Bạch Mã - non xanh không dành cho xe máy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nguyên là khu nghỉ dưỡng xa hoa- niềm tự hào của giới quý tộc kinh thành Huế trước 1945, ngày nay ai cũng có thể tiếp cận đỉnh Bạch Mã, thưởng thức khí hậu á nhiệt đới giữa miền Trung cùng những cảnh quan thiên nhiên hiếm có. Có điều không phải bằng xe máy. Cách Huế hơn 40km, Bạch Mã là Vườn Quốc gia đầu tiên được công nhận năm 1991.

Quá khứ huy hoàng

 

Cảnh tượng trên đỉnh thác Đỗ Quyên.
Cảnh tượng trên đỉnh thác Đỗ Quyên.

Đi Bạch Mã thì có gì khó nhỉ, nhất là khi chúng tôi xuất phát từ Lăng Cô, cách vườn quốc gia chỉ vài chục cây. Với tinh thần lạc quan như vậy nên tận chiều muộn, chúng tôi mới khởi hành trên chiếc xe máy thuê từ Đà Nẵng. Vừa đi vừa dò đường, độ 8h tối tưởng đã tới nơi. Cổng vườn tối om, barie chắn ngang. Anh gác cổng bệ vệ tuyên bố vườn đóng cửa từ 16h. Và kể cả có mở thì xe máy cũng bị cấm vào vườn từ lâu. Lý do cấm xe máy leo núi xem ra hợp lý. Ngoài vì đường dốc, khá hẹp với những khúc cua gấp - không an toàn cho xe máy, đây còn là biện pháp ngăn chặn hữu hiệu những nhóm bạn trẻ phóng xe lên núi cắm trại bừa bãi, say xỉn… Tan giấc mộng nghỉ trong biệt thự giữa rừng, chúng tôi đành quay lại thị trấn Cầu Hai ngủ tạm.

Một cách phổ biến cho khách lẻ muốn đi chơi Bạch Mã là ghép đoàn: Sáng ra cứ đến cổng vườn ngồi chờ có đoàn khách nào tới thì xin gia nhập. Trong lúc chờ có thể loanh quanh trong phòng trưng bày để xem những thông tin thú vị về thiên nhiên Bạch Mã. Chẳng hạn mở cánh cửa trên thân con hổ bằng gỗ ép, sẽ thấy con cáo, mở tiếp lại thấy con thỏ… Đấy là để trả lời cho câu hỏi con nào ăn gì. Những câu chuyện về rừng cũng được kể lại. Chẳng hạn nơi đây người ta từng cứu được hổ con mắc bẫy, nhưng lại không thể thả nó về rừng đành chuyển ra vườn thú Hà Nội...

Xem hết các thứ thì cũng là lúc hai chiếc xe 14 chỗ của một công ty du lịch vừa tới. Chị nhân viên của vườn xăng xái giúp chúng tôi kết nối lái xe. Một quý bà gốc Việt đưa chồng con từ Anh về thăm quê. Tôi được ghép cùng gia đình họ. Bà kể, bọn trẻ đang tuổi teen nhưng lại thích ở lì trong những khu nghỉ dưỡng tiện nghi. Phải khó khăn lắm mới thuyết phục được chúng đi tour Bạch Mã... Xe còn lại hầu hết là khách nước ngoài.

Lúc mới qua cửa rừng, hướng dẫn viên chỉ tòa lầu trên đỉnh núi phải căng mắt ra mới thấy. Vậy mà đi bộ chỉ chừng nửa tiếng là tới. Vì chặng đường còn lại đã có ô tô giải quyết. Nhiều nhóm bạn trẻ thích đi trọn quãng đường mất độ bốn tiếng rưỡi từ chân lên đỉnh núi.

Xuống xe một cái là biết ngay. Cảm giác như bước vào… tủ lạnh. Nhiệt độ bình quân năm của vườn ở mức 25oC, từ độ cao 1.200m trở lên, chỉ còn 19oC.  Khí hậu trên này không liên quan mấy tới miền gió Lào cát trắng dưới kia. Chả thế mà người Pháp đã bỏ nhiều công sức biến đỉnh Bạch Mã thành chốn ăn chơi tránh nóng. Xa xỉ ở chỗ chốn này chỉ sử dụng được trong 4-5 tháng, vì thời gian còn lại trong năm mưa rất nhiều. Năm 1934, các du khách đầu tiên đã đặt chân đến đỉnh Bạch Mã. Năm 1936 chỉ có 15 ngôi nhà đơn giản hoàn toàn bằng gỗ thì đến 1945 đã có gần 200 công trình bằng gỗ và đá trên đỉnh Bạch Mã. Một phần ba số biệt thự thuộc sở hữu của tầng lớp người Việt giàu có và quan lại. Thị trấn hồi đó có cả một sân vận động nhỏ và công viên có suối chảy qua.

Thác cao nhất Đông Nam Á

 

Một đoạn thác Ngũ Hồ.
Một đoạn thác Ngũ Hồ.

Tất nhiên đi với guide có khác. Nếu anh không chỉ thì chúng tôi không biết trong cái hốc khuất nẻo lại có mẹ sẻ đất đang ấp trứng, bình thản nhìn đám người hiếu kỳ. Cho đến khi bị dí điện thoại vào sát mỏ mới tiến ra trước xù lông kiểu sẵn sàng nghênh chiến. Nhưng chúng tôi đã bỏ đi quan sát một con nhện với cái mạng đường kính hàng mét. Trên đường đi cũng qua cửa địa đạo được xây dựng vào năm 1973 và sử dụng đến khi thống nhất đất nước. Địa đạo dài 140m, cao hơn 1,8m.

Thấy bảo Vọng Hải Đài được đặt trên đỉnh cao nhất (1.450m) của Bạch Mã rồi mà nhìn quanh vẫn thấy có vẻ xa xa có đỉnh cao hơn. Nhìn những dải núi trập trùng phủ kín màu xanh thật thích mắt. Một việc mà chắc ai cũng làm khi đến đây là leo lên mái bê-tông phủ ngói của tòa lầu bát giác để ngắm cảnh dù gió rất lộng, thổi bay mũ như chơi. Hóng gió đã đời thì chui xuống dưới cà phê, trà nóng. Nơi này đã từng được biến thành một ngôi chùa nhưng trước khi vườn Bạch Mã đón khách trở lại vào 2013, Bộ chủ quản đã yêu cầu sư trụ trì dọn đi.

Việc đầu tiên trước khi vào hành trình xuyên rừng, là thay đồ gì có thể nhúng nước được. Chặng đường tiếp theo tên Ngũ Hồ. Nhưng không phải cứ thế đi từ hồ này sang hồ khác mà thực tế là men theo dòng suối. Suối chảy theo khe núi hình thành những ngọn thác cùng những bể bơi tạm gọi là hồ.

Trong đoàn có cô bé từng bị gẫy chân, rất sợ trèo leo. Nhưng bà mẹ vẫn thuyết phục cô theo đoàn. Đi được một chốc thì bà có vẻ cũng hơi hoảng. Đường hẹp men theo những vách đá rêu trơn hoàn toàn không dễ đi. May có anh hướng dẫn viên nhiệt tình dìu cô bé từng bước. Cho dù có dây cáp để bám nhưng cũng không ít cú ngã oành oạch xảy ra vì trơn trượt. Điều đó rồi cũng xảy đến với tôi nhằm khi băng qua suối, tất giày ướt nhẹp. Với tôi, độ khó (tất nhiên vẫn ở mức chịu được) lại làm tăng sức hấp dẫn của đường đi. Tôi nhớ cậu hướng dẫn viên nói, du khách nhỏ nhất từng vượt qua chặng đường này mới 4 tuổi, lớn nhất 75.

Cả đoàn dừng lại ở hồ số 4 để bơi, ăn trưa và nghỉ ngơi. Hầu hết mang giày tất ra phơi. Trong khi mọi người giở hộp cơm được công ty du lịch trang bị ra ăn thì tôi may có mấy cái kẹo mè xửng đem theo. Để có cái nhai cho giống người ta chứ thực ra cũng chẳng đói. Có khi hít thở không khí nguyên sinh của rừng núi mà no cũng nên. Nước hồ cực lạnh tôi chỉ dám mon men ngâm mình để... chụp ảnh. Trong khi mấy cậu guide thi nhau nhảy cắm đầu từ trên thác xuống. Hồ tuy nhỏ nhưng sâu tới 15m.

Quãng đường từ Ngũ Hồ đến thác Đỗ Quyên chỉ đơn thuần là băng qua rừng, dễ đi đồng nghĩa với cảnh vật không quá đặc sắc, lại nhiều ngã ba không cẩn thận lạc như chơi, nếu không có guide. Nhưng điểm cuối là đỉnh của con thác 300m- cao nhất Đông Nam Á thì không phải giỡn. Khung cảnh mở ra cứ gọi là ngút mắt. Du khách cũng có thể chinh phục thác từ dưới lên, nếu kiên nhẫn đếm đủ 689 bậc đá.

 

Bắt gặp sẻ đất ấp trứng dọc đường lên Vọng Hải Đài.
Bắt gặp sẻ đất ấp trứng dọc đường lên Vọng Hải Đài.

Đỗ Quyên cũng chảy trên đá nhưng giữa thanh thiên bạch nhật nên không có rêu bám. Giữa những kẽ đá đó mọc rất nhiều cây đỗ quyên- đến mùa hoa nở nữa thì đẹp phải biết. Ngồi chênh vênh trên đỉnh thác, dưới chân bọt nước tung trắng xóa. Ngắm nắng vàng rực rỡ trên lớp lớp sườn núi bát ngát xanh. Khó khăn lắm đoàn khách mới dứt khỏi khung cảnh có phần hoang đường này để quay về.

Những hành trình khác

Trên đây là một lịch trình Bạch Mã ngắn (chỉ hết tầm 7 tiếng) và phổ biến nhất. Còn nhiều tuyến đường với những cái tên đầy khêu gợi khác như Trĩ Sao, đích là thác cùng tên. Hay Rừng Chò Đen dẫn tới khu rừng với những cây chò cổ thụ cao tới 30m, đường kính gốc 1m… Du khách cũng có thể thuê thuyền du lịch đi trên hồ Truồi đến thiền viện Trúc lâm Bạch Mã và lưu lại đây để tìm hiểu về Phật pháp và hành thiền.

Quanh thiền viện có các thắng cảnh Vũng Thùng, Ba Trại, Hợp Hai... được tạo thành từ các dòng suối đổ xuống từ trên đỉnh núi. Trong phạm vi vườn Quốc gia còn có những Đá Dựng, thác Bạc, thác Mơ, thác Kazan…Ngoài 3 tòa biệt thự đón khách lưu trú, du khách đến Bạch Mã cũng có thể trải nghiệm hình thức homestay tại khu nhà vườn Khe Su- một ngôi làng ven rừng cách cổng vườn 2km.

Tuyến đường từ Lăng Cô tới Bạch Mã không chỉ đẹp thơ mộng mà còn thơm. Hàng loạt lò chưng cất dầu tràm thủ công nổi lửa ngay bên đường. Bạn có thể yên tâm mua dầu trong vắt tận tay người sản xuất. Dầu tràm có nhiều công dụng: trị muỗi đốt, phòng chống cảm mạo, giảm nhức mỏi cơ… rất phù hợp cho các chuyến du lịch dã ngoại. Nhưng muốn đem dầu tràm lên máy bay, bạn cần liên hệ trước với hãng hàng không. Vì một số hãng nhận chở nhiều loại tinh dầu nhưng tràm thì không. Có lẽ vì tỷ trọng dầu tràm giống dầu hỏa, có thể dẫn đến nhầm lẫn chăng.

Nguyễn Mạnh Hà/tienphong

Có thể bạn quan tâm