Phóng sự - Ký sự

25 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ - Kỳ 2: Người mở khóa lãng du

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vượt qua những nghi kỵ lẫn nhau trong hơn 20 năm thời hậu chiến, Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ tháng 11-1995. Trước đó, đã có những cá nhân giúp đẩy nhanh tiến trình này.
Ông Bùi Kiến Thành tại nhà ở Hội An tháng 6-2020. Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Ông Bùi Kiến Thành tại nhà ở Hội An tháng 6-2020. Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Trở mình từ những đêm tối là nhờ sự sáng tạo và trách nhiệm của mấy ảnh (các nhà lãnh đạo Việt Nam). Tôi cũng vui vì mình đóng góp một số ý kiến thúc đẩy tiến trình đó.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Băng qua một đoạn đường nhỏ, có lúc hai bên toàn ruộng đồng, chúng tôi dừng lại nơi căn nhà cách xa khu phố cổ Hội An. Một ông cụ đầu tóc bạc phơ bắt tay chúng tôi và trao danh thiếp với kiểu thiết kế rất Tây.
Đi Mỹ học về ngân hàng
Phong cách này phù hợp với thông tin về việc ông từng là đại diện ngân hàng của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam thuộc chế độ cũ tại Mỹ, hay một doanh nhân địa ốc ở Pháp. Đó là ông Bùi Kiến Thành, từng là trợ lý đặc biệt cho thủ tướng Ngô Đình Diệm trong chính quyền cũ, và sau này được biết tới như một chiếc cầu nối Việt - Mỹ trong quá trình mở cửa kinh tế Việt Nam. Ông là một trong những Việt kiều được bầu chọn danh hiệu "Vinh danh nước Việt 2004".
Lớn lên trong cuộc sống của một thanh niên có xuất thân tốt, định mệnh khiến cuộc đời Bùi Kiến Thành lại lắm thăng trầm, như cuốn sách viết về cuộc đời và đóng góp của ông như một chứng nhân lịch sử Bùi Kiến Thành - Người mở khóa lãng du.
Cơ duyên đầu tiên dẫn tới cuộc đời đầy biến động song hành cùng lịch sử của ông Bùi Kiến Thành là những ngày ở New York (Mỹ). Trong quá trình tái thiết, chính phủ của ông Ngô Đình Diệm, dưới sự trợ cấp của tổ chức International Cooperation Administration, khi ấy đã cử ba cán bộ đi Mỹ, trong đó có ông Bùi Kiến Thành, để đào tạo về ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng trung ương. 
Sau một năm học, Bùi Kiến Thành được giữ lại Mỹ, bổ nhiệm làm đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại New York. Năm ấy ông mới 25 tuổi.
Trước khi về Việt Nam đầu những năm 1990, ông Bùi Kiến Thành thường xuyên đi - về giữa Pháp và Mỹ. Năm 1984, ông được mời sang Mỹ làm việc cho tập đoàn American International Group (AIG). AIG được phát triển từ tiền thân là tập đoàn bảo hiểm AIU mà ông Thành từng làm đại diện chính thức ở Sài Gòn trước kia.
Kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế quốc tế dày dặn, đặc biệt là mối quan hệ với doanh nhân và giới chức Mỹ, đã đóng vai trò nền tảng cho vị trí đặc biệt của ông Bùi Kiến Thành đối với việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ sau này.
Cụ thể, ông được xem như một trong những người có đóng góp, tham vấn trong tiến trình đổi mới của Việt Nam (Đổi Mới 1986), với hạt nhân là mở rộng quan hệ kinh tế, kéo theo nhu cầu bình thường hóa với Mỹ.
Kể lại với chúng tôi tại Hội An, ông Thành vẫn tâm đắc việc mình là người trao đổi với những người đang tìm cách đổi mới kinh tế Việt Nam những năm đầu thập niên 1980, gồm phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng kiêm bộ trưởng công an (nội vụ) Phạm Hùng khi đó. Sau nhiều tháng, ông Thành kể, chính quyền Việt Nam đồng ý rằng "dân có giàu thì nước mới mạnh".
Ông Bùi Kiến Thành (bìa trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi công việc năm 1995 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Ông Bùi Kiến Thành (bìa trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi công việc năm 1995. Ảnh do nhân vật cung cấp
Còn giúp được thì cứ giúp
Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ là nhu cầu tất yếu của hai bên. Nếu như Mỹ từ giai đoạn 1975 đã xuất hiện các luồng ý kiến kêu gọi tìm cách bình thường hóa với Việt Nam, thì một Việt Nam muốn quật cường kinh tế giai đoạn 1986 cũng không thể bỏ qua thị trường Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới.
