Phóng sự - Ký sự

An lành 'Trường Sa trên biển Bắc'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ cảng Ghềnh Võ, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) chúng tôi phóng cano cưỡi sóng gần 1 tiếng đồng hồ để ra đảo Trần – hòn đảo nằm phía Đông Bắc của quần đảo Cô Tô, nơi được ví như Trường Sa của vùng biển Đông Bắc. 6 năm mới quay trở lại, hòn đảo tiền tiêu vẫn hiên ngang giữa muôn trùng sóng gió.

Một đảo Trần khác xưa

Tôi vẫn còn nhớ như in chuyến đi đảo Trần vào cuối năm 2018, ngày ấy đảo vẫn chưa được hòa điện lưới quốc gia. Buổi tối không tivi, không sóng điện thoại, không ánh sáng đèn, chúng tôi nằm trong phòng khách của một đơn vị bộ đội. Giữa đêm khuya tĩnh mịch chỉ nghe tiếng sóng vỗ, tiếng sóng của vùng biển nơi địa đầu Tổ quốc.

Hòn đảo có diện tích chưa đầy 4,5km2, nằm ở vị trí tiền tiêu của vùng Đông Bắc và có vị trí chiến lược đặc biệt về quốc phòng và an ninh, đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

Cùng với Bạch Long Vỹ, đảo Trần được ví như "con mắt" trấn giữ cửa ngõ Vịnh Bắc bộ. Chẳng vậy, trong giới “nhà binh” vẫn ví đảo Trần là “Trường Sa của biển Bắc” với câu ví đầy tự hào “Cả nước có Trường Sa - Quân khu 3 có đảo Trần”.

Từ cuối năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai dự án mang tính “đột phá” kéo điện lưới từ đất liền ra Đảo Trần, với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Sau thời gian dài thi công và vận hành thử nghiệm, sáng 2/9/2020, Quảng Ninh đã chính thức khánh thành và đưa dự án vào hoạt động. Ánh điện bừng sáng Đảo Trần vùng Đông Bắc là một sự kiện trọng đại của Quảng Ninh trong năm 2020.

Trở lại đảo Trần lần này, tôi ngạc nhiên thấy trên đảo có cả sân Pickle ball, môn thể thao đang phát triển rầm rộ ở đất liền. Trung tá Hoàng Cương, Chính trị viên Đồn Biên phòng đảo Trần, khoe: “Sân mới được xây dựng nhờ sự đóng góp của các lực lượng vũ trang và nhân dân thôn đảo Trần. Đợt kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12) vừa rồi, các đơn vị đóng quân trên đảo đã tổ chức giải Pickle ball, thi đấu hết sức sôi nổi. Đảo Trần giờ vui lắm anh ạ”.

Đảo Trần hôm nay quả đã khác xưa. Cả thôn Đảo Trần có tới gần chục hộ mở quán bán hàng, kinh doanh dịch vụ, nhà nào cũng lắp mạng internet. Để sử dụng mạng trên điện thoại tốt hơn, tôi hỏi chị chủ quán tạp hóa tên Nga rằng ở đây có internet không. Chị hồn nhiên trả lời: “Ở đây không có internet, chỉ có oai phai (wifi) thôi chú à”.

Người đảo Trần dễ thương là vậy. Họ chủ yếu là những ngư dân từ huyện Hải Hà ra đây lập nghiệp. Vốn không phải anh em, họ hàng, nhưng đến đảo Trần, họ trở thành máu mủ, thành những cột mốc sống giữa biển trời Đông Bắc.

Đảo Trần hôm nay còn có cột mốc văn hóa, tâm linh vùng biển đảo tiền tiêu Đông Bắc Tổ quốc. Khởi công ngày 9/10/2022 tại đảo Trần, đến nay chùa Trúc Lâm Đảo Trần đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Những ngày Tết, Đồn Biên phòng đảo Trần tăng cường tuần tra, sẵn sàng chiến đấu

Chùa Trúc Lâm đảo Trần được xây trong khuôn viên rộng 2,72 ha. Công trình đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, huyện Cô Tô gắn biển công trình kỷ niệm 60 năm tỉnh Quảng Ninh. Mặt đứng chính công trình quay theo hướng Tây Bắc, nhìn ra biển. Ngoài khuôn viên đã an trí tôn tượng Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương.

Có nhà, có trường học liên cấp mầm non và tiểu học, có điện lưới quốc gia, giờ người đảo Trần còn có nơi an trú tâm linh là ngôi chùa bề thế, làm chốn đi về khẩn nguyện cho gia đình mạnh khỏe, cầu cho biển lặng gió hòa…

Để đất liền đón Tết yên vui

Đảo Trần nằm biệt lập trên vùng biển Đông Bắc, vị trí này mang đến một không gian cực kỳ yên bình và khoáng đạt cho những ai muốn trốn tránh thế sự ồn ào và đang tìm kiếm một nơi an trú tâm hồn hoàn hảo. Nhưng với những người lính đảo, không gian ấy đã trở nên quen thuộc.

- Trung tá Bùi Anh Đức, Đồn trưởng Đồn Biên phòng đảo Trần trao quà Tết cho 2 cháu trong Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng - Nâng bước em tới trường”

Năm nay là năm thứ 3 Trung tá Nguyễn Văn Thủy (sinh năm 1971, Đội trưởng Đội Tàu – Đồn Biên phòng Đảo Trần) ăn Tết trên đảo Trần. Chỉ đến tháng 6/2025 anh Thủy nghỉ hưu, rời quân ngũ, lẽ ra năm nay anh được về ăn Tết với gia đình theo tiêu chuẩn. Nhưng Trung tá Thủy nằng nặc “đòi” chỉ huy Đồn cho anh được ở lại, cùng anh em trực chiến đấu trên đảo trong suốt những ngày Tết.

“Vợ con thì ăn Tết với nhau cả đời, còn đây có lẽ là những kỉ niệm cuối cùng trong đời lính mà tôi muốn lưu giữ. 2 lần trước đón Tết ở đảo Trần thì nhớ nhà da diết, nhưng năm nay cảm xúc chắc chắn sẽ khác”. Trung tá Nguyễn Văn Thủy

Đội trưởng Đội Tàu - Đồn Biên phòng đảo Trần

“Vợ con thì ăn Tết với nhau cả đời, còn đây có lẽ là những kỉ niệm cuối cùng trong đời lính mà tôi muốn lưu giữ. 2 lần trước đón Tết ở đảo Trần thì nhớ nhà da diết, nhưng năm nay cảm xúc chắc chắn sẽ khác” – anh Thủy nhoẻn miệng cười.

Khác với Trung tá Thủy, Binh nhất Phạm Quốc Trường (sinh năm 2002, nhập ngũ tháng 2/2024) lần đầu tiên ăn Tết ngoài đảo. Sinh ra và lớn lên ở phường Yên Thanh, TP Uông Bí, Quảng Ninh, vùng đất không có biển đảo, 10 tháng qua Trường đã thấy gắn bó với hòn đảo tiền tiêu, như thể đã ở trên đảo Trần từ rất lâu rồi.

Tết năm nay, cũng như nhiều chiến sĩ khác mới nhập ngũ, Trường phải trực chiến đấu trên đảo Trần. Xa nhà trong dịp Tết, nhất là trong hoàn cảnh mới yêu, tất nhiên Trường nóng lòng muốn về thăm nhà.

“Em cũng như bao chiến sĩ khác, đã xác định nhiệm vụ của mình khi bước chân vào quân ngũ. Gia đình và người yêu cũng thường động viên rằng em đang làm nhiệm vụ rất thiêng liêng là bảo vệ biển đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc” – Trường tâm sự.

Trung tá Nguyễn Văn Thủy lưu giữ kỉ niệm đời lính bằng cái Tết cuối cùng trên đảo Trần

Tết năm nay, Trung tá Hoàng Cương, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đảo Trần cùng nhiều đồng đội trong đơn vị không được về quê nhà ăn Tết. Đối với các anh, những người lính đã nhiều năm trong quân ngũ, thì việc xa nhà những ngày Tết là điều trở nên quen thuộc.

“Tôi đi lính gần 24 năm, ăn Tết ở các đảo mấy lần rồi, lần gần nhất là Tết 2021 ngoài đảo Quan Lạn. Với những người lính đảo, bù lại khoảnh khắc thiêng liêng bên gia đình là tình đồng chí, tình quân dân thắm thiết” – Trung tá Hoàng Cương nói.

“Cùng với Bạch Long Vỹ, đảo Trần được ví như “con mắt” trấn giữ cửa ngõ vịnh Bắc Bộ. Chẳng vậy, trong giới “nhà binh” vẫn ví đảo Trần là “Trường Sa của biển Bắc” với câu ví đầy tự hào “Cả nước có Trường Sa - Quân khu 3 có đảo Trần”.

Cũng như mọi năm, vào những ngày giáp Tết, các đơn vị quân đội ở đảo Trần đều tổ chức mổ lợn, gói bánh chưng, không khí hết sức náo nhiệt.

Thông thường, đơn vị chuẩn bị cành đào và mâm ngũ quả từ rất sớm, bởi những ngày này hàng năm đều có các đoàn từ đất liền ra thăm và chúc Tết. Bánh chưng thường được gói vào ngày 25, 26 Tết.

Ngay từ sớm, các đơn vị đã xây dựng và quán triệt kế hoạch đến 100% cán bộ chiến sĩ, trong đó tổ chức duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, phân công cắt cử các tổ đội công tác xuống địa bàn nắm tình hình, kết hợp chúc Tết bà con.

Bên cạnh đó, các lực lượng vũ trang trên đảo lên kế hoạch phối hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh chính trị trật tự trên địa bàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán, để bà con đón một cái Tết yên vui.

Theo Hoàng Dương (TPO)

Có thể bạn quan tâm