Phóng sự - Ký sự

Áo học trò khét mùi thuốc pháo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong quá trình thâm nhập và điều tra những đường dây buôn bán pháo lậu từ Thái Nguyên, Lạng Sơn qua “trạm trung chuyển” là huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) về đến khu vực Sóc Sơn (Hà Nội) và tỏa đi khắp mọi nơi, chúng tôi như vấp phải cú sốc lớn. Nó đáng giật mình hơn tiếng nổ của pháo đùng mà các đối tượng đốt ì oàng cho chúng tôi xem hàng.

Nó khét lẹt hơn hàng cấm và cả súng mà họ gửi hình qua zalo, gửi “con đường” ứng trả tiền mua súng rồi “nhận lời” cung cấp đủ loại cho chúng tôi. Sốc vì các em đều lầm lạc từ tuổi học trò, không ít cháu hiện giờ vẫn học phổ thông, nhưng hành trình phạm pháp thì… nói ra không ai tin!

 

Tràn ngập các loại pháo được chào bán.
Tràn ngập các loại pháo được chào bán.

Sàn giao dịch pháo lậu của những “binh hùng tướng mạnh... nhí”

Phải nói là lạnh người sau mỗi lần tiếp xúc với các chức danh mà các đối tượng phong cho nhau: “Siêu Boss”. Họ đều trong độ tuổi học sinh. Một “trùm buôn lậu pháo” đang học tại 1 trường Trung học phổ thông với những lời cam kết liều lĩnh mà cũng không kém phần côn đồ, điều này nếu không có băng ghi âm ghi lại, chắc độc giả sẽ nghĩ là chúng tôi bịa ra. Cậu bé nói: “Trừ nội tạng với ma túy em không có (buôn), chứ cái gì (hàng gì) em cũng có”. Trước khi dấn sâu vào các “hợp đồng” mua súng của “bọn nhóc”, chúng tôi tìm cách tiếp cận và mua pháo lậu.

Lời đồn trong giới “chơi bời” về 1 sàn giao dịch “pháo lậu” đen tối ở trên mạng internet râm ran từ lâu, gõ 1 cái, làm vài thủ tục “vượt qua thử thách” của những người quản lý diễn đàn phạm pháp này là chúng tôi có thể theo dõi hoạt động của chúng được. Tuy nhiên, cái khó là làm sao tiếp cận ngoài đời, dựng lại chân dung, tìm ra thủ đoạn tinh xảo của chúng. Họ rất đề phòng, từng cái kết bạn, từng giao dịch, từng địa điểm, với 1 sự ma mãnh khó tin. Hai cuộc gặp chúng tôi mô tả trong bài này, đều mang tính hình sự sâu sắc, như trong tiểu thuyết phim ảnh trinh thám hành động. Có khi ở bãi tha ma, có khi ở 1 khu công trình dang dở bẩn thỉu hoang vắng, có khi ở khu đường ray tàu hỏa trong đêm mịt mùng.

Trong 1 cái thế giới đầy dối trá và lừa lọc của facebook buôn pháo lậu, nhóm PV chúng tôi đã “chọn” 1 cậu bé người Đông Hưng, Thái Bình tên là Vũ Q. để tiếp cận. Bởi qua “vào vai” tìm hiểu, thì thấy Q. được giới buôn pháo lậu nể phục vì Q. tự hào mình là người duy nhất dám để công khai trang facebook cá nhân và địa chỉ của mình khi giao dịch. Dù Q. và bạn bè Q. đều nói thẳng, trong số những “khách hàng” vào vai mua hàng của chúng, có rất nhiều người là cán bộ điều tra, là công an “nằm vùng”. Q. có cái lý to hơn để bao biện cho sự “coi trời bằng vung” của mình, là: “em phải show thông tin cá nhân lên như thế để người ta tin tưởng đã. Một thời gian sau, thì em chuyển qua nick (facebook với tên khác) phụ. Bọn em “tạm an toàn” được vì bọn em có nhiều trò lắm”.

Cậu bé đang ở tuổi học trò ấy cứ ngồi giảng giải cho những tay “gà mờ” như chúng tôi một cách đầy tự tin. Bởi người vào vai giao dịch với Q. rất trẻ tuổi, Q. và đồng bọn chỉ làm việc với những đối tượng dưới 18, dưới 20 tuổi là chủ yếu, vì theo cách hiểu của họ, “trẻ ranh như thế thì không thể là… công an, càng không thể làm nhà báo”.

Các mánh khóe của những cô cậu này dần lộ ra sau quá trình nhập vai của chúng tôi. Mánh khóe đầu tiên là mọi người lập facebook (thường là với tên “ảo”) để buôn bán pháo phải tìm cách tạo được sự tín nhiệm của “anh em” trong giới. Phải bỏ tiền ra “chạy chức chạy quyền” nhằm leo lên “danh phận” cao hơn trong giới, như thế thì khách hàng nhìn vào, bạn hàng nhìn vào mới nể. Nể tức là có uy tín lớn, uy tín tức là tiền bạc và quyền lực. Q. hậm hực kể: “Em mới được bổ nhiệm là admin (quản lý) của group (nhóm, diễn đàn) bán pháo, mất 5 mét tép (giá “chợ đen” khoảng 1 triệu đồng ) đút lót cho thằng admin cũ đấy anh ạ”.

Ai cũng biết pháo là mặt hàng cấm và càng đến dịp giáp Tết, nhu cầu càng cao. Q. và đồng bọn của mình toàn gọi các cơ quan điều tra phá án hoặc nhà báo điều tra đề nghị bắt giữ buôn pháo lậu bằng thuật ngữ “chim xanh”. “Càng gần Tết Nguyên đán, “chim xanh” càng nhiều anh ạ”. Cho nên, để thuận lợi giao dịch, chúng lập ra 1 sàn buôn bán pháo trên facebook. Và trên facebook cũng chỉ có duy nhất 1 sàn buôn bán pháo. Các tay buôn, tay bán từ khắp mọi miền Tổ Quốc đổ về. Muốn vào được sàn đó để giao dịch, phải có ít nhất 2 người là thành viên trong group giới thiệu. Người bán muốn đăng “hàng” lên sàn giao dịch phải video call cho admin chứng minh mình có hàng và “hối lộ” cho admin vài mét (tép). Người mua thì giao dịch với người bán thông qua tài khoản ngân hàng hoặc giao dịch trực tiếp.

Sau quá trình thăm dò nhau, thậm chí, Q. còn kể nhiều câu chuyện “đầu gấu” của nhóm để đe dọa, “đầu mối” của Q. còn nói với chúng tôi là “lấy làm tiếc” vì khi bị bắt đang buôn pháo và buôn súng, bị cơ quan chức năng bắt giữ rất “đau buồn”, “tiếc là hôm đó em không mang theo hàng” (nóng) để “cho nó chết”. Khi chúng tôi tỏ ra sợ sệt, Q. có vẻ tin chúng tôi là người buôn pháo thật sự, chỉ cần lợi nhuận chứ không có âm mưu nào cả. Tiến tới, Q. cho chúng tôi xem những hình ảnh, video hàng chục kiện hàng pháo đủ loại chất đống đầy kho: Pháo ông sư, pháo thăng thiên, pháo bi, pháo hoa…

Q. tiết lộ: Nguồn hàng pháo lấy chủ yếu từ Trung Quốc và từ Lào sang. “Pháo Tàu thì rẻ và nhiều, dễ lấy. Bọn em nhập bên Trung Quốc, ví dụ, 8 nghìn 1 quả pháo trứng, về đến Thái Nguyên luôn bị đội giá lên 25.000 đồng. Đến tay em thì em bán ra 35.000 VNĐ. Còn pháo bên Lào, Campuchia sang chỉ 25.000 đồng 1 quả thôi. Nhưng pháo bên Lào đốt nổ to và chắc nịch thuốc pháo. Hơn pháo của Trung Quốc. Vì hàng Trung Quốc nó nói toạc ra là sản xuất để bán lậu sang Việt Nam, nên nó thường làm hàng đểu. Pháo Lào, họ làm để họ đốt, nên tốt lắm”.

Chúng tôi cò kè thêm bớt giá, rồi gặng hỏi, “có mấy thùng pháo, vận chuyển qua tay em, gì mà giá bị đội lên đắt thế”, Q. tỏ vẻ từng trải: “Anh ơi, pháo là hàng cấm mà anh, vận chuyển từ tít tịt trên biên giới về đến đây đâu có dễ. Chẳng hạn như đường dây của em có mấy người, qua bao nhiêu tầng trung gian ăn tiền, em còn chẳng rõ. Chủ kho em còn chẳng bao giờ giờ gặp mặt. Vừa rồi, bạn anh chủ kho dẫn người lạ đến lấy hàng, bị cơ quan chức năng ập vào bắt gần hết cả 1 đường dây. Em chỉ biết anh chủ kho em lấy hàng là lái xe, anh ta hay qua bên Trung Quốc làm ăn!”.

