(GLO)- Sau khi lệnh tổng kiểm tra tải trọng xe ô tô được triển khai trên toàn quốc (từ ngày 1-4-2014) thì giá cước vận tải tăng lên đột biến. Tại Gia Lai-nơi phương tiện vận chuyển chủ yếu là đường bộ thì giá cước càng tăng lên chóng mặt, có loại hàng hóa cước vận chuyển tăng lên gấp 2-3 lần so với giá cước trước đây.
Ảnh: Lê Lan |
Theo ông Trần Đình Kha-Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải Pleiku thì giá cước vận tải hiện đã tăng lên đồng loạt, bình quân 1.400.000 đồng đến 1.500.000 đồng/tấn. Tùy mặt hàng mà giá cước tăng lên tương ứng, hàng càng nặng thì cước tăng càng cao. Chẳng hạn giá cước chở cà phê từ Gia Lai đi TP. Hồ Chí Minh, trước khoảng 650.000 đồng/tấn thì nay tăng lên 1.400.000 đồng/tấn, tỷ lệ tăng hơn gấp đôi. Ngược lại mặt hàng chè (trọng lượng hàng hóa nhẹ-P.V) chỉ tăng khoảng 300.000 đồng/tấn (từ 1.100.000 đồng/tấn lên 1.400.000 đồng/tấn).
Giá cước vận chuyển tăng khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng, nhất là những doanh nghiệp kinh doanh đã ký hợp đồng từ trước. “Giá cước vận chuyển phân bón từ TP. Hồ Chí Minh về Gia Lai trước 1-4-2014 khoảng 500.000 đồng/tấn vậy mà mấy ngày nay giá tăng lên chóng mặt, mới đầu là 700.000 đồng/tấn rồi 1.500.000 đồng/tấn và nay thì lên tới 1.800.000 đồng/tấn. Hợp đồng đã ký rồi không chuyển hàng không được mà chuyển thì doanh nghiệp sẽ bị lỗ vì phải bù cước”-anh Nguyễn Đức Thành-chủ một doanh nghiệp kinh doanh phân bón ở Gia Lai cho biết.
Tương tự, mặt hàng vật liệu xây dựng cũng là một trong những mặt hàng chịu giá cước tăng cao. Chị Quỳnh-Chủ tiệm vật liệu xây dựng Quỳnh trên đường Lê Thánh Tôn (TP. Pleiku) cho biết: Giá cước vận chuyển xi măng, sắt, gạch, cát… đều tăng. Trong đó, sắt chịu mức tăng cao nhất từ 450.000 đồng đến 480.000 đồng/tấn đã tăng lên 800.000 đồng/tấn (tuyến từ TP. Hồ Chí Minh về Gia Lai); cước vận chuyển xi măng tuyến Quy Nhơn-Gia Lai cũng tăng từ 260.000 đồng/tấn lên 280.000 đồng/tấn…
Cước vận chuyển tăng cao bất ngờ khiến việc thỏa thuận giá cước giữa nhà xe và chủ hàng cũng gặp khó khăn hơn. Các chủ hàng e ngại việc nhập hàng về, bởi những mặt hàng đã ký hợp đồng thì lỗ chi phí vận chuyển còn những mặt hàng mới thì sợ khó bán vì cước tăng đương nhiên giá bán cũng sẽ cao hơn. Còn nhà xe thì không dám chở vì cước thấp thì thu không đủ chi, mà chấp nhận chở quá tải thì sợ phạt, vì thế “nằm chờ”-là tâm lý của nhiều nhà xe. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hàng hóa bị dồn ứ hoặc khan hiếm tùy từng địa phương. Điều này khiến cả chủ xe lẫn chủ hàng lo lắng. “Nếu tiếp tục tình hình này thì khả năng không có hàng để bán do khâu trung chuyển là có thể xảy ra”-chị Quỳnh cho biết. Trong khi đó các đơn vị vận tải lại sợ lỗ chi phí: “Nếu không chạy xe thì anh em xã viên sẽ không có tiền trang trải như trả nợ ngân hàng, trả lương nhân viên, chi phí bến bãi, thuế…”-ông Trần Đình Kha lo lắng.
Dù việc thỏa thuận giá cước giữa chủ xe và chủ hàng có đạt đi chăng nữa thì việc ứ hàng hoặc khan hiếm hàng vẫn có thể xảy ra do lượng xe thì đã ổn định, nếu chở đủ tải thì lượng hàng chỉ được 1/3-1/2 so với trước đây trong cùng một thời gian. Trong khi đó, Gia Lai là tỉnh có nền nông nghiệp phát triển, với sản lượng nông sản lớn được vận chuyển đi hàng năm như cà phê, cao su, mía, mì… nếu không có giải pháp phù hợp thì việc ứ hàng dễ xảy ra. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân.
Lê Lan