Phóng sự - Ký sự

Ám ảnh bên dòng Nậm Mô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những tưởng khi các công trình thủy điện đi vào hoạt động sẽ mang về một cuộc sống đủ đầy, sung túc hơn. Nhưng lẽ đời thường không như là mơ, những gì đã và đang diễn ra tại huyện miền núi Kỳ Sơn chính là lát cắt điển hình, phản ánh chân thực hàng loạt vấn đề bất cập trong công tác quy hoạch tại Nghệ An.
Huyện nghèo kiệt quệ
Sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 3, số 4 năm 2018 cũng như đợt xả lũ lịch sử ngay sau đó khiến lưu lượng từ thượng nguồn đổ về sông Nậm Mô và Nậm Nơn dâng cao kỷ lục, sức nước kinh hoàng đã tàn phá nặng nề huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).
 
 
“Cung đường khổ ải” 7b nối Tà Cạ với thị trấn Mường Xén
Cơn đại hồng thủy càn quét qua làm chết 6 người, khiến hàng chục nhà dân bị thiệt hại hoàn toàn, hàng trăm nhà khác bị chìm sâu trong dòng nước đục, nhiều tuyến đường giao thông, hàng loạt công trình bị hư hỏng nặng… Ước tính tổng thiệt hại lên đến 209.068.500.000 đồng. Cần biết tổng thu ngân sách toàn huyện Kỳ Sơn trong năm 2018 chưa đạt nổi con số 20 tỷ, đồng nghĩa “cơn bạo bệnh” đã kìm hãm tốc độ phát triển của địa phương này chậm lại hơn… 10 năm.
Đề cập đến những vấn đề khó khăn, vướng mắc gây cản trở trong quá trình phòng chống lũ lụt, bên cạnh những yếu tố khách quan (điều kiện tự nhiên chủ yếu là núi cao, dốc đứng, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối; thời tiết diễn biến phức tạp, tần suất mưa các đợt dày khiến lượng nước tích tụ lớn; thông tin không được cập nhật kịp thời; hệ thống cơ sở hạ tầng con thiếu, yếu; huyện nghèo thu không bù chi nên thiếu hụt ngân sách để xây dựng hệ thống công trình và các khu dân cư tập trung) thì tác động do các nhà máy thủy điện được xem là nguyên nhân chính.
Cụ thể hơn, trong báo cáo số 224/BC-UBND.NN ngày 4/9/2018 UBND huyện Kỳ Sơn nêu rõ: “Trên địa bàn có quá nhiều công trình thủy điện, chưa kể còn chịu ảnh hưởng từ quá trình hoạt động của các thủy điện khác tại Lào và huyện Tương Dương. Việc tích trữ và xả nước của các nhà máy thiếu tính đồng nhất, thường bị phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, do đó người dân cũng như chính quyền địa phương hoàn toàn bị động trong việc phòng, chống”.  
Tà Cạ oằn mình gánh thủy điện
Về tổng thể, huyện Kỳ Sơn được Bộ Công thương và UBND tỉnh “ưu ái” bố trí 9 công trình thủy điện. Đến thời điểm này đã có 3 nhà máy đã đi vào hoạt động, 3 nhà máy khác đang tiến hành xây dựng, 2 nhà máy đang trong quá trình khảo sát, 1 nhà máy đang xin chủ trương.
Bàn về công tác quy hoạch thủy điện tại huyện nghèo Kỳ Sơn, không ít chuyên gia bày tỏ sự quan ngại. Nhận định này hoàn toàn sắc đáng nếu được tận mắt chứng kiến những hệ lụy mà người dân đang phải oằn mình gồng gánh bấy lâu nay, với họ 2 từ “thủy điện” chẳng khác nào thảm họa.
Cần biết cả 3 nhà máy đang hoạt động là thủy điện Nậm Mô, thủy điện Nậm Cắn 2 và thủy điện Bản Cánh đều “án ngữ” trên địa giới hành chính của bản Cánh, thuộc địa bàn xã biên giới Tà Cạ. Lợi lộc các nhà máy mang lại chẳng dám bàn đến, chỉ biết mức độ ảnh hưởng thì ngày một chất chồng, thay vì hưởng lợi thì người dân đang phải sống quay quắt trong chuỗi ngày khổ ải.
 