 

Dẫn phóng viên ra bãi tha ma, ra đường tàu vắng vẻ giữa đêm để giao dịch và thử hàng (đốt pháo).
Dẫn phóng viên ra bãi tha ma, ra đường tàu vắng vẻ giữa đêm để giao dịch và thử hàng (đốt pháo).

“Ma trận”

Quả thật, Q. có cái lý của Q. Đi sâu vào tìm hiểu một số đường dây bán pháo lớn mới thấy thủ đoạn của các đối tượng vô cùng tinh xảo. Các đầu mối “tổng đại lý” nhập pháo từ bên Trung Quốc về chứa trong kho. Các kho luôn được thay đổi vị trí mỗi tháng 1 lần và để ở những nơi bỏ hoang hay các công trình đang thi công dở dang. Hiếm có 1 chủ kho nào dám giữ hàng ở nhà. Chủ kho bán cho các đầu mối theo cung cách vô cùng khép kín và chặt chẽ. Phải qua nhiều cấp trung gian thẩm định, khi đã “thực sự tin tưởng” hoặc có đầu mối lâu năm thân tín lắm “tiến cử” (giới thiệu) thì họ mới dám cho đến giao dịch. Nguyên tắc giao dịch vô cùng tinh vi, họ luôn tính, kể cả đối tượng “lật mặt” rồi công an, quản lý thị trường ập đến bắt giữ tại trận, các mắt xích hoàn toàn có thể vẫn… cũng không việc gì.

Cụ thể như sau: Các đầu mối theo hẹn, mang tiền đến 1 địa điểm bí mật do phía bán chọn. Họ luôn bán ở địa bàn quê quán họ, họ thuộc đường đi nước bước, bãi tha ma thông ra đường tàu để lẩn trốn, nhà nghỉ thì đóng cửa chính tuồn trốn ra cửa phụ bí mật, pháo thì giấu ở bãi rác, mồ mả hay đống phế liệu và lùm cây. Trong 1 lần “nhập vai”, các đối tượng đã hẹn chúng tôi ở 1 bãi tha ma trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Chúng nhận tiền và có 1 người dẫn đến chỗ lấy hàng, tiền nhận trao tay trong tích tắc, người dẫn đi lấy hàng là “xe ôm” chả liên quan gì. Lấy hàng xong vòng vèo theo đường mòn rồi trở về địa điểm ban đầu, sự lắt léo như ma trận. “Người lạ” không thể nào nhớ được “nhà kho tạm” cất giấu pháo đó.

Một đối tượng tự tin: “Dù là kẻ có trí nhớ siêu phàm hay camera ghi lại hành trình cũng khó mà có thể trở lại vị trí kho lần 2. Đấy là chưa kể hôm trước, hôm sau kho đã được di tản sang 1 vị trí khác. Các chủ kho biết mặt đầu mối, còn các đầu mối dù có lấy cả chục triệu tiền hàng cũng không thể biết mặt chủ kho. Cách làm việc của chủ kho rất “khôn ngoan”, khi muốn lấy hàng, chủ kho sẽ “check” đầu mối qua video call (tức là qua nói chuyện trực tiếp với hình ảnh của khách trên màn hình), từ đó, chủ kho sẽ biết danh tính, địa chỉ và số tiền mà người mua đang có.

Sau vài lần như thế, đầu mối sẽ được cấp cho “khách hàng” 1 cái quyền lấy hàng qua xe khách. Chỉ cần báo số lượng và loại pháo, đơn hàng đã xong. Chủ kho sẽ tính tiền. Giao dịch được thực hiện qua ATM hoặc chuyển qua bưu điện (do các đầu mối thường dưới 18 tuổi và một số ngân hàng không cho mở ATM). Chủ kho nhận được tiền sẽ gửi kiện hàng qua xe khách đến tận tay đầu mối.

Q. giới thiệu chúng tôi với 1 học sinh cấp 3 người Bắc Giang và 1 thế giới khét mùi thuốc pháo và lạnh gáy súng ống giang hồ bất ngờ hiện ra.

Tâm Ninh/laodong

Có thể bạn quan tâm