(GLO)- Là căn cứ địa buổi đầu của phong trào Tây Sơn (1771-1773) nên ngày nay, trên vùng đất Thượng đạo, bên cạnh những dấu vết vật chất thì trong tâm khảm của cả người Kinh và người Thượng, những tình cảm tốt đẹp dành cho anh em Tây Sơn vẫn đậm nét. Những truyền thuyết về sự linh thiêng của các nhân vật đứng đầu phong trào Tây Sơn vẫn được người dân truyền miệng. Dù trải qua không ít thăng trầm do hoàn cảnh lịch sử nhưng việc thờ cúng Tây Sơn tam kiệt ở các đình, miếu trong vùng vẫn được tiến hành dưới nhiều hình thức.
Nhiều tư liệu đã chứng minh, từ cuối thế kỷ XVII, người Việt đã có mặt khai phá vùng đất Tây Sơn Thượng đạo. Nhưng đến khi anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ xây dựng căn cứ địa trên vùng đất này (1771), bên cạnh cư dân tại chỗ là người Bahnar, An Khê và vùng phụ cận chỉ có 2 khu vực định cư của người Việt là ấp Tây Sơn Nhất và ấp Tây Sơn Nhị.
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn (1802), nhà Nguyễn mới cho thiết lập ở vùng Thượng đạo những nguồn sở để thu thuế như nguồn Cầu Bông, Phương Kiệu (1829). Năm 1877 mới đặt Nha Kinh lý An Khê, đặt quan lại, mộ dân khai khẩn ở bờ Đông và mở rộng sang bờ Tây sông Ba. Đến năm 1933, huyện Tân An (tỉnh Kon Tum) lúc ấy mới có 29 làng người Việt, chia làm 3 tổng: tổng An Khê (12 làng), tổng Tân Phong (13 làng) và tổng Mang Yang (4 làng).
Xét theo logic lịch sử, trên vùng Thượng đạo, bộ phận dân cư có sự gắn bó mật thiết với anh em Tây Sơn chính là đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng, đặc biệt là người Bahnar và người Việt ở các ấp Tây Sơn Nhất và Tây Sơn Nhị. Từ cuộc khảo sát năm 1976-1977, ông Nguyễn Quang Ngọc (khi ấy là sinh viên mới ra trường, nay là GS-TS-Nhà giáo Nhân dân) đã xác định, ấp Tây Sơn Nhất là ở thôn An Lũy, xã Cư An (nay là phường Tây Sơn, thị xã An Khê). Còn ấp Tây Sơn Nhị nay là xã Cửu An.
Thực tế ủng hộ logic trên, vì ngay từ lần khảo sát đầu tiên (năm 1976-1977, do GS. Phan Huy Lê và các học trò thực hiện); lần thứ hai (năm 1987-1990, do Bảo tàng tỉnh Gia Lai-Kon Tum và huyện An Khê thực hiện) thì nơi lưu giữ nhiều nhất những ký ức về anh em Tây Sơn, di tích về phong trào Tây Sơn vẫn là khu vực người Bahnar và người Kinh ở Tây Sơn Nhất, Tây Sơn Nhị và phụ cận.
Lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa tại An Khê trường. Ảnh: INTERNET |
Tiếc rằng, triều đại Tây Sơn tồn tại quá ngắn ngủi (1778-1802). Sau khi bị đánh bại, nhà Tây Sơn đã bị nhà Nguyễn trả thù tàn khốc. Nhiều di tích, di vật liên quan đến nhà Tây Sơn và phong trào Tây Sơn bị hủy hoại, trong đó có nhiều cơ sở tâm linh.
Theo GS. Phan Đại Doãn và GS. Phan Huy Lê, ở Tây Sơn Hạ đạo, tại Phú Lạc-quê ngoại của anh em Nguyễn Nhạc, các di tích như Gò Lăng, miếu Sơn Quân, đình Phú Lạc… đều bị tàn phá. Sau này, người dân Phú Lạc lập đình, bên ngoài là thờ Thành hoàng để che mắt chính quyền nhà Nguyễn, nhưng thực tế là thờ “Ba Ngài Tây Sơn”. Lễ cúng Ba Ngài không có văn tự. Tiên chỉ chỉ “mật cáo” mời hương hồn Ba Ngài về. Còn ở miếu Sơn Quân (miếu Cây Thị), tức miếu thờ thần núi, cũng có người cho rằng, đó là nơi thờ ông bà Hồ Phi Phúc (thân sinh của anh em Tây Sơn). Ở Kiên Mỹ, tương truyền, trên nền của ngôi nhà anh em Tây Sơn bị nhà Nguyễn phá hủy, người dân cũng dựng lên ngôi đình Kiên Mỹ nhằm bí mật thờ “Ba Ngài Tây Sơn”. Để che mắt vua quan triều Nguyễn, dân làng phải ngụy trang việc thờ cúng bằng cách khai Thành hoàng và xin sắc phong của nhà Nguyễn về thờ.
