Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, tôi may mắn có mặt trong đoàn Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai vượt sóng gió biển khơi trở lại thăm Côn Đảo, nơi mà trong suốt 113 năm (1862-1975), thực dân Pháp và chính quyền Mỹ-ngụy đã dựng nên một hệ thống nhà tù được ví như “địa ngục trần gian” để giam cầm, đày đọa hàng trăm ngàn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước.
Trước giờ khởi hành từ Pleiku đi Vũng Tàu để từ đó đáp thuyền đi Côn Đảo, nhìn những cựu tù chính trị đa phần đã sáu mươi, bảy mươi tuổi, đồng nghiệp Nhật Thành ở Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh cùng đi với đoàn đã không khỏi ái ngại: “Đường xa thế này chẳng biết các cụ có chịu nổi không nữa?”. Sự lo lắng ấy cuối cùng hóa ra là thừa thãi. Bởi sau hơn nửa ngày đường, khi đặt chân xuống Vũng Tàu, trong lúc sự mỏi mệt đã hiển hiện trên khuôn mặt chúng tôi thì các bác cựu tù vẫn cười tươi như hoa. Dường như ở tuổi họ bây giờ, những chuyến đi xa thế này giống như một liều “đô-ping tinh thần” đủ để xua đi gánh nặng tuổi tác.
Lãnh đạo huyện Côn Đảo tiếp đoàn Cựu tù chính trị yêu nước Gia Lai. Ảnh: Tiến Dũng |
5 giờ chiều, tàu rúc lên những hồi còi rồi chầm chậm rẽ sóng ra khơi. Ban đầu, sóng còn nhỏ, tàu chỉ khe khẽ chao. Nhưng càng ra xa, gió thổi càng mạnh, sóng càng lớn, tàu càng rung lắc, đến nỗi nằm trong buồng tàu mà cứ ngỡ như đang đung đưa trên võng. Dù đã được nghe kể nhiều lần về chuyện say sóng nhưng có trực tiếp lênh đênh trên biển mới hiểu được hết nỗi khiếp sợ này. Chỉ chưa đầy một giờ tàu chạy, rất nhiều người đã xây xẩm mặt mày vì sóng biển, gập mình ói ra mật xanh, mật vàng rồi nằm bẹp dí trên giường.
Để không bỏ lỡ những trải nghiệm trong lần đầu đi biển, tôi và Nhật Thành loay hoay vác máy chui từ buồng lên boong tàu. Thật ngạc nhiên là trên này vẫn có khá nhiều người, trong đó có cả những cựu tù Côn Đảo trong đoàn Gia Lai đang trầm lặng ngắm biển. Nhìn những con sóng bạc đầu nối đuôi nhau đùa giỡn bên mạn tàu, ký ức hãi hùng về chuyến tàu lưu đày ra Côn Đảo ngày nào dường như bỗng ùa về trong tâm trí họ.
Tàu Côn Đảo 10 cập cảng Bến Đầm. Ảnh: Tiến Dũng |
Những gì mà ông Vũ Thanh Tân đã trải qua trên tàu ngày ấy cũng là nỗi ám ảnh của tất cả các cựu tù Côn Đảo. Theo ông Trần Chín (hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai), năm 1972, khi ông bị chuyển từ Trại Chí Hòa ra Côn Đảo, bọn địch đã dùng còng sắt còng chân tất cả gần 2 ngàn người tù. Còn bà Lâm Thị Cam (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) thì kể rằng, trong chuyến lưu đày ra Côn Đảo năm 1971, bà và những bạn tù đã bị địch trói và bịt mắt trên suốt hành trình…
Trở lại buồng tàu, câu chuyện về những chuyến tàu chở tù nhân chính trị ra Côn Đảo gieo vào lòng tôi một nỗi thương cảm khôn nguôi. Đến 5 giờ sáng hôm sau, đang chập chờn ngủ, tôi bỗng nhiên bị đánh thức bởi những tiếng reo: “Côn Đảo! Côn Đảo” vọng xuống từ phía boong tàu. Vội vàng tung tấm chăn mỏng chạy lên, qua làn sương phủ mờ trên mặt biển đã thấy Côn Đảo sừng sững hiện ra phía trước. Ít phút sau, khi tàu cập cảng Bến Đầm, đặt chân xuống đất Côn Đảo, các cựu tù Côn Đảo trong đoàn đều rưng rưng xúc động. Còn với riêng tôi, một câu hỏi bỗng vụt hiện trong đầu: Hòn đảo đẹp như một thiên đường này mà giặc lại có thể biến nó thành “địa ngục trần gian”?
Tiến Dũng