Bài 3: Giọt buồn hối hận trong trại giam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ một giây phút không làm chủ được tay lái, đang là trụ cột, chỗ dựa vững chắc của gia đình, họ đã bước một chân vào vòng tù tội. Để bây giờ, giữa bốn bức tường vây kín, vẫn có những giọt buồn hối hận lăn chảy trong lòng mỗi khi đêm về.

Giọt nước mắt của Dăm

“Hôm ấy là ngày mình lấy vợ…”- Rah lan Dăm (24 tuổi, xã Al bá, huyện Chư Sê) nghẹn lời nhớ lại cái ngày mà tai họa ập đến gia đình anh. Ngày 30-1-2010 năm ấy cũng là ngày 16 tháng Chạp, nhà nhà đang chuẩn bị cái Tết no ấm, cha mẹ Dăm cũng kịp cưới cho con anh con trai thứ ba của mình một cô vợ  nết na.

Nhưng chưa được hưởng niềm vui của tổ ấm mới, Dăm đã gây ra một tai họa mà có lẽ cuộc đời anh sẽ mãi ân hận. 7 giờ tối, khi đã chuếnh choáng men say vì những ly rượu chúc tụng đôi tân lang, Dăm phải đi đón người chú ở xa. Biết mình đã không tỉnh táo, nhưng vì không muốn thất hứa với người họ hàng, anh không ngại ngần tra chìa khóa vào ổ rồi rồ ga phóng đi.

 

Rah Lan Dăm chăm chỉ cải tạo chờ ngày ra trại về với gia đình. Ảnh: L.V.N
Rah Lan Dăm chăm chỉ cải tạo chờ ngày ra trại về với gia đình. Ảnh: L.V.N

“Mình chỉ nhớ là mình lấy chiếc xe Dream rồi chạy ra khỏi nhà, còn sau đó, khi tỉnh dậy mình đã thấy đang nằm trong bệnh viện”-Dăm nhớ về cái đêm mơ hồ mà anh lái xe trong tình trạng vô thức. Chiếc xe Dream vừa vút khỏi ngôi làng, Dăm đụng phải một người trong xã cũng trong tình trạng tương tự. Người kia chết, Dăm đứng trước cả trời hoang mang vì tai họa ập đến quá nhanh, trong cái ngày tưởng chừng vui nhất cuộc đời mình.

Hơn 1 năm sau, Dăm bị đưa ra xét xử. Tòa tuyên phạt Dăm 3 năm tù và phải bồi thường nạn nhân 35 triệu đồng. Dăm ngậm ngùi bước lên chiếc xe để đến trại giam, mắt ngân ngấn nước trước ánh mắt xót xa của cha mẹ, anh em. Và hơn thế, là người vợ đã mang trong mình giọt máu của Dăm. Dăm vào Trại giam Công an tỉnh, vùi đầu trong bốn bức tường, nhưng trong lòng luôn nao nao bởi những nỗi lo. Lo cho cha mẹ già, người 70, người đã 75 tuổi. Lo cho người vợ trẻ chưa một ngày trọn nghĩa phu thê và đứa con bé bỏng ra đời không thấy mặt cha.

Anh ngậm ngùi: “Mình ở trong này mà lúc nào cũng lo nghĩ, nhiều khi không ăn được cơm. Cha mẹ ở nhà phải bán nốt mảnh đất ông bà để lại để đền tiền cho người ta. Nhà mình không có đất làm rẫy, chỉ có mảnh ruộng trồng lúa, đã nghèo, giờ mình như thế này còn nghèo hơn nữa. Cha mẹ đã già rồi mà giờ vẫn phải vác cuốc ra đồng, mình thương lắm, mình ân hận nhưng cũng chỉ biết chờ đến ngày ra tù để làm lại từ đầu. Biết vợ mình sinh con trai, mình mừng lắm, nhưng càng không yên tâm mỗi khi nghe tin bé bị đau. Ngày đầu tiên vợ mang con đến gặp mình, mình khóc nhiều lắm, ba người ôm nhau khóc không biết nói gì nữa”.

Và cứ thế, đứa bé lớn lên thiếu vòng tay, bờ vai vững chãi của người cha, từ lúc tập bò đến giờ đã chập chững biết đi. Mỗi khi vợ bế con đến thăm, đứa con trai bé bỏng không hề biết Dăm là ai, giãy nảy la khóc khi Dăm bế. Đêm về, Dăm lại khóc. Khóc những giọt nước mắt tủi thân của người đàn ông lần đầu làm cha. Và, những giọt nước mắt hối hận cho một phút lỡ lầm trong hơi men.

Nỗi ấm ức của Thừa

23 giờ đêm một ngày giữa năm 2010, chiếc xe khách Pleiku-TP. Hồ Chí Minh đang chầm chậm lăn bánh qua cầu 14, quốc lộ 14, đoạn qua tỉnh Đak Lak thì bỗng gặp một đoàn 6, 7 chiếc xe máy đua nhau rú ga điên dại chạy ngược chiều. “Rầm!”, rồi những âm thanh hỗn độn vang lên, một chiếc xe Dream trong số đó chở hai thanh niên đâm trực diện vào đầu xe khách. Hai thanh niên chết tại chỗ.

Tài xế Nguyễn Duy Thừa (32 tuổi, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) điếng người, chết đứng trước tai họa ập xuống đầu anh sau hơn 10 năm bám vô lăng. Thừa tâm sự: “Lúc đó, mình không biết nghĩ gì nữa, vừa thương, nhưng cũng vừa giận hai thanh niên kia, vì xe mình đi rất chậm, sau này Công an giám định chỉ có 55-60 km/giờ. Nhưng tai nạn mà, ai biết sao được, đâu phải chỉ mình đi an toàn là đủ”.

Lần đó, Thừa bị Tòa tuyên án 3 năm tù vì lỗi thuộc về hai nạn nhân. Bố mẹ và anh em của Thừa gom góp khắp nơi được hơn 50 triệu đồng để an ủi nỗi buồn cho nhà nạn nhân. Thừa là con thứ 10 trong gia đình 12 người con, bố mẹ đã già cả, sức yếu. Anh chị em đã lập gia đình và ra ở riêng. Riêng Thừa, cái nghề tài xế đường dài bạc bẽo đã chưa “cho phép” chàng trai nhỏ thó này yên bề gia thất. Anh đành chấp nhận sương gió thả mình theo những chuyến xe đêm, kiếm tiền nuôi cha mẹ già. Thế rồi, từ một người con hiếu thảo, từ một tài xế nổi tiếng chắc tay chưa hề xảy ra một tai nạn dù nhỏ nhất, Thừa bị gắn lên mình cái mác phạm nhân.

Ba tháng nữa Thừa sẽ mãn hạn tù, nhưng qua ánh mắt cũng như lời nói của anh, cái ngày về ấy sẽ vui, sẽ buồn và đầy xa xăm: “Sắp ra tù, cũng vui thật, nhưng mình cũng sẽ nhớ nơi này, nơi đã cho mình những bài học thật sự. Khi ra tù, mình cũng chưa biết sẽ làm gì. Chắc chắn mình sẽ không làm tài xế nữa rồi, vì sau lần ấy mình đã bị ám ảnh nhiều lắm. Mang danh phạm nhân ra tù, chắc mọi người sẽ e ngại với mình, rồi sẽ nhiều thử thách…”.

Nhóm P.V Văn hóa Xã hội

Có thể bạn quan tâm