học sinh”.

Việc kiểm tra vệ sinh y tế trường học được ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện hàng năm. Trong năm 2017, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành 2 đợt kiểm tra. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều trường học đã làm tốt công tác này. Nhìn chung các trường đều có sự quan tâm, phối hợp tốt với y tế địa phương tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho học sinh. Các trường mầm non thực hiện tốt việc đo chiều cao, cân nặng, ghi và theo dõi biểu đồ tăng trưởng cho trẻ mỗi quý một lần. Hầu hết các trường đều có kế hoạch y tế hàng năm và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho học sinh trong các giờ học ngoài giờ hay chính khóa.

Nhiều trường có khuôn viên rộng rãi, đủ diện tích cây xanh, sân chơi, bãi tập, đảm bảo ánh sáng; bàn ghế phần lớn đảm bảo theo quy định hiện hành; tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt đảm bảo vệ sinh. Nhiều trường có tổ chức bếp ăn trường học, xây dựng khu nhà bếp đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong công tác y tế học đường. Nhiều trường không có nhân viên y tế, phòng y tế; nhiều trường khu vệ sinh không đảm bảo số lượng nhà tiêu, hố tiểu. Một số phòng học không đủ ánh sáng tự nhiên và nhân tạo theo quy định. Những hạn chế trên đã và đang góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh học đường.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm