Phóng sự - Ký sự

Yêu thương xoa dịu đau thương…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hơn một năm trước, những mầm xanh phút chốc mất cha mẹ do đại dịch COVID-19 từ khắp mọi miền đất nước quy tụ về Đà Nẵng. Câu hỏi đặt ra lúc ấy, rằng các em sẽ sống và hòa nhập ra sao ở vùng đất mới, với những con người lạ lẫm khi vết thương còn buốt nhói?

Ngày đầu tháng 11, tới trường, thấy tụi nhỏ quàng vai bá cổ nhau chạy nhảy, chen nhau trên chiếc ghế đá “tám” chuyện với thầy cô. Trông đã thân thuộc gắn kết như một gia đình. “Ở đây, chúng tôi làm mẹ, làm cha trước khi làm thầy cô bởi các em trước hết cần một mái nhà”, những giáo viên Trường TH, THCS & THPT Hy vọng (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) trải lòng.

Mẹ chung, mái nhà và niềm vui sống

Tôi còn nhớ như in buổi chiều tháng 8 năm ngoái, “Ngày hội tới trường” ở ngôi trường đặc biệt này đẫm nước mắt. Những em nhỏ mất cha mẹ vì dịch COVID-19 từ khắp cả nước trong bộ đồng phục màu xanh của trường Hy vọng, ánh mắt bỡ ngỡ lạ lùng, nhiều em mặt có chút sợ sệt. Từ ngoài cổng, đại diện các tỉnh thành đến thăm, vừa vào sân, thấy những mầm xanh mồ côi của quê hương mình tha phương, ai cũng òa khóc. Phóng viên chúng tôi mắt cũng nhòe đi, không bấm được máy. Bao nhiêu em nhỏ đứng đây, là bấy nhiêu gia đình tan tác. Ngày khai giảng không có cha mẹ dắt đi, không có người thân chuẩn bị áo quần cặp sách, không được dỗ dành, cuối giờ không còn được ngóng ai tới đón… Thiệt thòi chẳng cần hỏi cũng rõ cứ xoáy quanh trong đầu.

Nhưng cũng may, vì các em có một nơi để tới, được chăm sóc và yêu thương. Trường TH, THCS & THPT Hy vọng dang tay đón hơn 200 học trò mồ côi. Các em sống trong một khu nhà khang trang rộng rãi, đầy đủ các phòng chức năng ăn, ngủ, học, sinh hoạt…

Anh Hoàng Quốc Quyền (Giám đốc Dự án Trường Hy vọng) xót xa, vì các em vừa trải qua cú sốc quá lớn, nên việc tiên quyết là xoa dịu nỗi đau và cho các em cảm giác được yêu thương, đùm bọc như chính gia đình mình. Vậy thì các thầy cô phải là cha làm mẹ, làm bạn trước khi làm giáo viên. “Người ta gọi giáo dục, nhưng với các em, chúng tôi phải dưỡng dục trước khi giảng dạy”, anh nói.

5g15 sáng, 5 trung đội mang tên 5 dòng sông Hàn Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Hương Giang, Trường Giang thức dậy, đi tập thể dục, làm vườn, ăn sáng. Sau đó anh chị lớn dẫn em nhỏ đi học. Buổi chiều trở về, các em tham gia các câu lạc bộ thể thao, radio..., rồi ăn cơm, học bài, đi ngủ sớm. Thời khóa biểu trông giản đơn vậy, nhưng để 5 trung đội với hàng trăm em nhỏ này đi vào nề nếp không phải chuyện dễ dàng một sớm một chiều. Nhất là với những giáo viên mới đôi mươi, chưa có gia đình một lúc phải chăm mấy chục “đứa con”. Trần Thị Thùy Dung (23 tuổi, Đà Nẵng) là cô giáo của trung đội Hàn Giang, với 39 em nhỏ từ lớp 3 đến lớp 12. Dung kể, đã từng bị COVID-19, một mình chống chọi trong khu xóm trọ. Vừa đau ốm vừa tủi thân, nên khi nghe hoàn cảnh của các em Dung xót thương vô cùng, vội nộp hồ sơ xin vào trường để được kề cạnh. Chưa có gia đình, nhưng cô giáo vừa ra trường này tròn vai người mẹ. Chăm đàn con từ miếng ăn giấc ngủ, dạy con cách xếp chăn gối, giặt phơi áo quần, dọn dẹp nhà cửa. Chỉ cả cách dạ thưa chào hỏi, ứng xử với người xung quanh.

Cũng như Dung, Mai Thị Thu Diễm (28 tuổi, TPHCM) chưa có gia đình nhưng chăm lo cho hơn 30 “đứa con”, mà toàn con trai. Diễm nói, ở nhà, cha mẹ dạy con những điều cốt yếu gì, thì mình dạy vậy, phải có nền móng tốt mới nghĩ đến chuyện lớn hơn. Trong trung đội của Dung, các anh lớn phải sống tốt để làm gương, phải sẻ chia, đùm bọc các em nhỏ. Dung rèn tính siêng năng, tự lập cho các em rất cao.

Ngôi trường là mái nhà nuôi dưỡng, dạy dỗ các em trong hành trình lớn lên. Ảnh: Thanh Trần

Ngôi trường là mái nhà nuôi dưỡng, dạy dỗ các em trong hành trình lớn lên. Ảnh: Thanh Trần

Đêm đêm, lúc con người ta trở về trạng thái tĩnh lặng nhất và nghĩ suy đến nỗi niềm thẳm sâu nhất, các em cũng phải đối diện với nỗi đau của chính mình. Thời gian đầu nhiều em khóc vì nhớ gia đình, quê hương, những ông bố bà mẹ đôi mươi phải kể chuyện hài, tư vấn tình yêu hay các hoạt động vui nhộn khác để “đàn con” quên đi vết thương lòng. Dần dần, các em nguôi ngoai và cùng nhau vượt qua, tìm thấy niềm vui sống giữa nơi chốn đầy yêu thương, đùm bọc. Anh Quyền bảo, không phải ngẫu nhiên mà trường đưa hoạt động làm vườn vào lịch sinh hoạt của các em, đó là nơi giải tỏa áp lực và nỗi nhớ quê hương. Đó cũng là nơi tạo ra tuổi thơ cho các em...

Trồng người dài hơi

“Con chào cô, cô ăn cơm chưa ạ?...”, cậu bé có khuôn mặt hài hài nhanh nhảu hỏi khi thấy người lớn ngang qua. Các thầy cô giới thiệu: Mấu Quốc Sa, 7 tuổi, người dân tộc Raglai, tỉnh Khánh Hòa. Sa mất cả cha lẫn mẹ, mấy anh em sống với nhau trong căn nhà lụp xụp. Năm trước về đây, Sa như lạc vào…hành tinh khác. Cậu bé không biết cách ăn bún, mì, nói chung những thực phẩm có sợi. Cũng chẳng biết cách dùng bồn cầu. Ti vi, tủ lạnh, điều hòa…lại càng ngơ ngác. Vậy mà giờ Sa thuần thục mọi thứ, học hành theo kịp các bạn.

“Thầy cô ở đây ăn mặc, cắt tóc, nói năng, bắt trend…theo các em để hòa vào thế giới của tụi nhỏ. Không chỉ làm cha mẹ mà còn làm bạn với các em mới xóa nhòa được khoảng cách”.

Cô giáo Trần Thị Thùy Dung

Lần này trở lại trường, tôi may mắn gặp lại Lưu Gia Nghi (16 tuổi, quê TPHCM), cô bé có nụ cười tươi trên khuôn mặt rất sáng trong hôm khai giảng. Ba mẹ Nghi mất, hai anh em Nghi vào trường Hy vọng. Nghi nhớ như in lúc nghe thông tin có một nơi cho mình ăn ở, học hành, Nghi đã thốt lên: “Ở đâu ra vậy, làm gì có chỗ cho không vậy chứ?”. Chần chừ suy nghĩ một thời gian, Nghi và anh trai Lưu Hữu Nghị đồng ý rời Sài Gòn ra Đà Nẵng. Ngần ấy thời gian, cả hai đã quen và coi đây là nhà. “Trường không chỉ cho em mái ấm mà còn cho em nhiều cơ hội phát triển mình”, cô cảm kích.

Ngoài việc học, các em tham gia nhiều hoạt động thú vị, trong đó có làm vườn

Ngoài việc học, các em tham gia nhiều hoạt động thú vị, trong đó có làm vườn

Ngoài giờ học văn hóa trên lớp, về nhà chung các em có gia sư kèm cặp thêm. Các thầy cô để ý, phát hiện thế mạnh của từng em. Giỏi Toán, giỏi Văn, giỏi tiếng Anh…đều được khuyến khích, hỗ trợ học tập để tham gia các cuộc thi. Đưa cho tôi một túi gồm những bánh xà phòng làm bằng nguyên liệu tự nhiên thơm phức, đẹp đẽ và trông rất chuyên nghiệp, các em bảo đây là sản phẩm của lớp học nghề. Nói đoạn, cả nhóm kéo tôi chạy xuống lớp học chụp ảnh, do một tay máy từ Hà Nội vào dạy. Từ ngày các con về đây, tình nguyện viên từ khắp nơi liên tục tới dạy văn hóa, năng khiếu, kỹ năng…. Anh Quyền trải lòng, hành trình với các em là hành trình dài hơi, từ đây cho đến khi các em trưởng thành. “Mình mang hy vọng cho các em về một tương lai tốt đẹp, nhưng chính các em cũng mang lại cho chúng ta niềm hy vọng”, anh kỳ vọng.

Có thể bạn quan tâm