Những năm 1986, 1987, một số lãnh đạo Việt Nam xem xét vấn đề đàm phán với Mỹ, nhưng thời điểm ấy không có nhiều kênh liên lạc. Lựa chọn liên lạc thông qua Thụy Điển, một trong những quốc gia thân thiết sớm nhất với Việt Nam, cũng gặp khó khăn liên quan tới quan điểm của các bên về vai trò của Việt Nam ở Campuchia. 
Ông Bùi Kiến Thành, với mối quan hệ với phía Mỹ, một lần nữa có dịp thể hiện đóng góp như một "cầu nối ngoại giao".
"Do tôi là một trong những người hiếm hoi có quá khứ làm việc với chính quyền Mỹ cấp cao nhất cũng như lãnh đạo xã hội và kinh tế Mỹ, khi Chính phủ Việt Nam cần móc nối với Chính phủ Mỹ, tôi có thể giúp kết nối với các cầu nối bên kia. Tất cả những gì tôi làm từ vài chục năm qua như một sứ mệnh của bản thân tôi. Không phải tôi tài giỏi gì, nhưng tôi lại vô tình ở một cái thế tốt để làm được những nhiệm vụ như thế" - ông Bùi Kiến Thành nói.
Cứ như vậy suốt từng ấy năm, ông Bùi Kiến Thành đóng góp thầm lặng vào việc giải quyết từng bước những yêu cầu tiên quyết cho việc nối lại quan hệ Việt - Mỹ, sử dụng chính những gì mình có từ thời làm việc cho chế độ cũ để giúp hàn gắn những vết nứt giữa hai bên. Như chính ông thừa nhận, có rất nhiều người giỏi và "có cái thế" giống ông, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng góp sức cho đại cục.
Còn bản thân ông, nửa thế kỷ bôn ba, đi đi về về, hoạt động như một con thoi trong quan hệ Việt - Mỹ chính là một sứ mệnh.
Khi chúng tôi chào tạm biệt ông ra về, người phụ nữ trạc tuổi 40 trong nhà ông ra tiễn. Bà chia sẻ đôi điều về sức khỏe của ông, và về việc con, cháu có lúc "giận" ông vì không chịu về Mỹ sống: "Ông ấy nói phải ở Việt Nam, còn giúp được thì cứ giúp". (còn nữa)
Mối quan hệ kiểu mẫu
Từ chỗ là cựu thù, hai nước đã tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao từ năm 1995. Trong 25 năm qua, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Lãnh đạo Mỹ nhiều lần khẳng định quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ, Việt Nam và Mỹ có thể trở thành một mô hình kiểu mẫu từ thù thành bạn giữa các quốc gia. Nói về 25 năm thì chẳng phải là quá dài hay là quá ngắn cho tiến trình quan hệ hai nước.
Đó là quá trình tiệm tiến từng bước, tính tới đầy đủ hoàn cảnh lịch sử quan hệ hai nước, bối cảnh quốc tế và khu vực... nên ta cũng không thể duy ý chí mà đốt cháy giai đoạn được.
Ngay cả khi hai nước đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995, trong quan hệ giữa hai nước vẫn còn gặp không ít trở ngại, khó khăn. Trở ngại lớn nhất, theo tôi, đó là sự nghi kỵ, sự thiếu lòng tin. Và trở ngại đó không phải là có thể khắc phục một sớm một chiều. Điều đó cũng là dễ hiểu vì giữa hai nước có chế độ chính trị, xã hội khác nhau, lại đã từng là kẻ thù một mất một còn và sau 1975 thì Mỹ vẫn tiếp tục chính sách thù địch, bao vây, cấm vận đối với Việt Nam. Để khắc phục trở ngại đó, không có cách nào khác là giữa hai nước cần từng bước xây dựng lòng tin với nhau qua việc phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ NGUYỄN QUỐC CƯỜNG (2011 - 2014) - KHOA THƯ ghi
Sinh năm 1931 tại Quảng Nam, ông Bùi Kiến Thành là con trai của bác sĩ Bùi Kiến Tín, doanh nhân có thương hiệu "dầu khuynh diệp bác sĩ Tín" ở Sài Gòn trước thời điểm 1975. Ông Bùi Kiến Thành cũng có người bà con rất nổi tiếng mà ông gọi là chú: nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Bùi Giáng. Em trai của ông Thành cũng là một người tiếng tăm, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc.
NHẬT ĐĂNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm