Sức khỏe

Y dược cổ truyền

Ăn cá chình kho nước dừa, 4 người bị ngộ độc nhập viện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 6-11, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết đang điều trị một bệnh nhân bị ngộ độc do ăn cá chình bông. Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh tiếp nhận 3 bệnh nhân là người thân của bệnh nhân này, cũng bị ngộ độc tương tự.

Mẫu cá chình bông khiến 4 người bị ngộ độc - Ảnh: Người nhà bệnh nhân cung cấp
Mẫu cá chình bông khiến 4 người bị ngộ độc - Ảnh: Người nhà bệnh nhân cung cấp



Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Phạm Minh Đạt (26 tuổi, trú tại xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang) bị ngộ độc sau khi ăn cá chình bông. Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Ngày 5-11, anh Đạt mua 4kg cá ở chợ gần nhà, chia một nửa cho người thân tại thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh). Số còn lại, anh làm món cá chình kho nước dừa và gọi một người bạn đến cùng thưởng thức.

Sau khi ăn tối xong, anh Đạt bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như nôn, tiêu chảy, tay chân tê cứng.

Sáng 6-11, sau khi nhận tin báo 3 người thân tại thị trấn Vạn Giã bị ngộ độc phải nhập viện, anh được người nhà cấp tốc đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Các bác sĩ chẩn đoán người này bị ngộ độc thức ăn, sau đó được cấp cứu và đưa vào khoa hồi sức tích cực.

3 bệnh nhân tại thị trấn Vạn Giã cũng đang được các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh chữa trị. Đến nay sức khỏe của bệnh nhân đã dần ổn định và đang được giữ lại để theo dõi, điều trị thêm.

 Bước đầu xác định bệnh nhân bị ngộ độc là do ăn phải lòng cá chình.

 

Bệnh nhân Phạm Văn Đạt đang được các bác sĩ tích cực chữa trị - Ảnh: MINH CHIẾN
Bệnh nhân Phạm Văn Đạt đang được các bác sĩ tích cực chữa trị - Ảnh: MINH CHIẾN


Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, nhiều khả năng trong lòng cá chình có hàm lượng kim loại nặng cao, các loại thức ăn trong ruột của cá chình chưa được làm sạch nên độc tố vẫn còn đã khiến người dùng bị ngộ độc.

Ngoài ra, cá chình biển thường ăn tảo đỏ benthic dinoflagelltes, hoặc rong biển ở tầng đáy và các rạn san hô. Giống tảo này có chứa chất cigutera rất độc, thấm vào máu và các thớ thịt, hoặc còn tồn đọng ở thành ruột, dễ gây ngộ độc.

Để bảo vệ sức khỏe, cần thận trọng với những loài cá có nguồn gốc từ vùng rạn san hô, đặc biệt là đối với ruột và cá chình biển cỡ lớn.

Theo MINH CHIẾN (TTO)

Có thể bạn quan tâm