Phóng sự - Ký sự

Yên ấm từ mỗi buôn làng - Kỳ 1: Mạch nguồn từ rễ nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trải qua những năm tháng kháng chiến, cùng với quân dân cả nước, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng luôn kiên cường, bất khuất, một lòng theo cách mạng. Hòa bình, phát huy truyền thống cách mạng, đồng bào các dân tộc lại cùng nhau đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Sự kiên trung, nghĩa tình, một lòng sắt son với Ðảng… của đồng bào các dân tộc vùng căn cứ cách mạng như mạch nguồn cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc đổi mới, xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc.

"Cây đoàn kết" luôn xanh tươi

Tháng 11/2018, đồng bào các dân tộc xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana vinh dự đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về chung vui trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân.

Chưa bao giờ buôn làng vui đến thế. Khắc ghi những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng bào các dân tộc xã Dur Kmăl đã cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chung vui với đồng bào các dân tộc xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào tháng 11/2018.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chung vui với đồng bào các dân tộc xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào tháng 11/2018.

Là người được vinh dự đeo vòng tay và ngồi uống rượu cần cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, già Ây Ngân (Y Dhun Hmok) khẳng khái: “Khi nghe tin Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đến thăm, bà con buôn làng ai cũng hồ hởi. Đồng bào theo Đảng, theo Bác Hồ từ những ngày kháng chiến chống Pháp, đến những năm 1965, khi bị dồn dân, lập ấp, bà con tìm cách bỏ trốn về buôn làng tiếp tục kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày thắng lợi. Trải qua bao khó khăn nên đồng bào các dân tộc ở Dur Kmăl luôn một lòng tin vào Đảng. Vì vậy, những dặn dò của bác Nguyễn Phú Trọng về phát huy truyền thống cách mạng, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức xây dựng buôn làng ấm no, giàu đẹp ai ai cũng ghi nhớ trong lòng và làm theo”.

Ông Y Toan Hmok, Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Dur Kmăl chia sẻ: “Bên cạnh những lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư về phát huy khối đại đoàn kết toàn dân để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc, ấn tượng, bài học không bao giờ quên đối với bản thân chính là lời phê bình, nhắc nhở của Tổng Bí thư. Đó là khi đồng chí nhìn thấy những dụng cụ phục vụ cho lễ trồng cây lưu niệm do chính quyền xã chuẩn bị đều được mua mới mà không biết sử dụng ngay chính những dụng cụ làm nông nghiệp của người dân ở buôn làng. Từ sự việc đó, Tổng Bí thư đã liên hệ với việc tiết kiệm, chống lãng phí, cũng như căn bệnh hình thức để lưu ý đối với cán bộ, đảng viên. Mọi người nghe xong, ai cũng thấm thía”.

Già làng Ây Ngân vinh dự được đeo vòng tay tặng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tháng 11/2018.
Già làng Ây Ngân vinh dự được đeo vòng tay tặng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tháng 11/2018.

“Cây đoàn kết” của Tổng Bí thư trồng giờ đã xanh tươi như tinh thần đoàn kết của các dân tộc anh em đang cùng sinh sống trên địa bàn ngày càng phát triển, góp phần đưa mọi chủ trương, chính sách của Đảng ngấm sâu vào đời sống. Đồng bào các dân tộc xã Dur Kmăl không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất của xã phấn đấu đạt khoảng 398 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người gần 59 triệu đồng. Hiện toàn xã đang tích cực triển khai các mô hình tái canh cà phê, trồng cây ăn trái, vận động liên kết và phấn đấu cho sản phẩm gạo đạt chất lượng OCOP, đăng ký mã vùng để bà con trồng cây sầu riêng mở rộng thêm các mô hình phát triển kinh tế…

Vùng đất anh hùng luôn vững niềm tin

Rạng sáng 11/6 vừa qua, trụ sở UBND hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur (huyện Cư Kuin) bị một nhóm đối tượng dùng vũ khí tấn công. Cơ quan chức năng xác định đây là hoạt động khủng bố có tổ chức nhằm chống phá chính quyền nhân dân gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và vạch trần các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đồng thời, kêu gọi người dân không nghe theo lời xúi giục, tích cực phối hợp tham gia và hỗ trợ lực lượng chức năng truy quét, vận động đối tượng ra đầu thú… Với các biện pháp rất nhanh chóng, hiệu quả của lực lượng chức năng cùng sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của người dân, các đối tượng đã nhanh chóng bị bắt giữ, tình hình an ninh, trật tự được bảo đảm, nhiều vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ bị thu giữ. Đến nay, các kẻ thủ ác đã bị bắt, nhiều đối tượng được gia đình vận động đã ra đầu thú, bình yên đã trở lại với buôn làng.

Người có uy tín, già làng ở xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) cùng trao đổi về công tác vận động quần chúng.
Người có uy tín, già làng ở xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) cùng trao đổi về công tác vận động quần chúng.

Nhắc đến sự việc này, ông Y Tum Ayun (sinh năm 1956), người có uy tín buôn Adrơng Ea Tuk, xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) chạnh lòng: “Cư Pơng là xã anh hùng, đồng bào các dân tộc ở đây ai cũng chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nông thôn mới. Khi nghe tin có nhiều đối tượng trong vụ khủng bố ở huyện Cư Kuin, người dân trong buôn ai cũng bất ngờ và phẫn nộ. Ngay sau sự việc xảy ra, tôi đã tích cực cùng các đoàn thể, chính quyền địa phương tham gia phát động quần chúng, giúp bà con hiểu đúng bản chất sự việc để không bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, đồng thời đến gia đình của các đối tượng có tham gia vụ việc để vận động người thân tìm cách liên lạc, vận động họ ra đầu thú”.

Bí thư Đảng ủy xã Cư Pơng Y Nhất Mlô khẳng định, các đối tượng chỉ vì thiếu nhận thức đã bị các thế lực thù địch dụ dỗ, lôi kéo, kích động, gây nên tội ác sẽ bị xử lý theo pháp luật. Trong kháng chiến, đồng bào các dân tộc xã Cư Pơng đồng lòng đi theo cách mạng, anh dũng chiến đấu, ngày nay và mai sau vẫn một lòng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đoàn kết, chung tay phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên quê hương anh hùng. Xã Cư Pơng có hơn 70% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu là người Êđê và J'rai. Năm 1994, xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Từ một xã đặc biệt khó khăn, đến nay toàn xã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,99%...

(Còn nữa)

-------------------------------------

Kỳ 2: Những "cần câu" bền vững

Có thể bạn quan tâm