 
Cuộc sống của người dân xã Tà Cạ bị xáo trộn nặng nề kể từ khi các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động
Trong số các đơn vị bị chỉ mặt đặt tên, tiểu biểu nhất phải kể đến thủy điện Nậm Mô (chủ đầu tư là TCty Phát triển năng lượng Nghệ An, sau khi nhận chuyển giao từ Cty CP Thủy điện Bản Vẽ). Công trình này có tổng mức đầu tư 471 tỷ đồng, triển khai trên quy mô 52,62ha, trong đó phần diện tích chiếm vĩnh viễn lên đến 48,22ha.
Theo báo cáo đánh giá tác động của huyện Kỳ Sơn, công trình thủy điện Nậm Mô không có chức năng điều tiết lũ nên lưu lượng xả luôn bằng lưu lượng nước đến. Nguồn nước của thủy điện chủ yếu từ Lào đổ về, do không có thiết bị quan trắc cũng như thông tin cảnh báo sớm từ nước bạn (chỉ dự báo được lưu lượng khi nước đã về hồ) nên tiến trình xả lũ thường xuyên bị động, công tác ứng phó vì thế cũng bị ảnh hưởng theo.
Chẳng nói đâu xa, khi thủy điện Nậm Mô xả lũ mới đây, nước từ trên cao đổ ập xuống tạo ra lưu tốc cức lớn làm biến đổi dòng chảy, trong chốc lát đã nhấn chìm hàng loạt khu vực dưới hạ du (các xã Tà Cạ, Hữu Kiệm, Chiêu Lưu và Thị trấn Mường Xén).
Riêng đợt này Tà Cạ có hàng loạt căn nhà buộc phải tháo dỡ di dời khẩn cấp, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn tứ tung. Nghiêm trọng hơn, phần lớn tuyến đường 7b (nối liền thị trấn Mường Xén) bị sạt lở nặng nề, nền đất yếu nên khi gặp mưa trở nên nhão nhoét, trơn tựa đổ mỡ, bề mặt hình thành chi chít những vũng lầy, nhẩm tính thiên tai đi qua hơn 3 tháng rồi nhưng công tác khắc phục vẫn chưa đến đầu đến đuôi. Từ tỉnh lộ đến điểm sâu nhất của xã Tà Cạ chỉ trên dưới 15km, nhưng trong điều kiện thời tiết bất thuận việc ngày ngày phải di chuyển trên cung đường khổ ải thực sự là cực hình với bà con nơi đây.
 
Thủy điện Nậm Mô là tác nhân chính
Không chút ngại ngần, Chủ tịch Vừ Vả Chá nói thẳng: “1 xã có tận 3 nhà máy thủy điện thì dân chịu sao thấu, đấy là chưa kể thêm thủy điện Nậm Mô 1 đang khảo sát. Diện tích đồi núi tại Tà Cạ chiếm phần nhiều, quỹ đất sản xuất vốn eo hẹp nay càng thâm hụt hơn do sự xuất hiện của các nhà máy. Đồng bào vùng cao bao đời nay quen với việc phát nương làm rẫy, nay đất không còn nên nhiều người phải bấm bụng rời xứ đi làm ăn xa, tình hình nhìn chung hết sức bấp bênh”.
Ông Vừ Và Chá khẳng định: “Để phục vụ cho các dự án thủy điện, người dân phải gánh chịu nhiều thiệt thòi. Vì thế trong quá trình hoạt động, họ phải có cơ chế hỗ trợ nhằm phục vụ công tác an sinh, góp phần vào chủ trương xóa đói giảm nghèo”.
Mong muốn chính đáng nhưng xem ra khó thành, bởi xưa nay các nhà máy thủy điện trên địa bàn Nghệ An nhìn chung không có thói quen hợp tác. Điệp khúc “Dân kêu, doanh nghiệp im lặng” lặp đi lặp lại đến phát ngán…
Qua rà soát, toàn xã Tà Cạ có trên 1.900 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 49,46%. Với đà này, nguy cơ tái nghèo đã hiển hiện trước mắt.
Ám ảnh & tha hương
Nằm phía dưới khu vực hạ lưu của thủy điện Nậm Mô, thành thử người dân tại 6/11 bản của xã Tà Cạ (bao gồm bản Cánh, Bình Sơn 1, Cầu Tám, Sơn Thành, Hòa Sơn, Sơn Hà) luôn sống trong tình cảnh thấp thỏm âu lo, với họ mỗi đợt xả lũ luôn để lại những ám ảnh đến rợn người.
Già Lương Thị Phương (ảnh), trú tại bản Cánh thất kinh nhớ lại: “Nhà kề sát dòng Nậm Mô nên mức độ ảnh hưởng đến đâu chúng tôi nắm rõ trong lòng bàn tay. Trận xả lũ mới đây nước cuồn cuộn như thác đổ, vỗ ầm ầm vào bờ khiến nền nhà rung lên bần bật.
 
Trong đếm tối mịt mùng bất chợt vang lên tiếng nổ thất thanh như sấm rền, ban đầu tôi và ông nhà cứ ngỡ một phần đất bị sóng đánh trôi, khi hoàn hồn mới dám tin mình vẫn còn sống. Sống chung với thủy điện chẳng khác gì đánh bạc, sợ lắm, hoang mang lắm”.
Vợ chồng già Phương có với nhau 6 mặt con, gồm 2 trai, 4 gái. Trước kia còn đất canh tác, còn vườn tược nên mọi thứ vẫn có thể lo toan, nhưng từ khi các nhà máy thủy điện đồng loạt mọc lên, mọi thứ đã rẽ theo chiều hướng khác.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền là nguồn cơn dẫn đến cảnh ly tán, 4 người con gái là Lương Thị Là, Lương Thị Nui, Lương Thị Phương và Lương Thị Hạnh buộc phải khăn gói rời bản làng tìm đường sang Lào kiếm kế mưu sinh. Đi lại xa xôi, trắc trở nên họa may 3 tháng, không thì 6 tháng, có khi biền biệt cả năm trời không nhìn thấy mặt con, nghĩ đến đó già Phương lại thở dài thườn thượt.

Quá trình thực hiện di dời GPMB phục vụ các dự án tại Kỳ Sơn, người dân phải dành phần lớn thời gian tập trung cho công tác TĐC nên mọi thứ khác gần như phải gác lại. Chưa kể nhiều hộ trong vùng ảnh hưởng như bản Xốp Dương, Cha Nga từ năm 2007 đến nay không được đầu tư công trình phúc lợi nào do nằm trong diện di dời của lòng hồ thuỷ điện Mỹ Lý. Mặt khác khi tiến hành thi công, lượng nhân công lớn tứ xứ khắp nơi đổ về quá lớn khiến công tác an ninh trật tự trên địa bàn thêm phần phức tạp, các tệ nạn xã hội càng càng có điều kiện phát sinh.

Thời điểm xây dựng bất an một thì khi chính thức đi vào vận hành nỗi lo nhân lên gấp bội. Khi xả lũ, phần lớn các nhà máy không chủ động điều tiết được quy trình nên gây ra thiệt hại không nhỏ về người và của. Đến mùa khô, thuỷ điện tích nước làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, đến sinh hoạt, đến môi trường sinh thái xung quanh. Trao đổi với NNVN về vấn đề này, ông La Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn khẳng định: “Lợi ích giữa doanh nghiệp và địa phương không hài hòa”.

Việt Khánh (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm