Phóng sự - Ký sự

Bài 2: Nỗi buồn Tông Lê Sáp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chừng 30 phút ô tô từ Ăng Kor Holiday Hotel ở trung tâm thành phố Siêm Riệp, chúng tôi đến hồ Tông Lê Sáp- một thắng cảnh du lịch nổi tiếng.
Chưa ra tới “biển” nhưng con sông dẫn ra hồ nước mênh mông đã khiến du khách thấy lòng khấp khởi. Đứng ở mũi tàu lộng gió, phiên dịch Pôn chầm chậm giới thiệu về một hồ nước rộng lớn. Tông Lê Sáp là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông. Nguồn gốc Biển Hồ được hiểu như sau: Sông Mê Kông dài hàng ngàn cây số bắt nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc) đổ về Myanmar, Lào, qua Thái Lan- nhiều đoạn làm ranh giới với nước Triệu Voi rồi đổ vào Campuchia. Ở Campuchia, tới Phnôm Pênh, sông tách ra một nhánh chảy về hướng Siêm Riệp và ngày càng phình to chiều rộng, có nơi tới 50 km và dài tới 150 km. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông nam Á và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 1997. Tông Lê Sáp theo tiếng Campuchia là sông nước ngọt lớn. Cách gọi Biển Hồ là của người Việt, chỉ sự rộng lớn của nó.
Làng chài người Việt trên hồ Tông Lê Sáp. Ảnh: T.S
Làng chài người Việt trên hồ Tông Lê Sáp. Ảnh: T.S
Bình thường, Biển Hồ có diện tích khoảng 10 ngàn km2, nhưng mùa mưa có thể mở rộng đến 16 ngàn km2, và sâu đến 10 mét, làm ngập lụt một vùng rộng lớn. Vùng nước ngập biến thành nơi sinh sản lý tưởng của nhiều loài thủy sản nước ngọt, trong đó có nhiều loài cá quý hiếm. Tông Lê Sáp có chức năng điều tiết nước rất tốt, mùa khô thì cung cấp nước, còn mùa mưa thì có tác dụng điều hòa để không gây ra lũ lụt. Tông Lê Sáp là một trong những hồ có hệ sinh thái phong phú vào hàng bậc nhất thế giới, sản lượng cá đánh bắt có thể nuôi sống khoảng 3 triệu người, cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt và 60% lượng chất đạm cho người dân Campuchia.
Đang là mùa mưa nên nước hồ đục ngầu, lục bình, rều rác nổi lênh bênh. Gió nổi, tàu chạy với tốc độ cao khiến khúc sông dậy sóng, ghe nhỏ ngược chiều phải nép mình tránh xa vì sợ lật. Lũ lượt thuyền ra thuyền vào, khúc sông sôi động, ồn ào hẳn lên. Chừng 10 phút thì làng chài trên sông xuất hiện, mỗi lúc một rõ hơn. Nhà lớn, nhà bé bồng bềnh trên sóng. Có nhà lành lặn, sang trọng, nhưng cũng có nhà cũ nát, vách thưng không đủ kín. Nhà này ghép lại với nhà kia, lấy cây lồ ô hay thùng phuy hàn kín làm phao. Một chiếc thuyền neo bên cạnh để cơ động đi lại và khi cần thì làm nhiệm vụ di chuyển ngôi nhà đến một nơi nào đó. Một xã hội trên sông nước với đầy đủ các hoạt động: Vá lưới, bắt cá, nuôi cá, buôn bán, sửa chữa cơ khí, trạm y tế, karaoke, chợ búa, trường học, nhà thờ... Không thiếu bất cứ một thứ gì. Những cơ sở phục vụ công cộng ở đây nghe nói là từ kinh phí đóng góp của một số Việt kiều hảo tâm. Theo lời anh Pôn, có khoảng 400 gia đình người Việt sống ở đây và cũng ngần ấy hộ người dân nước sở tại. Nhiều gia đình “định cư” ở làng chài này đến mấy đời.
Tàu lướt sóng băng băng thì bỗng có tiếng động cơ vang lên. Một chiếc xuồng nhỏ chở nước ngọt, trái cây áp sát. Trên thuyền, một người đàn ông trung niên dầu dãi cầm lái và chú bé chừng 10 tuổi. Còn chưa hiểu điều gì thì nhanh như sóc, cậu bé nhảy phóc sang tàu của khách, cùng với giỏ nước uống nặng trịch. Ai nấy từ lo lắng hoảng hốt đến lè lưỡi khâm phục cậu bé nhanh nhẹn. Chẳng đoái hoài đến xung quanh, cậu bé tiến đến hai hàng ghế luôn miệng mời khách mua nước. Nhiều người thấy tội nên mua giùm vài lon, nhưng chẳng nhiều nhặn gì. Và cũng nhanh chóng mau lẹ như lúc lên tàu, thoắt một cái cậu bé đã phóng thẳng xuống chiếc xuồng nơi người đàn ông đang cầm lái chờ sẵn rồi biến mất vào xóm chài chằng chịt trên hồ.
Đang đâm thẳng ra mặt hồ mênh mông rộng lớn thì bỗng nhiên tàu quay trái rồi cập vào một xóm nhà nổi đông đúc. Chúng tôi bước lên một ngôi nhà rộng lớn, có cả gian bán hàng lưu niệm, bán thức ăn đồ uống, cả hồ nuôi cá sấu. Khách Tây, Tàu tha thẩn tham quan, hỏi han mua sắm. Một số lên trên sân thượng chọn vị trí để chụp hình. Biết là khách từ Việt Nam sang nên thoáng chốc đã thấy trẻ con người Việt đen đủi, bé choắt bơi xuồng, bơi thúng, thau, í ới quây lại, mời mọc, xin xỏ liến thoắng. Một bé gái tên Đẹt ôm con trăn quấn quanh cổ đến mời mọi người chụp hình. Thành-một thành viên trong đoàn-đồng ý làm theo và tất nhiên không quên “bo”cho cô bé láu lỉnh. Nghe nói làng chài nổi này có luật lệ riêng. Cảnh xin xỏ chỉ diễn ra với du khách người Việt, chứ với du khách nước khác thì không được phép.
Chuẩn bị vào bờ. Lúc này tiếng í ới, xin xỏ râm ran khắp nơi. “Chú ơi cho đồng”, “Anh ơi cho đồng mua sữa cháu”... Mấy bà chị liền tay khuấy mái chèo giữ thăng bằng chiếc xuồng bé tẹo, ánh nhìn van lơn. Thật cám cảnh trước hình ảnh mấy đứa bé gầy rạc, mệt phờ nằm trên đùi mẹ, hay thiêm thiếp trong lòng thuyền ẩm ướt. Tàu rồ máy quẫy mạnh, sóng nổi lên. Một chị suýt đánh rơi đứa con đỏ hỏn đang nằm trên đùi xuống nước vì cố nhoài người với lấy tờ tiền từ một người khách hảo tâm, miệng liên hồi “Cám ơn bác, cám ơn bác”. Cảnh tượng làng chài người Việt cơ nhỡ, khốn khó khiến đường về tâm trạng ai cũng nặng trĩu.
Làng chài người Việt trên hồ Tông Lê Sáp vốn là đề tài nóng hổi của báo chí khắp nơi và với cả Việt Nam. Một cuộc sống dễ thở hơn, an toàn, an ninh, hợp pháp là điều mà cư dân ở đây mong mỏi. Việt Nam và phía bạn cũng đã có nhiều nỗ lực giúp cải thiện điều kiện sinh sống của người dân làng chài. Tuy nhiên tương lai của nó vẫn còn là điều bất định và cũng vì vậy mà cuộc sống của bà con cứ mãi trôi nổi, tạm bợ vá víu qua ngày.
Một khu dự trữ sinh quyển độc đáo và giàu có, một thắng cảnh nên thơ hữu tình. Nhưng tất cả đã không khỏa lấp được nỗi buồn về một làng chài Việt nghèo rớt. Cảm giác ủ ê buồn bã cứ theo mãi chúng tôi trong những ngày lang thang trên đất bạn.
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm