Phóng sự - Ký sự

Bài 2: Thừa nhưng vẫn thiếu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong quá trình đầu tư hoàn thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, lĩnh vực cây xanh đường phố dường như vẫn chưa được chăm chút, quan tâm đúng mực để Pleiku hình thành nên dấu ấn thẩm mỹ đặc trưng cho cây xanh đô thị cao nguyên- vốn rất được thiên nhiên ưu đãi điều kiện tự nhiên để phát triển. Do vậy, cây xanh đường phố tuy nhiều về chủng loại, số lượng nhưng lại thiếu điểm nhấn.

"Loạn" cây xanh

Con số gần 17.000 cây xanh thuộc 32 chủng loại cây đang được trồng và chăm sóc trên địa bàn thành phố do Phòng Quản lý Đô thị TP. Pleiku cung cấp cũng phần nào minh chứng cho sự thiếu đồng bộ của cây xanh đường phố. Lý giải về điều này, ông Võ Phúc Ánh-Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Pleiku-không có câu trả lời nào tốt hơn đó là “do lịch sử để lại” nên phải đành chịu… sống chung với lũ. Theo ông Ánh thì hiện tại, đối với những cây trồng không phù hợp trên các tuyến phố, không thể đốn cải tạo hàng loạt mà chỉ có cách chờ cây chết rồi mới trồng cây mới thay thế. Chính vì vậy, người đi đường dễ nhận thấy trên hầu hết các tuyến đường đều có trung bình từ 5-10 loại cây. Đó là còn chưa kể đến việc người dân trồng cây xanh lấy bóng mát cũng làm tăng thêm sự hỗn tạp về các chủng loại cây.

 

Hẻm 11 đường Nguyễn Văn Cừ-con đường thông cổ thụ còn lại gần như duy nhất giữa lòng Phố Núi. Ảnh: Lê Hòa
Hẻm 11 đường Nguyễn Văn Cừ-con đường thông cổ thụ còn lại gần như duy nhất giữa lòng Phố Núi. Ảnh: Lê Hòa

Theo quy định của UBND tỉnh, thành phố chỉ trồng 4 loại cây là: thông, long não, dầu nước, sao đen nhưng bởi vỉa hè chưa đảm bảo, các loại cây theo quy định đều thuộc loại đại mộc, không thể trồng trên các tuyến vỉa hè nhỏ nên buộc phải thêm vào một số cây tầm trung hoặc tiểu mộc. Ông Võ Phúc Ánh cho biết, một số hạ tầng như: mặt đường, đường điện, mương thoát nước, vỉa hè chưa đồng bộ nên chưa thể trồng cây được. “Nhiều tuyến đường trước đây là đường hẻm nay được đặt tên đường, theo quy định bắt buộc phải phát triển hệ thống cây xanh đô thị nhưng mương thoát nước, vỉa hè chưa có hoặc có nhưng bề rộng vỉa hè chưa đến 1m nên việc trồng cây rất khó”-ông Ánh chia sẻ.

Trong khi đó, chị B.N., đường Nguyễn Văn Cừ, phường Diên Hồng (TP. Pleiku) phản ánh khá bức xúc: “Dọc con đường này, tôi đã chứng kiến không dưới 3 lần người ta trồng cây xuống rồi nhổ lên, thậm chí trồng dày đặc rồi khoảng 4-5 tháng bứng lên để làm vỉa hè rồi lại trồng xuống, quá lãng phí kiểu quy hoạch không bền vững, trong khi cây chưa kịp lớn đã lo trồng cây khác”.

Ngoài ra, theo bà Lương Thị Tuyết Vinh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị Gia Lai, một điều nữa khiến cho cây xanh TP. Pleiku trở nên “mất điểm” là nhiều cây trồng chưa phù hợp. Ví dụ, cây viết trung bình chỉ khoảng 10 năm đã bắt đầu già cỗi, xuống sức và chết dần. Chu kỳ sinh trưởng của cây khá ngắn kéo theo việc thay thế bằng các loại cây trồng khác dẫn đến tình trạng cây thấp cây cao, không đều nhau. Tương tự, cây bằng lăng tới mùa nở hoa rất đẹp, mang đến một sắc thái tươi tắn cho thành phố nhưng cây này thân và lá cây nhiều sâu rầy, gây khó khăn trong công tác chăm sóc, xử lý. Hay cây bàng có rễ phát triển theo chiều ngang rất mạnh, phá vỉa hè, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng khác...

Thiếu dấu ấn

 

Ngã ba cửa ngõ thành phố cũng chưa nhận được đánh giá cao về tính thẩm mỹ dù được sửa đi làm lại khá nhiều lần. Ảnh: Lê Hòa
Ngã ba cửa ngõ thành phố cũng chưa nhận được đánh giá cao về tính thẩm mỹ dù được sửa đi làm lại khá nhiều lần. Ảnh: Lê Hòa

Khi nhắc đến Hà Nội, người ta nhắc đến mùi hương hoa sữa và loại cây ấy thậm chí còn đi vào nhạc, thơ. Bao năm thăng trầm và đô thị hóa dữ dội, Hà Nội vẫn giữ được loài cây đặc trưng ấy. Nhắc đến Hải Phòng, người ta gọi nó với cái tên đầy sức gợi: thành phố Hoa Phượng đỏ, hay Sơn La là thành phố của hoa ban… Vậy nhưng, để trả lời cho câu hỏi cây gì hiện là đặc trưng cho cây xanh đô thị Pleiku thì dường như rất khó trả lời.

Mang thương hiệu phố núi Pleiku “Phố núi cao, phố núi đầy sương/Phố núi cây xanh, trời thấp thật buồn” với thấp thoáng bóng thông ý nhị và duyên dáng nhưng rất nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Pleiku hiện đã không còn thấy bóng dáng của cây thông cổ thụ làm nên hồn chất phố núi ấy nữa. Có chăng, đó chỉ là những gốc thông non chìm nghỉm giữa ngang dọc cửa nhà. Chúng tôi đã theo dọc những con đường may mắn còn vương sót lại một số gốc thông già để thống kê: đường Lê Hồng Phong, hay Hùng Vương chỉ còn mỗi 1 cây lẻ loi; nhiều hơn một chút là đường Trần Hưng Đạo cũng chỉ còn 3 cây thông cổ thụ trước Sở Giao thông-Vận tải. Con đường mang tên Trịnh Minh Thế ngày nào với 2 hàng thông cổ thụ đẹp hút hồn cũng biến mất bởi việc mở rộng đường xá… Giữa 32 loài cây được trồng dọc hàng trăm tuyến phố, không thể gợi lên một dáng vẻ, một cái tên loài cây đặc trưng đủ sức khiến người ta nhớ và ấn tượng khi gắn với Pleiku. Trong khi đó, loài cây tự nhiên đã ưu ái ban cho nơi này đã có hàng chục năm bám trụ, chứng kiến bao thời khắc đổi dời đã bị khai tử và biến mất một cách vô cảm.

Khắp Pleiku hiện giờ chỉ còn hai hàng thông cổ thụ còn giữ được khá nguyên vẹn những nét hồn chất của thông cổ thụ. Một trong nội thành Pleiku, đó là hẻm vào khu tập thể Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, đường Nguyễn Văn Cừ, ngay sát Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring) và một chính là hàng thông vô cùng ấn tượng nằm ở Biển Hồ chè-cách trung tâm thành phố chừng 15 km. Chỉ với hai hàng thông cổ thụ so dáng bên đường cũng đủ làm bao người mê mẩn. Ai đã từng đến những nơi này, nhìn ngắm và cảm nhận một Pleiku qua dáng thông già mới thấu hiểu cảm giác tiếc nuối cho một vẻ đẹp không gì sánh nổi của loại cây vốn một thời gắn phố nay đã mất.

Nhà thơ Văn Công Hùng-người từng có nhiều bài viết bày tỏ những ý kiến tâm huyết liên quan đến cây xanh Pleiku, đặc biệt là những dáng thông mang đầy nét gợi cảm phố núi, chia sẻ rằng: Ông tiếc cho những hàng thông cổ thụ đẹp đến mê hồn trên đường Trịnh Minh Thế, Hoàng Diệu hay rất nhiều tuyến phố khác của Pleiku cách đây 20-30 năm về trước. Xét về mặt khoa học cũng như điều kiện tự nhiên, cây thông hoàn toàn thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Pleiku và rất có giá trị về mặt thẩm mỹ đô thị. Vậy thì hà cớ gì chúng ta lại cứ phải đi tìm những loại cây khác để thay thế?

Lê Hòa-Minh Triều

Có thể bạn quan tâm