Những năm gần đây, Hà Nam trở thành địa điểm du lịch tâm linh thu hút nhiều khách du lịch.
Nơi đây tập trung rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và có cảnh quan đẹp, trong đó nổi bật nhất là Chùa Tam Chúc, Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự và Chùa Bà Đanh.
1. Chùa Tam Chúc
Khi đến du lịch Hà Nam, du khách nên ghé thăm Chùa Tam Chúc - ngôi chùa lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.
Chùa Tam Chúc tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km. Nằm trong trục tam giác “du lịch tâm linh” lớn nhất cả nước, nơi đây được ví như cầu nối giữa chùa Hương - Hà Nội và chùa Bái Đính - Ninh Bình. Chùa nằm trong quần thể khu du lịch Tam Chúc thơ mộng, được bao quanh bởi hồ nước, núi đá, rừng tự nhiên và các thung lũng với tổng diện tích lên tới 5.000 ha.
Chùa Tam Chúc nổi tiếng ở Hà Nam. Ảnh: Chùa Tam Chúc |
Được thiên nhiên ưu đãi, Chùa Tam Chúc mang trong mình vẻ đẹp vừa cổ kính, nên thơ, vừa hùng vĩ, tráng lệ, và được mệnh danh là “chốn bồng lai tiên cảnh trên mặt đất”. Chùa có địa thế "Tiền lục nhạn, hậu thất tinh". Gọi là "Tiền lục nhạn" vì mặt trước chùa có 6 quả núi giữa lòng hồ, tương truyền đây là 6 quả chuông mà trời ban, còn "Hậu thất tinh" vì đằng sau chùa có 7 ngọn núi có thể phát sáng khi có ánh sáng vào ban đêm.
Trục thần đạo Chùa Tam Chúc gồm: Chùa Ngọc, Điện Tam Thế, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm, Cổng Tam Quan, Phòng họp Quốc tế.
Trong đó, chùa Ngọc nằm trên đỉnh núi Thất Tinh được thi công bởi những nghệ nhân Ấn Độ giáo và được hoàn thành trong năm 2018. Điện Tam Thế có chiều cao 39m, diện tích sàn 5.400m², giúp cho 5.000 Phật tử có thể hành lễ cùng một lúc. Phòng họp Quốc tế nổi trên mặt hồ, có diện tích sàn 10.000m², có sức chứa 3.500 chỗ ngồi. Dự tính, toàn bộ quần thể chùa Tam Chúc sẽ được hoàn thành vào năm 2048.
2. Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự
Ngoài Chùa Tam Chúc, Hà Nam có một ngôi chùa rất đẹp và thanh tịnh được nhiều người biết đến là Địa Tạng Phi Lai Tự (tên cổ là Chùa Đùng).
Địa Tạng Phi Lai Tự tọa lạc ở Thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam. Dù mới xây dựng nhưng chùa đã thu hút nhiều du khách bởi sự yên bình, thanh tịnh và vẻ đẹp kỳ diệu.
Địa Tạng Phi Lai Tự nằm tựa lưng vào núi, hai bên là dãy núi có hình thế "tả thanh long, hữu bạch hổ" với nhiều cổ vật thiêng liêng, mang tính lịch sử. Bao quanh nơi này là rừng thông cao vút, yên bình.
Địa Tạng Phi Lai Tự. Ảnh: Facebook Địa Tạng Phi Lai Tự |
Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đặt chân đến chốn linh thiêng này là phần sân và lối đi được trải sỏi màu trắng, thay vì lát gạch đỏ như những ngôi chùa khác. 12 vòng tròn trước khu Tổ đường vẽ trên nền sỏi biểu trưng cho 12 nhân duyên. Những viên sỏi tượng trưng cho sự thiền định, giúp lòng người trở nên thanh thản.
Mái chùa được lợp ngói quen thuộc với người Việt Nam. Bên trong chùa, mọi thứ từ những khóm hoa, nhành cây, lối đi, tượng thờ... đều được sắp đặt tinh tế bởi bàn tay của các sư thầy.
Tòa Tam Bảo là kiến trúc lớn nhất trong bố cục chùa. Nằm bên phải tòa Tam Bảo là nhà thờ Tổ - nơi thờ tự 42 sư tổ trụ trì chùa. Ngoài ra, Địa Tạng Phi Lai Tự còn nhiều kiến trúc khác như tòa điện Phật Bà Quan Thế Âm, Đức Ông cùng Đức Thánh Hiền; khu nhà ở cho Tăng ni – Phật tử; khu giảng đường cho Tăng ni – Phật tử nghe giảng đạo và tổ chức khóa tu; khu nhà khách cho người tới trải nghiệm.
Từ Chùa Địa Tạng Phi Lai Tự, bạn cũng có thể leo núi, khám phá rừng già, hít thở bầu không khí trong lành và thả hồn mình phiêu theo mây gió.
3. Chùa Bà Đanh
Nếu xưa kia nổi tiếng với câu nói “vắng như chùa bà Đanh”, thì giờ đây Chùa Bà Đanh là nơi thu hút đông đảo du khách gần xa tới lễ chùa và tham quan.
Chùa Bà Đanh nằm ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm Phủ Lý khoảng 7km theo hướng Tây Nam theo đường Quốc lộ 21B. Nơi đây được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung.
Theo truyền thuyết của địa phương, chùa là nơi thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, sau gọi tắt là chùa Bà Đanh.
Chùa Bà Đanh. Ảnh: Di sản Tràng An |
Chùa Bà Đanh có khung cảnh chùa sơn thủy hữu tình, bao quanh bởi dòng sông Đáy thơ mộng. Phía nam chùa là bến lên cổng tam quan với bậc tam cấp trải dài có hai hàng trụ chóp hình búp sen. Phía bắc là núi Ngọc rất nhiều cây xanh tươi tốt, trên đỉnh núi có một cây si cổ thụ hàng trăm tuổi.
Chùa gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ. Tam quan có ba gian và được làm thành hai tầng. Tầng trên có hai lớp mái lợp bằng ngói nam, xung quanh sàn gỗ hàng lan can là những trấn song con tiện. Tầng này sử dụng làm gác chuông, ba gian dưới có hệ thống cánh cửa bằng gỗ lim.
Theo Chí Long (LĐO)