Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Anh thầy giáo tiểu học có bộ sưu tập gốm sứ xưa nay hiếm có một không hai ở vùng Bảy Núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với niềm đam mê gốm sứ xưa, một thầy giáo vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang đã sưu tầm rất nhiều món đồ vô cùng đặc biệt. Những hiện vật trong bảo tàng cá nhân này không phải đắt về giá trị hay niên đại, mà chúng có kích thước khủng xưa nay hiếm gặp.

Chủ nhân của bảo tàng cá nhân về gốm sứ kích thước khủng độc nhất miền Tây này chính là thầy giáo Trần Văn Nam. Hiện thầy đang công tác tại Trường Tiểu học A (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang).

Hiện tại, trong bảo tàng cá nhân của mình, thầy giáo miền Tây đã sưu tầm và lưu giữ nhiều hiện vật quý. Trong đó, nổi bật phải kể đến như: Đĩa song long tranh châu, đĩa tứ linh cùng đường kính 87cm, nặng 28kg; bình trà cao 64cm; cùng nhiều đĩa có đường kính 51cm...


 

 
Những món đồ cổ kích thước khủng trong bảo tàng cá nhân về gốm sứ của thầy giáo miền Tây. Ảnh: M.A.


Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Nam cho hay, từ đam mê các loại hoa kiểng, việc kết hợp giữa kiểng và chậu gốm đã dần đưa thầy đến với thú chơi gốm xưa.

Đến nay, thầy Nam đã có gần 2 năm bén duyên với nghề tay trái. Ban đầu chỉ vì tò mò muốn tìm hiểu ý nghĩa những họa tiết, hoa văn in trên những món đồ gốm sứ xưa, về sau thầy muốn sở hữu chúng. Niềm đam mê gốm xưa của thầy giáo này cũng theo đó mà hình thành và duy trì cho đến hiện nay.


 

 
Thầy giáo Nam đang bóc một chiếc đĩa gốm có kích thước khủng được cất giữ trong kho. Ảnh: M.A.


Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Nam cho biết: "Việc mua bán cây kiểng của tôi cũng có kết hợp với đồ trang trí, khi tôi thấy những món đồ đẹp thì rất thích. Ban đầu cũng chưa có những món đồ lớn như thế, chủ yếu bán nhỏ lẻ. Sau đó, khi đã tìm hiểu và có một chút kiến thức về gốm thì tôi mới dám thu mua gốm sức có kích thước lớn".

Sau thời gian tìm hiểu về các loại gốm và đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, đến năm 2019, thầy giáo Nam tranh thủ những ngày cuối tuần để tìm tòi sưu tập gốm Biên Hòa từ các nơi. Chỉ trong thời gian ngắn, anh sở hữu bộ gốm Biên Hòa xưa như: Đĩa, bình, đôn vôi... lên đến hàng trăm món.


 

 
Thầy giáo Nam sở hữu những chiếc đĩa gốm sứ có kích thước khủng hiểm gặp. Ảnh: M.A.



Trong bộ sưu tập gốm Biên Hòa của thầy giáo này nổi bật nhất là bộ đĩa: Vinh quy bái tổ, cửu tiên, tích người, bát tiên... cùng có kích thước 51cm; bộ đĩa song long tranh châu và tứ linh có đường kính 87cm, nặng 28kg; bình trà cao 64cm, vòng bụng 140cm... được xem là xưa nay hiếm gặp.

Vừa giới thiệu một chiếc đĩa gốm sứ có đường kính 87cm, trọng lượng khoảng 28kg, thầy giáo Nam cho biết: "Mấy đĩa nhỏ tìm cũng dễ có lẽ vì ngày xưa người ta làm nhiều, còn mấy đĩa lớn thì ít có lẽ vì số lượng sản xuất rất hạn chế. Việc sưu tầm này cũng rất khó nói, chủ yếu mình thấy lạ thì mua tùy theo cảm, nếu gặp người khác thích thì cùng giao lưu, không thì để mình chơi".


 

 
Những chiếc đĩa gốm hiếm hoi có kích thước khủng được thầy giáo Nam gìn giữ. Ảnh: M.A.


Theo thầy giáo Nam, điểm ưu việt tạo nên vẻ đẹp của gốm Biên Hòa chính là yếu tố thủ công. Từ công đoạn nhào đất, tạo hình bằng bàn xoay hoặc in khuôn, đến khắc chìm, tô men, trang trí trên gốm... đều làm thủ công, nên hoa văn rất tinh tế. Tuy không dày dặn về độ tuổi, sắc sảo và cầu kỳ như những loại gốm khác, nhưng gốm Biên Hòa có nét rất riêng, pha lẫn sự giản dị nhưng không kém phần quý phái.  

"Giá trị của một món đồ gốm sứ thường không phụ thuộc vào độ lớn nhỏ. Người chơi gốm sẽ nhìn vào men và độ rạng để xác định giá trị món đồ gốm. Ở thời gian đầu, đối với những đồ gốm lớn, lạ thì tôi không nhận biết được giá trị, nhưng về sau thì nghề dạy nghề, cộng thêm qua nhiều lần trao đổi tham khảo anh em đi trước, mà dần tích lũy kiến thức", thầy Nam bộc bạch.


 

Niềm đam mê với gốm sứ kích thước khủng giúp thầy giáo Nam có thêm nhiều niềm vui. Ảnh: M.A.


 Với thầy giáo Nam, đồ gốm cổ không phải đồ có niên đại trăm năm, ngàn năm mới quý, có những món đồ chỉ 10, 20 năm cũng là đồ quý, bởi nó độc lạ, có những dòng không bao giờ sản xuất ra nữa. Cũng vì lẽ đó, mà chính anh cũng không đặt nặng chuyện được mất. Tất cả những món đồ gốm sứ xưa đến với anh như một cái duyên.

Dù sở hữu những mốn đồ gốm xưa được xem là độc nhất vô nhị, nhưng thầy giáo Nam không giữ cho riêng mình. Với những ai cùng đam mê anh sẵn sàng giao lưu và chia sẻ. Chính điều này đã giúp anh có thêm nhiều niềm vui với đam mê của mình.



https://danviet.vn/anh-thay-giao-tieu-hoc-co-bo-suu-tap-gom-su-xua-nay-hiem-co-mot-khong-hai-o-vung-bay-nui-20201205012616789.htm

Theo CHÚC LY - MAI ANH (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm