Dự kiến ngày hôm nay (24.3), tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội XIV, Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ. Lao Động xin điểm lại những dấu ấn rất tích cực trong 5 năm nhiệm kỳ của Chính phủ được người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Chính phủ. Ảnh VGP |
1. Trong 5 năm tạo ra 1200 tỉ USD
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%.
Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt 2,91%, thuộc hàng cao nhất thế giới. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng dương năm 2020. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt 6%.
Quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, đến năm 2020 ước đạt 268,4 tỉ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015. Tỉ lệ tích luỹ tài sản so với GDP theo giá hiện hành ước đến năm 2020 khoảng 26,7%.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam rất ấn tượng |
Trong giai đoạn 5 năm, Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, cán cân xuất, nhập khẩu hàng hoá được cải thiện rõ rệt, chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, cơ cấu xuất, nhập khẩu chuyển dịch tích cực, bền vững hơn.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá tăng 1,7 lần, từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 517 tỷ USD năm 2019. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, vẫn đạt khoảng 527 tỷ USD, tương đương trên 190% GDP.
Xuất khẩu hàng hoá tăng từ 162 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 267 tỷ USD năm 2020, tăng bình quân 10,5%/năm giai đoạn 2016-2020, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Cán cân xuất, nhập khẩu hàng hoá chuyển từ thâm hụt sang thặng dư cuối kỳ 5 năm, tạo điều kiện cán cân thanh toán giữ được trạng thái tích cực, góp phần ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.
2. An sinh xã hội được cải thiện rõ rệt
Trong 5 năm, Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp cơ cấu lại lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trong nước và đưa người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Tỉ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi duy trì ở mức thấp và giảm dần. Các giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ được tiếp tục hoàn thiện.
Chính phủ cũng đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội được mở rộng, tỉ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020 dự kiến đạt 32,7%. Mở rộng diện đối tượng hưởng trợ cấp xã hội. Hằng năm, đã hỗ trợ hàng chục vạn tấn gạo cho các địa phương để kịp thời hỗ trợ cho người nghèo và người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt và huy động hàng nghìn tỉ đồng hỗ trợ người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Trong điều kiện rất khó khăn trước tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, Nhà nước có nhiều biện pháp hỗ trợ người dân, người lao động.
GDP bình quân đầu người Việt Nam trong các năm từ 2016-2020. Đơn vị tính USD. |
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai mạnh mẽ, chuyển từ cách tiếp cận đơn chiều sang đa chiều, tập trung vào nhóm, hộ nghèo nhất. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 3,75% cuối năm 2019 và giảm còn dưới 3% vào cuối năm 2020, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 giảm trên 1,4%/năm.
Hệ thống chính sách dân tộc được hoàn thiện, đầy đủ hơn, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, phân cấp khá triệt để cho các địa phương tổ chức thực hiện; đã tích hợp một số chính sách, khắc phục một bước tình trạng dàn trải, chồng chéo về chính sách. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi cơ bản diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện.
3. Thực hiện “mục tiêu kép” chống dịch và phát triển kinh tế
Trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 và những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới và trong nước, Chính phủ đặt nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế là thành công lớn của Việt Nam. Ảnh Hữu Long |
Trên thực tế, dưới sự điều hành của Chính phủ, công tác chống dịch của Việt Nam được cho là một kỳ tích, được bạn bè đánh giá là ở Việt Nam thời dịch là một “may mắn xa xỉ”.
Vaccine được nhập khẩu trong khi công tác sản xuất vaccine trong nước được đề cao. Do đề cao mục tiêu kép nên kinh tế Việt Nam không bị đứt gãy.
Nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn; giảm, giãn thuế, phí, lệ phí; giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông; hỗ trợ lãi suất tín dụng … được thực hiện nhằm giảm tác động của dịch COVID-19. Tăng trưởng GDP 2,91% năm 2020 là một minh chứng thành công của việc thực hiện "mục tiêu kép".
4. Chính phủ kiến tạo
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm "xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân". 5 năm qua, trên tinh thần kế thừa và đổi mới, Chính phủ đã chủ động xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Cụ thể, đã có nhiều giải pháp về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được triển khai tích cực, tập trung vào những nhóm giải pháp nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường cũng như những giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đã được quốc tế ghi nhận.
Kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng trong phát triển, nhất là du lịch, các khu đô thị, sản xuất ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại hiện đại, giáo dục, đào tạo và dịch vụ y tế. Đã hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân và ứng dụng khoa học, công nghệ, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế.
5. Khẳng định vị thế Việt Nam
Trong nhiệm kỳ, Chính phủ đã chủ động, tích cực, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Việt Nam tổ chức thành công năm APEC Việt Nam 2017, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018; đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021; tổ chức thành công cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội và đặc biệt là vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Tích cực thúc đẩy đàm phán, ký kết, phê chuẩn và triển khai hiệu quả 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định tiêu chuẩn cao, thị trường rộng lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP).
LINH ANH (LĐO)