Trên vùng Thượng đạo, từ cuộc khảo sát năm 1977, GS-TS. Nguyễn Quang Ngọc cho biết, đình An Lũy thờ Bạch mã thượng đẳng thần; Thiên Y A Na Diễn Ngọc phi tôn thần; Tam vị Thái tử tướng quân; Thượng trung hạ đẳng dương thần liệt vị; Thượng trung hạ đẳng âm thần liệt vị; Tiên nông tiên sắc chi thần; Bản xứ thổ địa chính thần; Kim niên hành khiển hành binh chi thần; Sơn Lâm chúa xứ chi thần; Ngũ cơ thần tượng chi thần; Thổ công, Táo quân, Tiền hiền, Hậu hiền… Đây cũng là tên những vị thần được thờ cúng ở hầu khắp các đình, miếu trên vùng Thượng đạo.
Nhưng cũng ngay từ ngày ấy, ông đã viết: “Ở đình An Khê, nhân dân thờ cúng quanh năm, suốt đời mà không biết thờ ai trong đó. Có người đoán là đình thờ vua Quang Trung, lại có người đoán là đình thờ Lê Văn Duyệt. Cũng giống như ở đình Kiên Mỹ (Phú Phong, Bình Định) và đình Cửu An (An Khê), đây là hiện tượng thờ đa thần rất phức tạp, cần nghiên cứu kỹ và nhất là nghiên cứu so sánh với Kiên Mỹ, Cửu An… Đặc biệt là 3 dinh, tức 3 miếu thờ trước đình An Khê, theo các cụ già địa phương là thờ Bổn xứ Thành hoàng, Hai Cô và Sơn Lâm chúa xứ, nhưng cũng có cụ nói là thờ trá hình Ba Ngài Tây Sơn. Vậy hiện tượng này có thực hay không? Và có quan hệ gì với việc thờ trá hình ở Kiên Mỹ không?”.
Năm 1988, khi đến lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp Quốc gia cho quần thể Di tích Tây Sơn Thượng đạo, cuộc phỏng vấn của chúng tôi với các cụ Bùi Tấn Tòng, Mười Chương… đã khẳng định việc thờ anh em Tây Sơn dưới dạng ẩn danh (không biết thờ ai-như ở An Khê trường) và thờ trá hình (tức là thờ sang đối tượng khác như ở An Khê đình).
Tại Cửu An, trong cuộc khảo sát năm 2005 và năm 2014, các bô lão địa phương (gồm: Đặng Lạo, Nguyễn Công Lựu, Bùi Thế Xuân, Nguyễn Tráng Kiện) cho biết: Đình Cửu An cũ được lập để thờ 3 anh em Tây Sơn từ thời Nguyễn Quang Toản (1792-1802). Nhưng sau khi nhà Nguyễn (Gia Long) tiến hành trả thù nhà Tây Sơn, nhân dân Cửu An không còn dám công khai thờ các ông Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ nữa. Cửu An còn có Dinh Bà (ở thôn An Điền Bắc) nằm trên Núi Đất cũng được các bô lão khẳng định là nơi dân làng lập để thờ Yă Đố-người vợ Bahnar của Nguyễn Nhạc đã góp công xây dựng lực lượng hậu cần cho quân đội Tây Sơn trong những năm đầu khởi nghĩa.
Từ sau năm 1975 đến nay, cũng như ở Tây Sơn Hạ đạo, trên cơ sở các nghiên cứu đã được công bố, các địa phương trong vùng Thượng đạo và ngành chức năng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, trong đó có việc chính thức đưa “Ba Ngài Tây Sơn” vào thờ cúng ở An Khê trường, An Khê đình, đình Cửu An…, nơi đã nuôi dưỡng phong trào Tây Sơn từ những ngày trứng nước. Đây là một việc làm hợp lòng dân, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt chúng ta.
TS. NGUYỄN THỊ KIM VÂN