An toàn lưới điện cần sự chung tay của cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đảm bảo an toàn điện luôn được Công ty Điện lực Gia Lai coi là trách nhiệm của đơn vị đối với cộng đồng. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cần có sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cũng như đông đảo người dân.
Những năm qua, rất nhiều nhà ở, công trình của người dân trên địa bàn huyện Chư Sê được xây dựng trong hành lang bảo vệ lưới điện cao áp, bất chấp nguy hiểm về tính mạng con người cũng như tài sản. Riêng 9 tháng năm 2018, trên địa bàn huyện có 22 trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, trong đó 8 trường hợp là nhà ở, 13 trường hợp do công trình xây dựng đường và cáp viễn thông, 1 trường hợp cản lối vào thiết bị lưới điện.
  Làm cống tại đường Phan Đình Phùng (TP. Pleiku) nếu không cẩn trọng sẽ dễ gây ảnh hưởng an toàn lưới điện. Ảnh: H.D
Làm cống tại đường Phan Đình Phùng (TP. Pleiku) nếu không cẩn trọng sẽ dễ gây ảnh hưởng an toàn lưới điện. Ảnh: H.D
Ông Ngô Đình Tài-Giám đốc Điện lực Chư Sê-cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm hành lang an toàn lưới điện là do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng của người dân được cấp trùng với hành lang an toàn lưới điện cao áp. “Đặc biệt, trong năm 2017 và 2018, hầu hết các tuyến đường thuộc thị trấn và liên xã đều được cải tạo mở rộng, thi công mương thoát nước ngay trong hành lang lưới điện. Bên cạnh đó, Điện lực Chư Sê quản lý vận hành hơn 316 km đường dây trung áp và 406 trạm biến áp, trong đó phần lớn lưới điện do Sở Xây dựng, UBND huyện, Công ty Cà phê Gia Lai, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trước năm 2000 và bàn giao cho Điện lực quản lý vận hành. Tuy nhiên, phần lớn các công trình trên được cấp đất và giấy phép xây dựng trùng trên phần đất của dân nên qua nhiều năm có nhiều trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp nhưng rất khó xử lý”-ông Tài cho biết thêm.
Điện lực Pleiku đang quản lý vận hành 1.133 km đường dây cao áp và hạ thế. Trong những năm qua, trên địa bàn thành phố cũng có nhiều trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Hầu hết trường hợp là do người dân xây dựng, cơi nới, mở rộng các công trình nhà cửa kiên cố bằng bê tông, lắp đặt pa nô, bảng hiệu vi phạm khoảng cách an toàn với đường dây trung thế đã có. Các hành vi vi phạm này ít nhiều đe dọa an toàn hệ thống đường dây điện.
Để bảo vệ tính mạng con người và tài sản của Nhà nước, Điện lực Chư Sê phối hợp khách hàng, chính quyền địa phương và Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện lập hồ sơ và xử lý tháo gỡ 3 công trình, thay đổi thiết kế 10 vị trí thuộc các công trình xây dựng, báo cáo Công ty Điện lực Gia Lai để lập phương án cải tạo 4 vị trí lưới điện xử lý dứt điểm vi phạm đúng quy định. “Để tránh phát sinh vi phạm mới, đơn vị đã làm việc với UBND huyện về công tác phối hợp thi công cải tạo đường và mương thoát nước; đề nghị Phòng Kinh tế-Hạ tầng khi cấp phép xây dựng lưu ý hành lang bảo vệ lưới điện cao áp. Riêng đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp như phát tờ rơi tuyên truyền, gắn biển cảnh báo, vận động người dân chấp hành các quy định về an toàn điện. Tính đến cuối tháng 10-2018, Điện lực Chư Sê đã xử lý, hỗ trợ người dân khắc phục 100% tồn tại về vi phạm hành lang an toàn điện cao áp”-Giám đốc Điện lực Chư Sê cho biết thêm.
Thời gian qua, Công ty Điện lực Gia Lai đã rà soát hệ thống lưới điện, tu bổ và sửa chữa nâng cấp đường dây, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ an toàn hành lang lưới điện. Nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn từ hệ thống đường dây điện đến công tơ điện của các hộ dân, trong quá trình thi công, Công ty đã chỉ đạo các Điện lực phải luôn đảm bảo cường độ điện trường dưới mức cho phép an toàn cho con người và đường dây trên không theo quy định.
Bên cạnh đó, ngành Điện cũng nỗ lực vận động nhân dân phối hợp tự kiểm tra đường dây, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp; phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ sự nguy hiểm khi các công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Song, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền nhằm giải quyết dứt điểm các vi phạm đã tồn tại từ trước, ngăn chặn và xử lý ngay từ đầu các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Có vậy mới đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình điện cũng như đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của người dân.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm