Cơn mưa xuân vừa dứt, vợ chồng ông Trương Thành Danh (tổ 1, phường An Bình) tranh thủ làm cỏ cho 1,5 sào ớt và bắt dây leo cho 1 sào khổ qua. Trước Tết Nguyên đán, gia đình ông cũng đã kịp xuống giống 3 sào mì cao sản. “Năm nay, mưa kéo dài khiến sâu bệnh dễ sinh sôi, nhất là bệnh đạo ôn, đốm lá trên rau và ớt. Chưa kể, cây trồng còn chậm sinh trưởng, phát triển do ảnh hưởng bởi các đợt không khí lạnh tăng cường từ tháng Chạp đến giờ”-ông Danh nhận định.
Vợ chồng ông Trương Thành Danh (tổ 1, phường An Bình) tranh thủ làm cỏ cho 1,5 sào ớt. Ảnh: Mộc Trà |
Dự lường trước tình hình thời tiết bất lợi, trên cơ sở kinh nghiệm của bản thân và khuyến cáo từ chính quyền địa phương, ông Danh và nhiều nông dân khác trên địa bàn thị xã cũng đã tính toán lại lịch thời vụ, gieo sạ lúa sớm nửa tháng so với vụ Đông Xuân 2021-2022 để tránh hạn; đồng thời, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng.
Vừa bón phân cho ruộng lúa, chị Nguyễn Thị Phương (thôn 3, xã Thành An) chia sẻ: Thời tiết năm nay có phần khó lường nên tôi đã đẩy thời gian gieo sạ lúa sớm hơn nửa tháng so với mọi năm để tranh thủ “nước trời” và chọn giống lúa thơm RVT có khả năng chống ngã đổ, kháng được một số sâu bệnh hại như đạo ôn, khô vằn, bạc lá cũng như giúp tránh hạn vào cuối vụ. Ngoài ra, tôi cũng chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa canh, xuống giống 3 sào rau, lưu gốc 8 sào mía và chuyển hơn 2 sào đất trồng rau sang trồng ớt.
Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân 2022-2023, thị xã An Khê gieo trồng 6.289 ha cây trồng các loại. Đến nay, người dân đã xuống giống được trên 5.117 ha, đạt hơn 80% kế hoạch. Các loại cây trồng chủ yếu gồm: lúa nước 2 vụ, bắp, mì, đậu và rau các loại, mía, đậu phộng, ớt, cây ăn quả, cây dược liệu… Ông Đặng Thanh Hà-Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê-cho hay: Để tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu, đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, từ cuối vụ mùa năm trước, Phòng đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã, phường rà soát, hướng dẫn người dân chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về đất, giống, vật tư để gieo trồng khi gặp thời tiết thuận lợi; ưu tiên sử dụng các giống ngắn ngày có khả năng chịu hạn, sử dụng tiết kiệm nguồn nước; tập trung thu hoạch nhanh gọn, dứt điểm diện tích các loại cây trồng trong vụ mùa 2022, nhất là cây mía nhằm giải phóng đất, đảm bảo khả năng lưu gốc ở vụ sau. Cùng với đó, công tác nạo vét kênh mương, gia cố và nâng cấp các công trình thủy lợi cũng được các xã, phường và người dân quan tâm triển khai để chủ động nguồn nước tưới. Hiện trên địa bàn thị xã có tổng số 175 công trình thủy lợi với 43,6 km kênh mương nội đồng, phục vụ nước tưới cho gần 380 ha lúa 2 vụ và một số loại cây trồng ngắn ngày khác.
Người dân phường An Bình (thị xã An Khê) chăm sóc vườn khổ qua. Ảnh: Mộc Trà |
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, những tháng đầu năm 2023, nhiệt độ trên phạm vi cả nước có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm; lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên cũng thấp hơn 15-30%. Mặc dù hiện nay, mực nước tại các hồ chứa lớn trên địa bàn vẫn đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng UBND thị xã An Khê cũng đã chủ động xây dựng phương án phòng-chống hạn cho vụ Đông Xuân để giảm thiểu thiệt hại. “Ngoài thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, chú trọng phòng trừ sâu bệnh hại, UBND thị xã còn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã, phường khuyến cáo, hướng dẫn người dân tưới tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại vùng thường xuyên bị hạn; đồng thời, mở rộng diện tích gieo trồng ở những vùng có điều kiện tưới thuận lợi để đảm bảo kế hoạch sản xuất đề ra”-ông Hà thông tin thêm.