Phóng sự - Ký sự

Bài 3: Làng Pia của Anh hùng Kpă Klơng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dưới cái nắng như đổ lửa của tiết trời đầu hạ, chúng tôi tìm về với làng Pia (xã Ia Pia, huyện Chư Prông)-nơi sinh người anh hùng tuổi thiếu niên có biệt tài “bắn xâu táo” lưu truyền sử sách. Gần 40 năm sau khi đất nước thống nhất, mảnh đất này đang “thay da đổi thịt” và no ấm từng ngày.

Sáng mãi tấm gương anh hùng

Trên chiếc xe máy bon bon qua những con đường làng phẳng phiu, sạch đẹp, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pia-Kpă Yêng-đưa chúng tôi đến một ngôi nhà nhỏ nằm ở giữa làng. Chỉ thẳng tay vào đó, ông bảo: “Đây là nơi thờ tự Anh hùng Kpă Klơng!”.

 

Nơi thờ tự anh hùng Kpă Klơng. Ảnh Minh Triều

Phía trước hiên nhà treo khá nhiều phong lan, một vài chậu đã khoe hoa với sắc vàng, sắc đỏ. Cánh cửa gỗ được mở ra để đón khách. Người trông coi ngôi nhà-anh Lê Văn Lang-mỉm cười mời chúng tôi vào rồi giải thích: “Đang mùa thu hoạch tiêu nên tôi thường ở ngoài vườn, vừa nghe báo tin là vội chạy về ngay”.

Góc trái phòng khách là nơi thờ tự. Di ảnh Anh hùng Kpă Klơng được đặt ngay ngắn bên trên. Cạnh đó là tiểu sử của ông được đóng khung treo một cách trang trọng. Sau khi thắp nén hương tưởng nhớ, chúng tôi bồi hồi lật giở những trang ký ức về ông mà bản thân đã từng được học, đọc và tìm hiểu qua sách báo.

Ngày đó, dân làng Pia đã bị chính quyền Mỹ-Diệm đàn áp dã man, cha của Kpă Klơng cũng bị giết chết trong lần ấy. Vừa tròn 13 tuổi, Klơng đã tìm đến nhà xã đội trưởng Kpuih Blang xin vào du kích nhưng không được vì còn quá nhỏ. Đêm đó về, Klơng thức trắng và sáng hôm sau cầm rựa vào rừng, quyết định đánh Mỹ theo cách riêng của mình.

Bỏ đi rẫy liền 3 ngày, đến ngày thứ tư, Klơng quay lại nhà xã đội trưởng rồi đặt 5 mũi chông dính máu trước mặt. Blang khen Klơng giỏi, song vẫn chưa cho cậu bé gia nhập vào đội du kích. Tiếp đó, Klơng bắn bị thương một tên lính trên đường Plei Me và hạ 3 tên trên đường 14 nhờ 3 mũi tên a-kam gia truyền tẩm thuốc độc của già Sơt. Với thành tích ấy, Klơng được trở thành du kích và được Blang giao cho 3 viên đạn và dặn mỗi viên đạn phải lấy đầu 1 thằng giặc. Thế nhưng chỉ cần dùng 2 viên, Klơng đã bắn chết 7 tên giặc và khiến 1 tên bị thương, viên còn lại, Klơng mang về trả lại cho xã đội trưởng. Từ đó, lối bắn xâu táo trở thành một lối xạ kích đặc biệt phổ biến của du kích ở làng của Klơng. Năm Klơng 15 tuổi, Blang trao 4 quả mìn làm quà sinh nhật. Klơng đem mìn ra đặt ở ngọn đồi trống trên đường Plei Me-nơi bọn giặc thường chiếm để yểm hộ cho xe đi. Mìn nổ làm chết cả 1 trung đội 50 tên địch.

Và, còn rất nhiều lần “bắn xâu táo” hay gài mìn giết giặc khác của Klơng ở cầu Ia Pia, suối Ia Kle hay đường Plei Me nữa, tất cả làm nên một hình tượng người anh hùng tuổi thiếu niên khắc ghi trong sử sách dân tộc. Sau này, hình ảnh Klơng đã được nhạc sĩ Doãn Nho tái hiện lại trong nhạc phẩm “Bài ca Kpă Klơng” với những ca từ đầy mạnh mẽ và oai hùng: “Klơng xông tới/Nghìn hàng chông theo anh đi diệt giặc Mỹ đã đẫm máu quân thù/Klơng xông tới/Những mũi tên căm hờn của anh lao vùng vụt tới/Rửa thù, đất nước nghe chăng/Những tiếng mìn của Klơng đang rung lên tung xác lũ giặc Mỹ…”.

