Tây Nguyên bước vào cao điểm mùa khô. Song có lẽ không có nơi nào có cái nóng lại quái ác như ở đèo Tô Na. Cách đây 35 năm, nơi đây đã từng xảy ra cuộc trao đổi kỳ lạ: Một lượng vàng đổi lấy vài hớp nước cứu lấy mạng sống của đám tàn binh ngụy và dòng người di tản.
|
Đèo Tô Na hôm nay. Ảnh: T.D |
Còn nhớ, trước khi chia tay, ông Vũ Xuân Mân có tiết lộ thông tin: Mặc dù bị đánh tan tác ở đường 7-sông Bờ, nhưng vẫn có một bộ phận địch vẫn cố sống cố chết chạy dạt về phía đèo Tô Na tìm đường xuống Tuy Hòa (Phú Yên). Trên đường tháo chạy, chúng mang theo cả gia đình và ép thường dân đi theo hòng làm bia đỡ đạn cho chúng. Mặc dù cán bộ địa phương bí mật tiếp cận tuyên truyền cho nhân dân không mắc mưu địch, nhưng do hoảng loạn nên một bộ phận thường dân vẫn mải miết tìm đường về phía đồng bằng.
Trong ký ức anh Võ Phú- Bí thư Đảng ủy phường Sông Bờ còn nhớ như in cảnh dòng người di tản trên đường: “Trên đầu máy bay địch quần đảo bắn rốc-két yểm trợ cho đám tàn quân, dưới mặt đất xe cộ chen lấn nhau thoát thân. Chúng giẫm lên cả những đứa trẻ vừa mới lạc mẹ. Không chỉ chen nhau trên đường, nhiều toán còn đâm đầu vào rừng, chạy lên núi… trông cứ như ong vỡ tổ”.
Những dãy núi chập trùng, con sông Ba cạn khô với đá ngầm lởm chởm, con đường độc đạo lách qua dãy núi… thực sự là tử địa của đám tàn binh ngụy. Phần lớn sĩ quan và lính tráng ngụy bị kiệt sức khi cố sức cùng gia đình mò mẫm quanh tử địa này. Ông H. (xin giấu tên)-một lính ngụy hiện sống tại thị xã Ayun Pa kể lại: “Bị bộ đội chặn ở đèo Tô Na, nhóm chúng tôi lội qua sông Ba, bươn lên núi mà chạy. Chạy mãi, khát nước nhưng không tìm ra con suối nào, đành nằm dụi vào gốc cây chờ chết… Cũng may, gặp được một toán lính cũng trên đường tháo chạy. Van xin mãi không được, cuối cùng tôi phải đổi một lượng vàng để lấy một ngụm nước”.
|
Cầu Lệ Bắc. Ảnh: T.D |
Hành trình tháo chạy của tàn binh ngụy kéo dài lê thê đến tận Tuy Hòa (Phú Yên). Đến lúc vàng không đổi được nước uống, đám tàn binh quay súng bắn giết lẫn nhau, cướp của thường dân, thậm chí vứt con mà chạy. Những cánh rừng dọc đường 7-đoạn từ thị xã Ayun Pa đến cầu Lệ Bắc (trước đây có tên là cầu Ơi Nu) đã chứng kiến hàng trăm cảnh vứt bỏ như thế. Ông Kpa Hó (Ama Phem), 98 tuổi, ở buôn Phu Ma Miêng (trước đây là y tá làm ở Tổng Y viện Cộng hòa-Sài Gòn) nhớ lại: “Ngày 15-3-1975, tôi từ Sài Gòn về quê. Tối 16-3, tôi nghe dân làng kháo nhau rằng, có thấy bộ đội về bên buôn Khăn (nay là xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) đông lắm. Cả đêm hôm đó và ngày hôm sau, tôi thấy lính ngụy chạy qua đường này đông hung. Tôi khuyên dân làng không nên chạy theo mà cũng không quay về làng cũ. Nghe nói ở làng cũ có đám FULRO dữ lắm. Sáng 19-3, tôi ra bờ sông Ba nghe ngóng thì thấy một bé gái đang nằm thở thoi thóp bên mép nước. Nhìn quanh chẳng thấy ai nên tôi nghĩ chắc nó lạc cha mẹ. Cái chân tôi định đi thì đứa nhỏ khóc. Tôi phải quay lại và nhìn kỹ thì thấy nó yếu hung rồi. Là một y tá, tôi nghĩ mình phải cứu người. Bây giờ nó là con mình, có gia đình riêng rồi. Nghe trên ti vi bảo tìm trẻ lạc nhưng chưa thấy ai đến tìm…”.
Về cuộc rút chạy của Quân đoàn 2 ngụy trên đường 7 cách đây 35 năm, ngay cả báo chí phương Tây cũng cho rằng là “thảm họa”, “thiệt hại về quân sự và dân sự”, là “lỗi lầm chí tử” của Nguyễn Văn Thiệu… Theo những người trong cuộc, các đợt truy kích của bộ đội ta nhằm mục đích tiêu diệt những đối tượng ngoan cố và phá rã lực lượng địch. Thảm họa trên đường 7 phần lớn do bọn chóp bu và đám tàn quân ngụy gây ra. Ông Nay Kur (Ama Hiệp)-Bí thư Đảng ủy xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) cho biết: Tối 16-3, tôi thấy bộ đội tập kết trong buôn. Việc đầu tiên mà bộ đội làm là tuyên truyền cho đồng bào đeo vòng tay để phân biệt địch và dân thường. Trong suốt thời gian diễn ra giao tranh, bộ đội vừa đánh địch vừa hướng dẫn dân làng ra xa vùng chiến sự. Phần lớn lực lượng địch bị tiêu diệt là do ngoan cố. Một số thường dân thiệt mạng một phần là do giẫm đạp lên nhau, phần khác do rốc- két từ trên máy bay phóng xuống và kiệt sức.
|
Đường 25- đoạn qua xã Ia Sao. Ảnh: T.D |
Ông Hồ Chí Kiên- nguyên Trưởng ban An ninh H2 (nay là huyện Krông Pa) đến giờ vẫn chưa hết ám ảnh về cảnh tượng mà ông đã chứng kiến: “Tàn binh địch nhiều không kể xiết, súng chất thành đống. Còn dân thường thì kiệt sức vạ vật trong rừng. Nhiều người đành đoạn bỏ lại con cái mà đi”. Đến giờ, ông Kiên vẫn còn nhớ hình ảnh một cháu bé và một tên lính ngụy. Ông kể: “Đang trên đường công tác thì tôi gặp một tên lính ngụy nằm bất tỉnh cạnh một con dốc dài. Thấy còn thở thoi thóp nên tôi quyết định dùng miếng sâm hộ thân trong người cho anh ta ngậm. Một lúc sau, cái xác không hồn kia bỗng chốc mở mắt, cựa quậy. Sau khi tỉnh, anh quỳ sụp lạy tôi. Chắc anh ta không ngờ người cứu mình lại là một cán bộ cách mạng. Được tôi tuyên truyền giải thích chính sách khoan hồng của cách mạng, anh ta lủi thủi theo tôi về phía sau”. Cũng với ông Kiên: “Chiều hôm ấy, trên đường vào Ia Mláh, tôi bắt gặp một cháu trai khoảng 7 tuổi ngồi thu lu trong đống áo quần rách rưới. Chắc vì quá kiệt sức nên cháu không nói được. Thấy tội, tôi mang về nuôi. Được 2 tháng, có một người đàn ông tìm đến xin lại. Ban đầu, cháu không theo cha. Trước tình cảnh ấy, tôi đành phải tổ chức một vụ cướp người giả để cháu được về với người thân”. Ông Kiên đúc rút: “Chúng ta đánh vào bọn chóp bu ngoan cố chứ đồng bào là cốt nhục, là vốn quý của cách mạng. Nhìn thấy một người dân ngã xuống trên đường là một lần tôi xót xa”.
Phía sau đường 7-sông Bờ, “tử địa” Tô Na, cầu Lệ Bắc… là tấm lòng nhân ái, bao dung của những chiến sĩ cách mạng và cả những người dân bên đường.
Nhóm P.V Chính trị- Xã hội