Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

75 năm ngày Tổng tuyển cử: Tìm người có đức, có tài gánh vác việc nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng khẳng định, Tổng tuyển cử năm 1946 là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã và đang để lại bài học kinh nghiệm quý báu trong việc hoàn thiện chế độ bầu cử.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)


Ngày 3/1, tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946-6/1/2021) và Tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-20210 do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Tổng tuyển cử năm 1946 là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã và đang để lại bài học kinh nghiệm quý báu có thể vận dụng trong việc hoàn thiện chế độ bầu cử.

Tổng tuyển cử để xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Bên cạnh đó là phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân trong công tác kiến quốc, lôi cuốn nhân dân tham gia công việc của Nhà nước.

Sự kiện này còn đảm bảo quyền tự do bầu cử với những quy định linh động, sáng tạo; đảm bảo vận động bầu cử dân chủ, tìm người có đức, có tài gánh vác việc nước.

Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh Quảng Nam cần khắc phục mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa hậu quả lũ lụt, thiên tai vừa mới xảy ra, đảm bảo người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cơm ăn áo mặc; trường học, vùng sâu vùng xa có đường giao thông thuận lợi, không để dịch bệnh xảy ra.

Tại lễ kỷ niệm, qua diễn văn khai mạc, phim tài liệu và phát biểu của đại biểu Quốc hội tỉnh qua các nhiệm kỳ, các đại biểu đã ôn lại truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam nói chung và của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nói riêng...

Theo đó, qua 75 năm với 14 nhiệm kỳ, trong đó, Quốc hội khóa I kéo dài 14 năm (1946-1960), đã thông qua Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, đánh dấu thắng lợi lịch sử đã giành được trong Cách mạng tháng 8. Đây là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, là đạo luật cơ bản đặt nền móng cho việc xây dựng thể chế Nhà nước Cách mạng trong thời đại mới.

Đây cũng là minh chứng hùng hồn về niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của Nhân dân ta.

Bước vào thời kỳ kháng chiến cứu nước vô cùng ác liệt, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1959, tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Sau đại thắng Mùa Xuân 1975, khi non sông đã thu về một mối, ngày 25/4/1976 cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Khóa VI được tiến hành trong cả nước. Từ đây, chúng ta có một Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, huy động sức mạnh của toàn dân tộc để khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kế thừa, phát triển Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Quốc hội đã tiếp tục ban hành Hiến pháp năm 1980-Hiến pháp của thời kỳ cả nước thống nhất cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội; Hiến pháp 1992 của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước và Hiến pháp năm 2013 đánh dấu giai đoạn phát triển và hội nhập của đất nước, thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội với nền tảng nhà nước pháp quyền, dân chủ, nhà nước của dân, do dân, vì dân và tạo động lực mạnh mẽ đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

Đối với tỉnh Quảng Nam, theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, ngay sau khi Khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 thắng lợi, nhân dân Quảng Nam đã nhiệt tình tham gia bầu cử, kết quả 14 người do Mặt trận Việt Minh giới thiệu đều đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I.

Trong đó, có nhiều người đã có những cống hiến xuất sắc và trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành...

Sau cuộc bầu cử Quốc hội Khóa I thành công, do điều kiện lịch sử đất nước, giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1976, tỉnh Quảng Nam không tổ chức bầu cử nhưng vẫn có đại biểu tham gia Quốc hội.

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lấy ý kiến góp ý vào hầu hết các dự án luật, bộ luật trình tại các kỳ họp Quốc hội bằng nhiều hình thức; trong đó chú trọng việc tổ chức lấy ý kiến các dự án luật có phạm vi, đối tượng tác động, rộng, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đời sống của nhân dân.

Với tinh thần trách nhiệm trước cử tri, các đại biểu Quốc hội Quảng Nam tích cực tham gia thảo luận, tranh luận, góp ý vào 76 dự án luật, nội dung góp ý xây dựng pháp luật tập trung vào những vấn đề lớn, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn xã hội và tâm tư, nguyện vọng của cử tri, cộng đồng doanh nghiệp.

Về công tác giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 15 Đoàn giám sát chuyên đề, 1 Đoàn khảo sát và nhiều Đoàn giám sát việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Qua giám sát, khảo sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đưa ra 277 kiến nghị, đề xuất gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình quản lý nhà nước, thực thi pháp luật; chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số cơ chế, chính sách pháp luật không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam còn tích cực tham gia hoạt động giám sát tối cao tại các kỳ họp Quốc hội với nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận phản ánh đúng thực trạng đời sống kinh tế-xã hội, những tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công.

Các đại biểu Quốc hội Quảng Nam cũng rất tích cực tham gia các hoạt động chất vấn với 23 lượt chất vấn trực tiếp tại nghị trường Quốc hội...

 

Theo Trịnh Bang Nhiệm (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm