(GLO)- Theo một số từ điển, ao, bàu là chỗ trũng như ao vũng, thường ở ngoài đồng hoặc vùng ruộng trũng, vùng ven sông, suối. Đây là địa hình tự nhiên phổ biến của đất nước bên núi, bên biển và nghiêng dần theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Nó cũng phản ánh đặc điểm văn hóa lúa nước, xứ làm nông nghiệp khi dùng nó để tích nước tưới cây trồng. Đôi lần lân la, người viết cảm nhận còn nhiều điều chưa biết nơi những ao, bàu như thế của vùng Tây Sơn Thượng đạo.
Phong phú không chỉ ở số lượng
Hồi tóc còn để chỏm theo anh, theo bạn thả trâu thả bò, sau mỗi trưa mỗi chiều, chúng tôi vẫn thường lùa trâu bò tới các ao, bàu cho chúng uống nước trước khi dong về. Một lần tôi suýt bị chết đuối khi cho bò đến uống nước ở bàu Đá. Bàu ở thôn trên, nơi cánh đồng có nhiều cỏ tốt, trâu bò mau no bụng. Bàu có tên gọi như vậy vì có một hòn đá to nằm bên cạnh và rộng đến cả trăm héc ta Trung bộ, nước sâu xanh biếc. Khi ấy tôi còn quá nhỏ, không biết bơi, trượt chân ngã, uống nước no nê, may sao nhờ bám được đám cỏ tốt mọc ven bờ mà lóp ngóp ngoi được lên. Sau chuyến thả bò “đáng nhớ” ấy, anh em chúng tôi chẳng còn dám bén mảng tới cái bàu đáng sợ đó nữa, chỉ cho bò uống nước ruộng, nước ao trên cánh đồng làng gần nhà.
Sự vật, hiện tượng gì đều không phải tự nhiên mà có. Bàu Đá quê tôi (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) cũng như vô vàn vùng trũng chứa nước sau tên gọi là lịch sử hình thành, vai trò, giá trị… Nói về sự độc đáo, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn (nay là thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) nổi tiếng với một cái bàu cũng có tên gọi là bàu Đá. Bàu rộng chừng 3 sào, trong bàu có nhiều hòn đá to. Bàu có nhiều cá, dân làng hàng năm tập trung về bắt, cảnh tượng rất đông vui. Người dân thường lấy nước trong bàu để nấu ăn, vì nước rất ngọt và mát. Một người tên Hương Lễ thừa hưởng công thức nấu rượu từ thời vua Quang Trung đã dùng nước của bàu để nấu rượu và tạo ra loại rượu đặc trưng thơm ngon không đâu có được. Sau ông truyền nghề cho nhiều người trong vùng và hình thành làng nghề nấu rượu Bàu Đá, tồn tại và nổi tiếng đến bây giờ.
Anh Nguyễn Thành Vinh, cán bộ Hội Nông dân phường An Bình (thị xã An Khê) kiểm tra bàu Cây Sung. Ảnh: T.S |
Từ những chuyến đi có khi chầm chậm, có khi vội vàng, dần dà chúng tôi phát hiện vùng di sản Đông Gia Lai không phải chỉ có những di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng mà còn nhiều ẩn tàng văn hóa chưa khám phá hết, trong đó có ao, bàu, hồ đập, giếng, rộc và nhiều vùng trũng khác.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã An Khê, toàn thị xã có 175 hồ đập được quy hoạch từ những năm 80 của thế kỷ trước. Một con số đáng kinh ngạc! Đây là những nơi cung cấp nguồn nước tưới cho trồng trọt, chăn nuôi và sinh hoạt của con người, nhất là mùa khô hạn. Khi cùng anh Nguyễn Thành Vinh-cán bộ Hội Nông dân phường An Bình (thị xã An Khê) khảo sát vùng rau An Bình, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến phường này có nhiều bàu nhất với gần vài chục cái: bàu Lở, bàu Rộc Bảy, bàu Cây Sung, bàu Kho, bàu Rộc Môn, bàu Cây Gáo, bàu Cây Năm… Không chỉ phong phú về số lượng, tên gọi, khả năng phục vụ nước tưới, những câu chuyện gắn với các bàu nước này cũng thú vị không kém. Và điều quan trọng là đằng sau nó ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa có thể nhiều người còn chưa biết hết.
Ẩn tàng giá trị văn hóa
Anh Phan Duy Tiên-nguyên cán bộ làm công tác văn hóa kỳ cựu ở thị xã này-khi được hỏi về cái tên bàu Đất (phường An Tân) đã cho rằng, sở dĩ có tên như vậy là vì trước đây người dân đào lấy đất để đắp lũy An Khê, lâu dần nơi bị đào sâu biến thành một bàu nước, và cái tên bàu Đất hình thành từ đó. Dấu tích lũy An Khê kiên cố, vững chãi hiện vẫn còn, dẫu thời gian, mưa nắng, bể dâu bào mòn.
Còn với anh Khưu Đại Hiền-nguyên Phó Chủ tịch HĐND thị xã (cũng là cán bộ làm công tác văn hóa một thời gian dài trước khi chuyển sang nhiệm vụ mới) kể về bàu nước có tên là Tượng Đẫm (voi sa lầy) có từ thời Tây Sơn. Bàu nằm ở xã Cửu An, tương truyền nơi đây súc vật thường tìm đến uống nước, nghĩa quân thì lấy nước sinh hoạt. Dẫu nắng hạn cỡ nào, vùng trũng này cũng không bao giờ cạn. Một lần, khi đoàn tượng binh dừng lại uống nước, một thớt voi chẳng may bị sa lầy. Nghĩa quân tìm mọi cách nhưng không sao cứu voi lên được. Việc quân gấp gáp, nghĩa quân đành để voi lại rồi tiếp tục hành quân lên đường. Cái tên Tượng Đẫm phát sinh từ đó.
Bằng di tích hồ nước ông Nhạc. Ảnh: T.S |
Và còn rất nhiều chuyện kể về các ao, bàu, giếng, rộc… những vùng trũng thấp với đầy bất ngờ, thú vị. Theo anh Tiên, có một chỗ trũng rất lạ mà anh từng biết là giếng nước ông Nhạc (Nguyễn Nhạc) ở làng HLang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, một trong cụm 16 di tích lịch sử văn hóa thuộc Tây Sơn Thượng đạo. Giếng nhỏ, nước nông nhưng rất trong và mát, đặc biệt là không bao giờ cạn, mạch phụt lên có ngọn, kiểu như suối nước Mọc ở Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình). Năm 2009, khi khôi phục giếng ông Nhạc, lực lượng thi công dùng máy đào múc mở rộng giếng đã làm mất cả giếng Chăm bên cạnh, từng được khảo sát có nhiều hiện vật Chăm quý giá.
Anh Tiên cũng nhận định, phần lớn các ao, hồ, bàu, đập hiện nay ở vùng Tây Sơn Thượng đạo đều gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, đời sống cư dân khu vực và với phong trào khởi nghĩa Tây Sơn: luyện quân, tập bơi, chơi trò, lấy nước sinh hoạt, trồng tỉa sản xuất... Tuy nhiên, xác thực giá trị từng mặt để vẫn chưa hết khó khăn, lúng túng, đòi hỏi phải có thêm thời gian.
THẤT SƠN