Đã hết rồi cái thời khi nghe đến Ayun (Chư Sê, Gia Lai) ai cũng nghĩ nơi đó là ốc đảo, là khó khăn trăm bề cho dù chỉ cách thị trấn Chư Sê, trung tâm huyện chưa đầy 20 cây số. Con đường đến xã mù bụi khi mùa khô đến và lầy lội khi mùa mưa về đã lùi vào dĩ vãng. Xuất phát từ trụ sở Huyện ủy bằng ô tô, chưa đầy nửa giờ đồng hồ chúng tôi đã có mặt ở thung lũng thượng nguồn Ayun…
Cách trung tâm xã chừng vài trăm mét, chúng tôi đã bắt gặp không khí của ngày hội. Cờ, băng rôn khẩu hiệu với những dòng cổ động đã gợi nhớ về quá khứ một thời. Những chiếc loa phóng thanh cỡ lớn từ sân khấu, nơi sẽ diễn ra long trọng lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phát ra những bài ca của thời ra trận.
Tiết mục văn nghệ của học sinh Ayun trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Bích Hà |
Con đập của công trình thủy nông lớn nhất Tây Nguyên đã chặn dòng Ayun lại, tạo ra hồ chứa với mặt nước trên 3.700 ha. Công trình đã tưới cho vùng hạ lưu với những cánh đồng bát ngát mênh mông đến trên 12.500 ha, tạo nên một đồng bằng trên cao nguyên, một vựa lúa chất và lượng vào hàng nhất nhì trong khu vực.
Xuất phát từ quan điểm hy sinh “cái thiểu số” để cho cái lớn hơn phát triển mà cả mấy ngàn ha ruộng vườn cây trái, buôn làng của Ayun phải chịu chìm trong nước, để rồi cả mấy ngàn người phải dời làng lên núi. Chẳng ai biết tự khi nào, một cộng đồng hai dân tộc anh em Jrai và Bahnar đã chung sức đồng lòng khai thiên lập địa, tạo ra bao buôn làng, lập nên những cộng đồng cấu kết vững chắc, biết sẻ chia gian khổ, biết chung tay xây dựng và chống chọi với giặc giã, thú hoang để bảo vệ mình, để sinh tồn và phát triển.
Từ khi có Đảng, người và đất Ayun như có phép thần tiếp sức, chỉ với cung nỏ, hầm chông, cạm bẫy cùng với ý chí quyết giữ gìn quê hương mà người người lớp lớp đứng lên theo cách mạng, góp công, góp của, góp người để đánh giặc giải phóng quê hương. Phong trào cách mạng càng lớn mạnh, những trận đánh của du kích Ayun cũng ngày một lớn hơn. Bao chàng trai cô gái Bahnar, Jrai đã làm nên những chiến công, những trận đánh làm cho kẻ thù phải nể sợ cho dù chúng có đầy đủ trang bị của lính chính quy từ phía chủ thầy Mỹ. Đó là những trận chống càn, những lần tập kích công đồn, phá ấp chiến lược giành dân, giữ vững vùng giải phóng, bảo vệ hành lang giao liên, tiếp lương, tải đạn ra chiến trường… Hàng trăm tên Mỹ-ngụy đã bị nhân dân và du kích Ayun tiêu diệt, làm bị thương và bỏ hàng ngũ giặc trở về với dân làng.
Người dân Ayun vẫn còn nhớ rõ những trận phục kích trên đường 14, đường 7, đồn bốt dọc theo hai quốc lộ qua Chư Sê, các ấp chiến lược, khu dồn… trên địa bàn Ayun và vùng lân cận cho đến ngày nay khi nhắc đến những cựu du kích và người dân Ayun còn nhớ như chỉ mới diễn ra đây. Trong những lần đến Ayun, vào những đêm sau ché rượu cần là những câu chuyện như huyền thoại trên nguồn của dòng Ayun của một thời chưa cũ ấy lại là những chủ đề không thể thiếu của một thế hệ người Ayun mà tôi đã bao lần chứng kiến, sẻ chia.
Cũng như nhiều vùng nhiều nơi vốn là căn cứ địa, là chiến trận của một thời chiến tranh khốc liệt mà tôi đã đi qua, đã biết đến trên vùng đất Gia Lai này, bây giờ là những vùng còn nhiều khó khăn, bất lợi cho sự lãnh đạo, vận động nhân dân xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội.
Những chiến sĩ của Ayun năm xưa. Ảnh: Bích Hà |
Hy vọng là vậy, song cũng như tôi, nhiều cán bộ ở đây vẫn còn nhiều nỗi băn khoăn. Bởi lẽ, với diện tích mặt nước của hồ chứa thủy lợi Ayun Hạ rộng lớn như thế, nguồn lợi từ thủy sản đem lại là không nhỏ, nhưng nó chưa giúp gì nhiều cho người dân Ayun, từ lâu đã có một doanh nghiệp “chiếm lĩnh” rồi. Một bộ phận người Ayun từ vai trò là “chủ” của con sông trở thành người làm công, nhưng cũng không lấy đó làm nguồn thu nhập ổn định. Trộm nghĩ, sao cây trái, ruộng vườn của người Ayun chìm trong nước kia lại chẳng được coi là một phần tài sản đóng góp để rồi từ đó có phần hẳn hoi công bằng giúp người Ayun, trả ơn người Ayun- nơi đã có đến 78 người con- liệt sĩ ngã xuống cho mảnh đất này, sau đó là cả một sự hy sinh phần mình để cho cả cộng đồng lớn hơn hưởng lợi- sự dời làng, chuyển đất là chuyện đâu dễ của người nông dân thế mà người Ayun đã làm- anh dũng đến thế, mấy ai sánh được. Người Ayun bao đời sống theo con nước Ayun giờ chẳng lẽ con sông gắn cả bao đời người Ayun kia đã không còn thủy chung?
Nói chuyện với Chủ tịch UBND huyện Chư Sê Nguyễn Hồng Linh về Ayun, anh cho hay: Nối tiếp những gì các bậc đàn anh để lại, đội ngũ lãnh đạo huyện nhất thiết sẽ đưa Chư Sê- nơi đã từng được mệnh danh giàu có chỉ đứng hàng thứ nhì sau TP. Pleiku phát triển nhanh, mạnh, toàn diện và bền vững. Một lời hứa, một quyết tâm không chỉ là của Chủ tịch, tôi hiểu đó là sự quyết tâm của Đảng bộ này, thể hiện từ trong các văn kiện đại hội đảng bộ các cấp của huyện vừa qua.
Hẳn rồi đây Chư Sê sẽ có những bước tiến dài và như thế sự đầu tư, chăm lo một cách thỏa đáng cho những vùng khó khăn như Ayun- vùng đất anh hùng, ngày nay sẽ không phụ lòng của bao thế hệ đi trước.
Bích Hà