Một tình nguyện viên nói chơi mà rất thật: Làm trong tổ hậu cần, ai cũng có thể trở thành lực sĩ với khả năng mang vác đáng gờm, kể cả những cô cậu mảnh khảnh.
Cô Nguyễn Thị Diễm Thúy phụ trách cơm nước của Bệnh viện dã chiến số 12. Ảnh: Như Lịch |
Trải qua 30 ngày làm tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (khu tái định cư 38,4 ha, P.An Khánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM), PV Báo Thanh Niên ghi nhận cận cảnh bên trong bệnh viện và những nỗ lực, hy sinh thầm lặng của đội ngũ tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngay khi được Sở Y tế TP.HCM phân công, đoàn y bác sĩ Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM đã lên đường nhận nhiệm vụ tại BV Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (gọi tắt là BVDC số 12) vào chiều 19.7. Nơi đây còn có sự hỗ trợ của đoàn thầy thuốc tỉnh Quảng Ninh, bộ đội, dân quân tự vệ và 36 tình nguyện viên (thuộc lực lượng tình nguyện các tôn giáo TP.HCM tham gia phòng chống dịch Covid-19, do Ủy ban MTTQ VN TP.HCM phát động).
Lên đường !
Biết tôi có nguyện vọng làm tình nguyện viên trong BVDC, đồng nghiệp tôi là nhà báo Duy Tính (chuyên trách mảng y tế) đã giúp kết nối với BV Da liễu TP.HCM - đơn vị phụ trách BVDC số 12. Sáng 22.7, anh Duy Tính báo tin: “Chị chuẩn bị đồ đạc, ít hôm nữa lên đường nhé”.
Đêm... suýt chết Đêm đầu tiên tại BV, tôi được sơ Ánh Sao bố trí ở tạm một mình trong phòng 4.01, lô D. Đối diện phòng tôi là phòng của các sơ Duyên Anh, Hồng Nhiên, Hậu, Hương Thảo, Diệu. Tất cả các sơ rất thân thiện, ân cần giúp đỡ tôi. Chiều tối hôm đó, tôi khép cửa chính (không có khóa) rồi chuẩn bị đi tắm. Vừa đóng cánh cửa buồng tắm, một tiếng “cạch” khô khốc vang lên khiến tôi bất an. Dù không bấm chốt khóa, nhưng tôi loay hoay mãi vẫn không mở cửa được. Tôi đập cửa, kêu to: “Sơ ơi sơ! Cứu con với!”. Gần 30 phút trôi qua, lòng bàn tay tôi đỏ au, giọng tôi đã khản và hụt hơi, run rẩy. Đáp lại chỉ là tiếng ù ù liên tục của quạt thông gió trong buồng tắm kín mít. Tôi đứng trên nắp bồn cầu, bám vào hai thanh nhôm nhỏ nằm ngang dùng treo quần áo để đu lên, cố mở ô cửa be bé trên cao thông với bên ngoài. Tôi nín thở, cầu mong hai thanh nhôm đừng gãy... Đẩy được ô cửa, tôi gào lên mấy chặp: “Sơ ơi! Cứu con!”. Tôi mừng rỡ nghe lao xao tiếng người. Chờ thêm chừng 10 phút, vẫn không có động tĩnh gì, tôi lại đập cửa rầm rầm kêu cứu. Khi tôi bắt đầu hoảng, bỗng một giọng nữ vọng vào: “Chúng em đến đây, cô an tâm nhé”. Việc phá ổ khóa cũng diễn ra khá lâu. Một người nam nói to: “Cửa sắp mở được rồi. Cô nhớ mang áo quần và khẩu trang nha”. Mọi người cười ồ. Sau này, tôi được biết tu sĩ Nguyễn Bảo Vinh (trưởng nhóm tình nguyện viên đợt 1 tại BVDC số 12) đã phá cửa giải cứu tôi. Thầy Vinh kể: Tối đó, thầy nghe tiếng kêu “sơ, sơ ơi” và tưởng anh chàng nào trêu chọc các sơ. Thầy đi hỏi thì thấy các sơ đang đứng trước cửa phòng tôi. Thế là thầy Vinh vội vã tìm tuốc nơ vít và kìm... Thầy Vinh từ tốn nói: “Ban đầu, chúng em muốn giữ ổ khóa lại để có thể sử dụng tiếp. Nhưng nạy hoài không ra, em đành đập bỏ do sợ cô chờ lâu quá”. Tôi vẫn nhớ cảm giác tuyệt vọng khi bị “nhốt” trong buồng tắm: Mình đến đây không bị chết vì Covid-19, mà lại chết bởi sự cố lãng xẹt này sao?! |
Điều khiến anh Duy Tính lo ngại cho tôi là thời điểm đó, tôi chưa được tiêm vắc xin Covid-19 (mũi 1). Cũng nhờ sự hỗ trợ của anh, tôi được tiêm vắc xin sớm hơn vài ngày so với lịch hẹn đăng ký theo cơ quan.
Chồng tôi không cản vợ đi công tác. Nhưng số liệu các ca nhiễm và số người tử vong vì Covid-19 lúc ấy gia tăng từng ngày khiến anh cũng lo, dặn tôi phải hết sức cẩn thận. Tôi chuẩn bị nhu yếu phẩm và thuốc men cần thiết, để chồng tôi hạn chế đi mua với “cái đuôi” là đứa con trai gần 5 tuổi bởi không ai trông nom.
Chiều 24.7, tôi nhận lệnh lên đường. Dọc những lối đi dẫn vào cụm chung cư ở P.An Khánh đang được trưng dụng tạm thời làm các BVDC thu dung điều trị Covid-19, cây cối tươi mát sau cơn mưa. Đây đó, từng cụm hoa vàng nổi bật trên đám cỏ xanh rì.
Tâm trí tôi dứt khỏi khung cảnh thơ mộng, khi gặp chốt gác trước BVDC số 12. Anh Thông (nhân viên BV Da liễu TP.HCM), người cho tôi quá giang, bảo tôi ngồi chờ giữa sân BV, để anh báo ban giám đốc. Tôi được xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Thấy một vạch hiện lên, cô điều dưỡng lúc bấy giờ mới nói cười sau lớp khẩu trang N95: “Âm tính nha chị”. Anh Thông nửa đùa nửa thật: “Nếu dương tính là chị lên thẳng lầu 5 nhận giường bệnh”.
Thủ tục test nhanh Covid-19 cho tôi. Ảnh: T.D.L |
Ngày đầu nhận việc
Sau thủ tục test nhanh Covid-19, tôi gặp bác sĩ (BS) Vương Khánh Chiến, Trưởng phòng Hành chính BVDC số 12, để được bố trí công việc. Tôi dự định làm ở tổ hậu cần, sau đó sẽ tham gia thêm một đội hình khác.
Nghe tôi xin vào tổ hậu cần, BS Chiến bảo: “Chị làm được chỗ đó thì quá tốt vì tôi cũng đang cần người. Hiện nay, BV Da liễu quản lý 3 lô D, E, F bên này và 3 lô A, B, C bên kia (nơi có đoàn thầy thuốc Quảng Ninh trú đóng và làm việc - PV). Tổ hậu cần có cô Hân lo chuyện vật tư, trang thiết bị tiêu hao, còn chị sẽ cùng hai cô Thúy và Trâm lo vấn đề cơm nước”. BS Chiến giải thích: “Các chị tiếp xúc đối tác đem cơm đến, kiểm tra lại xem có chuẩn hay không, theo đúng số lượng hay không, rồi gọi những người liên quan xuống lấy”.
Thấy một cô gái bận áo đồng phục màu đỏ đi như chạy, BS Chiến gọi: “Thúy ơi, chú tăng cường bên con một nhân sự về cơm nước. Thay vì người kia chờ mãi chưa thấy qua thì có chị này ở Báo Thanh Niên phụ với con”.
Sáng sớm hôm sau, tôi theo cô Thúy ra điểm tập kết bên kia đường chờ xe chở cơm đến để kiểm đếm và phân phối, khiêng vào BV. Tôi để ý thấy cô Thúy suốt ngày bận rộn đặt cơm, tiếp nhận, bưng khiêng, phân bổ cơm nước và hàng tiếp tế. Đội mưa đội nắng, da dẻ cô gái miền tây này trở nên sạm màu. Có dạo kiếm đâu ra cái nón vải rộng vành quá cỡ, cô dùng hai cái kẹp giấy tém lại cho gọn. Đã gọi là BVDC, khi cần phải “dã chiến” linh hoạt như vậy!
Mấy ngày đầu khiêng cơm, bàn tay tôi đau rát, chân mỏi nhừ. Chặng đường thử thách là leo mấy chục bậc thang, có những bữa chúng tôi hì hục khiêng cơm chạy dưới trời mưa. Ngoài tôi ra, còn có các sơ hỗ trợ đội hậu cần. Đặc biệt, nhóm các tu sĩ Vinh, Thịnh, Thi, Ân, Đồng... như đội cửu vạn thường xuyên bốc vác hàng hóa, đồ đạc cho BV.
Một tình nguyện viên nói chơi mà rất thật: Làm trong tổ hậu cần, ai cũng có thể trở thành lực sĩ với khả năng mang vác đáng gờm, kể cả những cô cậu mảnh khảnh.
Nhờ làm ở đội hậu cần, tôi biết được hầu hết suất ăn mỗi bữa của mọi người trong BVDC là như nhau, từ đội ngũ y tế cho đến bệnh nhân. Có hôm tôi thấy một số hộp cơm bị thừa, hỏi ra mới hay có những y bác sĩ đi làm về đuối quá, ăn không nổi, đành bỏ bữa.
(còn tiếp)
Theo Như Lịch (TNO)