 

Vợ chồng già Siu Năt nhớ lại những ký ức đánh giặc cùng Anh hùng Kpă Klơng. Ảnh Minh Triều

Những đồng đội năm xưa của anh hùng Kpă Klơng ở làng Pia giờ chẳng còn ai. Vì thế, chúng tôi đã quyết định vượt thêm một quãng đường nữa để đến làng Quen (xã Ia Me), tìm gặp các nhân chứng cùng là du kích với Klơng. Cụ Siu Blang chia sẻ: “Tôi và Klơng hồi đó cùng là du kích xã, 2 chúng tôi cũng thường ngồi lại với nhau bàn tính cách đánh giặc sao cho hay, cho thắng. Có lần chân Klơng bị gai đâm, sưng to lắm, nó đòi đi đánh giặc, ai cũng cản nhưng nó vẫn quyết đi cho bằng được và lần đó nó lại giết chết được mấy thằng giặc”. Còn cụ Siu Năt thì phấn khởi kể: “Có lần Klơng dẫn tôi và 4 người khác nữa ập vào nơi giặc nghỉ ngơi ở làng Khô, làng Pia (xã Ia Pia). Chúng tôi lấy hết súng của giặc trong lúc nó đang ngủ, bắt sống được 10 tên”.

Phát huy truyền thống cách mạng

Phó Chủ tịch UBND xã Kpă Yêng cho hay, người thân của anh hùng Kpă Klơng giờ chỉ còn người em trai tên là Kpă Glô nhưng đã đi bắt vợ ở làng khác và lập nghiệp luôn ở đó. Ngôi nhà tình nghĩa hiện tại được Nhà nước xây tặng cho Glô từ năm 1989. Năm 2009, ngôi nhà được tu sửa và giữ gìn làm nơi thờ tự anh hùng Kpă Klơng cho đến giờ. Tháng 4-2013, gia đình anh Lê Văn Lang (quê Phù Cát, Bình Định) lên mua đất lập nghiệp cạnh bên rồi tự nguyện xin chính quyền địa phương được trông nom và lo việc nhang khói người anh hùng. “Tôi rất vui và lấy làm tự hào khi được thực hiện công việc nhỏ này. Klơng không chỉ là người anh hùng của riêng Gia Lai mà còn được cả nước biết đến. Qua đây, tôi cũng muốn giáo dục con mình nhớ ơn cha anh đã hy sinh vì đất nước, cố gắng trở thành người có ích cho xã hội”-anh Lang bộc bạch.

 

Làng Pia là một trong những làng có trình độ học vấn cao. Ảnh Minh Triều

Nói về làng mình, anh Rơ Lan San-Trưởng thôn Pia, phấn khởi khoe: “Người làng Pia, ai cũng rất đỗi tự hào khi làng có 1 vị anh hùng dân tộc. Chính vì thế, bà con luôn cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế, không bao giờ nghe lời kẻ xấu xúi giục. So với 10 làng đồng bào dân tộc thiểu số của xã, làng mình được xem là có trình độ học vấn cao đấy, thấp nhất cũng phải lớp 9. Tính đến nay, làng có 3 người làm giáo viên, 1 cán bộ xã và 2 y sĩ; một người nữa đang theo học trung cấp ở Quy Nhơn, xong rồi là quay về phục vụ cho buôn làng”.    
 

Kpă Klơng sinh ngày 19-8-1948 tại làng Pia, xã Ia Pia, huyện Chư Prông. Ông tham gia du kích xã từ năm 14 tuổi và sau này là Tiểu đội phó trinh sát, huyện 5, bộ đội địa phương tỉnh Gia Lai. Ngày 17-9-1967, Kpă Klơng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ông hy sinh ngày 28-8-1975, cấp bậc thượng úy, tham mưu phó Tỉnh đội Gia Lai.

Làng Pia hiện có 100 hộ, trong đó có 69 hộ Jrai, còn lại là người Kinh. Cây trồng chủ lực của dân làng là bắp và mì với khoảng hơn 250 ha. Ngoài ra, bà con còn trồng tiêu (10 ha), cà phê (5 ha), một số diện tích ít lúa và cây hoa màu khác… Thu nhập bình quân đầu người của làng tầm 20 triệu đồng/năm. 30 hộ khá giả, có của ăn của để, nhà cửa khang trang, sắm sửa đầy đủ trang-thiết bị tiện nghi cho gia đình. Hộ Ksor Ten là một trong số đó. Với khoảng 1.500 trụ tiêu, hơn 5 ha mì và bắp, mỗi năm mang về cho ông nguồn thu trên 100 triệu đồng. Noi gương cha mẹ, con cái chí thú làm ăn, học hành, không bao giờ chơi bời lêu lổng làm ảnh hưởng đến xóm làng.

“Là làng của anh hùng nên việc gì cũng phải thực hiện tốt để còn làm gương cho các làng khác. 100% bà con chẳng ai theo đạo, nghe lời bọn xấu cả, cho nên tình hình an ninh chính trị tương đối ổn định”-anh San nói.

Minh Dưỡng-Lê Hòa-Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm