Phóng sự - Ký sự

Bài 1: Phòng- chống cháy nổ: Quá nhiều thiếu sót

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bất chấp những cảnh báo của cơ quan chức năng, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) dường như chưa bao giờ được Ban Quản lý Trung tâm Thương mại (TTTM) Pleiku, Gia Lai quan tâm đúng mức. Vì thế, theo Thượng tá Đàm Văn Quang-   Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh: Nguy cơ cháy TTTM vẫn luôn thường trực.
Những điều trông thấy...
Theo thiết kế ban đầu, TTTM Pleiku có quy mô 628 sạp hàng, ki-ốt. Nhưng qua kiểm tra của Phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh cách đây hơn 3 tháng, số sạp, ki-ốt tại đây đã lên tới xấp xỉ 1.000, vượt xa con số cho phép. Sự quá tải này khiến khung cảnh TTTM trở nên hết sức hỗn độn, bát nháo. Trên hầu khắp các lối đi, người ta tự ý (hoặc được phép của Ban Quản lý) bày bán vô thiên lủng các loại hàng hóa, từ rau quả, thịt cá đến xô chậu, bàn ghế nhựa và thậm chí cả các loại đồ ăn ngay như bún phở, chè… Và để bảo vệ cho hàng hóa và cả người khỏi mưa nắng, các chủ hàng đã vô tư cơi nới, che chắn bằng đủ các loại dù, bạt nhếch nhác.
Thùng rác chắn hết lối đi ngay cổng chợ đường Trần Phú. Ảnh: T.D
Thùng rác chắn hết lối đi ngay cổng chợ đường Trần Phú. Ảnh: T.D
Ở các quầy hàng trong khu nhà lều và nhà lồng, việc cơi nới, bày hàng tràn ra lối đi cũng khá phổ biến. Còn tại khu vực cổng chợ trên đường Duy Tân và đường Nguyễn Thiện Thuật, tình trạng ách tắc do bày bán hàng hóa và đậu đỗ xe máy còn xảy ra nặng nề hơn. Điều này không chỉ ảnh hướng đến mỹ quan và trật tự trong TTTM mà còn là một cản trở lớn với việc cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chữa cháy trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.
Bên cạnh việc quy hoạch, sắp xếp các gian hàng, ngành hàng thiếu hợp lý, tại TTTM hiện nay, việc sử dụng củi lửa và các thiết bị điện vẫn còn khá tùy tiện. Trong khu nhà lều hướng cổng chợ đường Trần Phú, những hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn thoải mái đun nấu dù ngay gần đó là những sạp hàng kinh doanh đồ khô. Ở nhiều quầy hàng buôn bán các mặt hàng dễ cháy như vải vóc, áo quần, việc sử dụng điện theo quy định phòng cháy chữa cháy còn khá bừa bãi. Nhiều hộ để hàng hóa quá gần hoặc để chồng lên các thiết bị điện mà không hề e sợ. Trong khi đây lại là nguyên nhân dẫn đến phần lớn những vụ cháy chợ trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua.
Một thiếu sót nữa không thể không nhắc đến ở TTTM Pleiku là việc bảo quản, sử dụng các trang-   thiết bị PCCC còn chưa được quan tâm đúng mức. Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC, phần lớn trong số 236 bình chữa cháy xách tay ở TTTM đã cũ và cần phải nhanh chóng thay thế. Đã vậy, hiện nay, rất nhiều bình lại bị mất loa gắn ở vòi dẫn, làm giảm hiệu quả khi cần sử dụng. Nhiều thùng đựng bình chữa cháy còn bỏ ở những vị trí khuất hoặc bị hàng hóa của những hộ kinh doanh che khuất. Cá biệt, tại cầu thang bên trái khu nhà vòm, tủ đựng bình chữa cháy bị một ai đó đã chẹn ngay một tấm bàn gỗ phía trước. Ngoài ra, qua các lần kiểm tra ở TTTM Pleiku, Phòng Cảnh sát PCCC còn phát hiện nhiều thiếu sót như: Ban Quản lý và các hộ kinh doanh không mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định; khu vực bể nước và máy bơm chữa cháy vẫn còn bố trí các quầy hàng kinh doanh, thậm chí để hàng hóa đè lên; việc thắp nhang, đốt vàng mã vẫn xảy ra không ít…
Nguy cơ cháy nổ hiển hiện
Những thiếu sót kể trên, sau mỗi lần kiểm tra mà gần nhất là lần kiểm tra cuối tháng 3-2010, Phòng Cảnh sát PCCC đều đã nhắc nhở Ban Quản lý TTTM hoặc kiến nghị UBND TP. Pleiku để khắc phục. Tuy nhiên, dường như những ý kiến ấy đã không được Ban Quản lý TTTM quan tâm đúng mức nên nhiều thiếu sót về PCCC vẫn đang tồn tại.
Tủ đựng bình chữa cháy bị một chiếc bàn chắn ngang phía trước. Ảnh: T.D
Tủ đựng bình chữa cháy bị một chiếc bàn chắn ngang phía trước. Ảnh: T.D
Trả lời chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Văn Tư- Trưởng ban Quản lý TTTM cho biết: Ban Quản lý đã nhiều lần cải tạo hệ thống điện và hiện đã lắp aptomat tự động cho các quầy hàng. Từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng, thời điểm TTTM dừng hoạt động, toàn bộ hệ thống điện kinh doanh ở các quầy hàng sẽ bị cắt, chỉ còn hệ thống điện bảo vệ là thắp sáng nên đảm bảo sẽ không xảy ra cháy ban đêm. Còn việc các hộ kinh doanh để bóng điện gần hàng hóa là bất khả kháng vì diện tích quầy hàng quá nhỏ. Nếu để bóng điện cách xa hàng hóa 50 cm như quy định thì sẽ mất nhiều diện tích kinh doanh. Về tình trạng TTTM quá tải, ông Tư cho rằng, đây là do sức ép của việc tăng trưởng kinh tế. Ban Quản lý đã nhiều lần đề nghị với UBND TP. Pleiku giải quyết nhưng không được. Riêng bảo hiểm cháy nổ, mới đây Ban Quản lý đã mua, còn các hộ kinh doanh thì chưa mua vì họ chỉ muốn mua một tháng một hoặc một quý trong khi công ty bảo hiểm lại chỉ bán theo năm.
Đánh giá về nguy cơ cháy nổ ở TTTM và khả năng của Ban Quản lý khi xảy ra cháy nổ, ông Trần Văn Tư tự tin cho biết: “TTTM vẫn đang ở mức độ an toàn về cháy. Còn nếu xảy ra cháy, đội chữa cháy tại chỗ đủ sức dập tắt ngay từ ban đầu”.
Chẳng biết ông Trần Văn Tư có lạc quan quá đáng không nhưng Thượng tá Đàm Văn Quang- Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC thì cho rằng: Nguy cơ cháy TTTM Pleiku là thường trực. Trong trường hợp xảy ra cháy, việc tiếp cận và chữa cháy của lực lượng chức năng sẽ rất khó khăn, nhất là vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều.
Thực tế, với những gì chúng tôi quan sát được, cộng với kết quả kiểm tra và đánh giá của Phòng Cảnh sát PCCC, rõ ràng nguy cơ cháy ở TTTM Pleiku là không thể xem thường, chủ quan. Bởi lẽ, chính sự chủ quan của những người quản lý đã dẫn đến hàng loạt vụ cháy chợ lớn nhỏ ở các chợ: Chư Sê, An Khê, Phú Thiện, Nhơn Hòa, Chư Á (TP. Pleiku), Phú Túc từ năm 2001 đến nay, trong đó vụ cháy chợ tạm Phú Túc (huyện Krông Pa) hồi tháng 3 năm nay gây thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Chẳng ai dám khẳng định, điều tương tự sẽ không xảy ra với TTTM Pleiku. 
Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm