Chợ đêm Pleiku (Gia Lai) hình thành cùng với quá trình đô thị hóa của thành phố trẻ cao nguyên. Không có lịch sử hàng trăm tuổi như chợ quê ở các tỉnh đồng bằng, cũng không khai thác du lịch như chợ tình, chợ âm dương ở vùng núi cao Tây Bắc, nhưng chợ đêm Pleiku lại có sự độc đáo riêng.
Chợ đêm vốn là một chợ tự phát nằm trên đường Trần Phú, đoạn trước cổng Trung tâm Thương mại (TTTM) TP. Pleiku ngày nay, bán những sản phẩm nông nghiệp do người dân ở một số làng của thành phố mang tới. Năm 1996, cùng với sự hình thành của TTTM, chợ dời về nhóm họp trên trục đường Nguyễn Thiện Thuật và một phần đường Hoàng Văn Thụ. Dần thoát khỏi ý nghĩa là chợ “gia vị” cho TTTM, chợ đêm xuất hiện những chủ “vựa” lớn, kinh doanh sầm uất, trở thành chợ đầu mối thực phẩm quan trọng, lớn nhất tỉnh.
Đầu mối sản vật
Nhiều cư dân sống quanh khu vực chợ đêm kể rằng, khi chợ mới hình thành tại khu vực này, tiếng xe cộ, tiếng ngả giá cùng đủ âm thanh tạo ra sự huyên náo gây cho họ không ít phiền toái, nhất là khi giấc ngủ vừa sâu đã bị đánh thức bởi hợp âm của phiên chợ vừa đông. Thế nhưng, đã 15 năm trôi qua, thanh âm ấy trở thành thói quen cho không ít người, báo hiệu một thời khắc nào đó trong ngày.
Chợ đêm Pleiku. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Khi thành phố chìm sâu vào giấc ngủ thì trên khắp các ngả đường, những chuyến xe chở rau, củ, quả nối nhau “tập kết” về chợ đêm, tạo nên cảnh mua bán vô cùng tấp nập. Người ta huy động mọi loại phương tiện có thể để đưa hàng hóa đến chợ đầu mối từ xe tải nhỏ, xe ba gác, xe máy, cho đến xe đạp của những hộ trồng nhỏ lẻ.
Là chợ đầu mối nên tại đây nông sản rất phong phú, từ các loại rau, củ, trái cây, các loại gia vị hành, chanh, tỏi, ớt, gừng… đến hải sản tươi sống và các loại thịt gia súc, gia cầm. Ngoài nông sản trong vùng, còn có các loại trái cây nhập về từ các tỉnh miền Tây Nam bộ; một vài loại rau, củ nhập từ Lâm Đồng hoặc Bình Định…
Song, độc đáo nhất ở chợ đêm chính là nơi hội tụ đầy đủ “sản vật” của vùng cao nguyên Pleiku. Người ta nói rằng, không nơi nào trồng húng quế, cần tây, mùi tàu… ngon như vùng đất An Phú; cũng không nơi nào có thể trồng được loại củ cải vừa to, trắng nõn nà và ngọt như vùng đất Ia Kring (TP. Pleiku). Vùng Biển Hồ, Yên Thế (TP. Pleiku), Ia Sao (huyện Ia Grai) lại tự hào bởi sản xuất loại xà lách cuộn chắc, tròn như chiếc cải bắp con và dòn, ngọt không gì sánh bằng. Khoai lang ngon nức tiếng phải kể đến vùng Lệ Cần, Hà Bầu (huyện Đak Đoa). Nhất là khoai Lệ Cần nổi tiếng gần xa từ bao đời nay; bí đỏ nổi tiếng nhất là vùng huyện Đak Pơ, Kông Chro... Chưa kể mùa nào thức ấy, người bản địa có các sản phẩm nông nghiệp do họ làm ra cũng khiến nhiều người mê mẩn.
Nhiều người dân vẫn tự hào về chợ đầu mối này. Hàng hóa ở đây không chỉ tươi, ngon mà giá cả rất phù hợp. Nhiều bà nội trợ bắt đầu chịu khó dậy sớm đi chợ đêm như một giải pháp cải thiện bữa ăn gia đình trong cơn “bão giá” hiện nay. Một số khác đi chợ đêm như một cái thú để mãn nhãn khi ngắm nhìn cảnh người bán mua giữa những đống rau, củ tràn ngập sắc màu.
Chợ trong quá trình đô thị hóa
Khoai Lệ Cần tại chợ đêm- một trong những sản vật của Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Có thể nói, không đâu phản ánh đặc trưng văn hóa vùng và đời sống kinh tế của người dân rõ ràng hơn là hình ảnh những khu chợ. So với 80 năm tuổi của đô thị trẻ Pleiku, chợ đêm chỉ mới hình thành hơn một thập kỷ. Nhưng đây là minh chứng rõ ràng nhất, là sản phẩm của sự phát triển vượt bậc trong quá trình đô thị hóa của thành phố. Định hình chức năng của một chợ đầu mối về thực phẩm quan trọng của tỉnh, song về lâu dài, nếu chợ đêm trở thành đầu mối cung cấp rau sạch thì ý nghĩa, tầm vóc của chợ đêm sẽ còn vươn xa…
Khí trời cao nguyên cận Tết Nguyên đán càng buốt giá. Lang thang ở chợ đêm Pleiku, chúng tôi mới tận thấy những cảnh đời của nhiều người buôn bán từ chợ đêm. Chính chợ này là cơ hội để họ mưu sinh, để họ đổi đời…
Hoàng Ngọc