Câu “rừng vàng, biển bạc” giờ có lẽ đến lúc đổi lại: “Biển vàng…”. Ra đến Trường Sa mới thấy đất nước mình giàu, và đẹp… trọn vẹn, lại tiếc rằng tiềm năng chưa thực sự khai mở; lại thấy rằng tất cả những gì đã xem, đã đọc về biển đảo quê hương vẫn còn ít ỏi. Đến Trường Sa, tư duy về biển đảo chắc chắn sẽ thay đổi và thay đổi cả những toan tính bon chen, đố kỵ… đâu đó ngày thường vẫn tồn tại ở đất liền. Đó là vài phác thảo cảm xúc khi tôi vinh hạnh là một thành viên trong Đoàn công tác số 4 (mà đoàn Gia Lai là nòng cốt) ra thăm quần đảo Trường Sa cuối những ngày tháng tư lịch sử.
Đoàn công tác tỉnh Gia Lai chụp hình lưu niệm tại cột mốc đảo Trường Sa lớn. Ảnh: B.H |
Ít thì mỗi ngày một bận “xuống xuồng, lên đảo; lên xuồng về tàu”, nhiều thì đến 6 lần. Nhiều điểm đảo, đoàn chỉ kịp lên thăm cán bộ-chiến sĩ đúng một tiếng đồng hồ, bao gồm cả thăm, làm việc, tặng quà, giao lưu văn nghệ; chưa kịp thuộc tên nhau đã phải về tàu, cho kịp con nước thủy triều, và kịp tiếp nối hải trình sang thăm đảo khác, cách nhau có nơi đến cả trăm hải lý; để lại phía sau những cánh tay vẫy mãi, như những lời nhắn nhủ khôn cùng với những đại diện đất liền. Phía trước lại là mênh mông trời biển.
Cá mú Trường Sa. Ảnh: Bích Hà |
Cùng với Hoàng Sa trên biển Đông và xuyên hai quần đảo này là tuyến hải hành quan trọng, chuyển tải đến một phần tư lượng hàng hóa của cả thế giới. Vì vậy nó có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Và, thành miếng mồi hấp dẫn cho nền kinh tế nào đó “háu đói” mà lại tham tàn, vẫn ngày đêm rình rập, bất chấp những giá trị pháp lý về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Cũng theo sử liệu, từ thế kỷ XVII, XVIII, khi mà chưa quốc gia nào trong khu vực quan tâm hoặc đặt dấu ấn bất kỳ nào trên hai quần đảo, các Chúa Nguyễn rồi đặc biệt là từ triều vua Gia Long đã xác định chủ quyền, hàng năm cử các đội hải binh từ Bình Sơn, Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra Hoàng Sa đặt mốc chủ quyền, đồn trú, bảo vệ, cứu hộ ngư dân Việt Nam đánh cá, thu hồi hóa vật, trưng thuế biển, lập vẽ bản đồ… Các đội hải binh này còn kiêm quản cả quần đảo Trường Sa vốn nhiều hiểm trở. Ngay từ bấy giờ, Nhà Nguyễn đã xác định toàn bộ trên hai quần đảo đã có chừng 130 đảo lớn, đảo nhỏ, bãi chìm, đảo đá… trong đó riêng Trường Sa đã có trên 100 đảo. Việc duy trì chủ quyền tại Hoàng Sa được liên tục thực hiện cho đến những nhập nhoạng chiến tranh thời thuộc Pháp và sau này đã khiến toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng vào các năm 1956 và 1974.
“Tình hình trên khu vực quần đảo Trường Sa diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường”… điệp khúc ấy văng vẳng bên tai trong liên tưởng tới hàng loạt sự việc bất thường lặp đi lặp lại trên biển Đông từ năm 2009 tới nay, và ngày càng nóng hơn: Ngư dân Quảng Ngãi liên tục bị bắt giữ trên vùng biển chủ quyền; tàu Ngư chính Trung Quốc liên tục quần đảo trên vùng biển Trường Sa… Đoàn vừa về đất liền lại nhận thông tin (từ báo chí trong nước): Tàu Ngư chính lại tăng cường hoạt động trên vùng biển Trường Sa; lại thêm 9 ngư dân Lý Sơn bị bắt giữ (ngay trước khi đoàn ra đảo đã có 12 ngư dân Lý Sơn bị bắt giữ, hiện vẫn bị giam ở đảo Phú Lâm-Hoàng Sa; một quả ngư lôi “lạ” có chữ Trung Quốc… trôi dạt vào vùng biển Quảng Trị…
Trên hàng chục đảo, điểm đảo đoàn chúng tôi đến thăm, các đồng chí “đảo trưởng” thường báo cáo tình hình với đoàn bằng những con số, ví như: (Thời gian qua), đã có từng này tàu thuyền ngư dân Việt Nam tham gia đánh bắt trên quần đảo chủ quyền; cán bộ-chiến sĩ trên đảo đã giúp từng này ngư dân chữa bệnh, giúp từng này nước ngọt, trên đảo cũng trồng từng này rau xanh, đánh bắt được từng này hải sản… và không quên mục tiêu trọng tâm: “Đã phát hiện, xua đuổi (từng này) “tàu lạ” xâm nhập vùng biển chủ quyền”. Mà “tàu lạ” thường rất lỳ, đuổi ra lại vào. Canô cao tốc CQ ở đảo thường phải hoạt động hết công suất để xua đuổi “tàu lạ”; trong khi “nước lạ” thì thường xuyên tăng cường bắt bớ, đánh đập ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trong vùng biển của mình (!). Các sĩ quan giải thích: “Đối sách của ta là vậy”; văn minh, cao thượng, nhân đạo hơn rất nhiều. So với quần đảo Hoàng Sa vốn có độ sâu nhất trên 1.000 mét, thì ở Trường Sa, cùng với vô vàn những rạn đá ngầm, nơi có độ sâu nhất đạt tới 3.000 mét; lại có vùng nguy hiểm tựa như “Tam giác quỷ” không tàu bè nào dám qua lại (theo sách đã dẫn). Có nhiều đêm con tàu HQ 957 dềnh dàng là thế bỗng trở nên cô quạnh hơn bao giờ trước mênh mông biển đêm thăm thẳm; bất chợt thương những con tàu cá nhỏ nhoi và lẻ loi từ ven biển miền Trung ra đánh bắt ở Trường Sa, trông chẳng khác cái… lá tre biết chạy. Chợt ước ao ta sớm có được những hải đoàn đi biển hiện đại, kèm theo những tàu hộ vệ còn hiện đại hơn…
Cô giáo Nhung ở đảo Trường Sa lớn. Ảnh: N.T |
Hiện giờ Nhung vẫn là cô giáo duy nhất có mặt ở huyện đảo Trường Sa; dạy một lúc… 6 lớp. Cô tính cho tôi nghe: “Mẫu giáo có 3 lớp (nhỏ, nhỡ, và lớn), có học sinh lớp 1, lớp 3, và một học sinh lớp 4. Không có lớp 2”. Cái lớp học “buồn cười” này có lẽ chỉ có ở Trường Sa. “Thương các cháu mà đi thôi anh ạ”. Nhung có chồng “phụ việc” ở UBND thị trấn huyện đảo. Ra đảo cô (cũng như các hộ dân khác) gây dựng một vườn rau xanh nho nhỏ đủ ăn; lương tháng được chừng 5-6 triệu đồng thì một phần ba số đó phải gửi tàu về đất liền mua gia vị và nhiều nhu yếu phẩm khác. Đảo chưa có chợ; bộ đội cũng không có căng tin nên quân dân đề huề sinh hoạt chung, ăn uống chung; thiếu thốn mà vẫn vui như một đại gia đình. Chiều chiều các cháu nếu không vào “doanh trại” học hát với các chú thì tụ tập chơi ô ăn quan ngay trên nóc… công sự. Đáng mừng là đất liền ngày càng quan tâm nhiều hơn tới biển đảo, đặc biệt là Trường Sa: Đoàn ra thăm, tặng quà nhiều hơn; tốc độ xây dựng cao hơn; đầu tư trang-thiết bị bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng tốt hơn… Chỉ có cái cảm giác cô quạnh giữa biển khơi hình như chưa thay đổi được nhiều. Những cái vẫy tay tạm biệt của quân và dân huyện đảo, trên suốt hải trình qua 15 đảo, điểm đảo và nhà giàn mà đoàn chúng tôi đi qua là những cái vẫy tay chí tình, đắm đuối, xót lòng, tuồng như muốn níu giữ khôn cùng cái hơi ấm đất liền vừa mới kịp tỏa đến đã rời đi…
Nguyễn Thịnh