Phóng sự - Ký sự

Bài cuối: Sức sống mới trên cung đường huyền thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm xưa, đường Trường Sơn đã góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc, đánh tan quân xâm lược, thống nhất hai miền Nam-Bắc. Hôm nay, hòa chung sự phát triển đi lên của đất nước, con đường mang tên Bác đã và đang là tuyến đường huyết mạch song song với quốc lộ 1A, nối liền dải đất hình chữ S, thổi một luồng gió mới cho những vùng quê Tổ quốc nơi nó đi qua.

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đak Tô, Kon Tum. Ảnh: Nguyễn Giác

“Nhìn xa hơn nữa, ngay sau ngày đất nước được giải phóng thì nhiệm vụ của bộ đội Trường Sơn vẫn chưa chấm dứt. Hệ thống giao thông chiến lược dọc dãy Trường Sơn vừa có ý nghĩa quân sự vừa có ý nghĩa kinh tế. Đây là con đường mở ra khả năng rất lớn để xây dựng đất nước giàu đẹp, khai phá miền núi Tây Nguyên chiến lược tạo nên một thế mạnh cả về kinh tế lẫn quốc phòng”-cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng đánh giá về tầm quan trọng con đường Hồ Chí Minh như thế trước khi được Chính phủ phê duyệt đầu tư nâng cấp, mở rộng. Dự án đường Hồ Chí Minh sẽ được chia làm 3 giai đoạn, được xây dựng trên cơ sở nâng cấp và mở rộng một số tỉnh lộ, quốc lộ cũng như phát triển thêm một số đoạn với tổng mức đầu tư dự kiến trên 350.000 tỷ đồng. Bắt đầu từ năm 2000, tuyến đường này chính thức được thi công giai đoạn I và đến nay, hàng trăm km đường đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng.

Một tuần công tác, xuyên qua 6 tỉnh thành trên con đường huyền thoại Trường Sơn, chúng tôi đã cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt. Những cánh rừng cháy nát vì đạn bom năm nào giờ đã được phủ lên một màu xanh căng tràn; những cung đường đất trước kia nay đã được trải nhựa phẳng phiu, kéo dài tít tắp; những buôn làng heo hút thuở xưa nay một số đã trở thành phố thị; bao mái nhà khang trang mọc lên san sát hai bên đường. Nhịp sống hối hả và rộn ràng đang lan tỏa khắp mọi miền quê nơi tuyến đường đi qua. Khi được hỏi về những biến chuyển trong cuộc sống của mình từ lúc có con đường rộng, đẹp mang tên Bác “ghé ngang”, hầu như mọi người đều có chung một câu trả lời: Đổi thay nhiều lắm từ cái ăn, cái mặc, chuyện học hành của con cháu đến việc đi lại, giao thương thuận lợi, kinh tế gia đình ngày một khấm khá hơn…

 

Ghé thăm thôn Trung An, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị (địa bàn cách Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn chừng chục cây số), chúng tôi có dịp trò chuyện cùng vợ chồng anh Trần Đăng Hóa-một trong những hộ dân sống lâu năm tại đây. Anh Hóa cho hay, anh sinh ra và gắn bó với vùng quê này từ nhỏ. Những năm chiến tranh, gia đình cùng dân làng đi sơ tán nơi khác. Hòa bình lập lại, vợ chồng anh cùng một vài hộ nữa là những người đầu tiên trở về quê hương. “Dân cư lúc đầu thưa thớt lắm vì nơi đây đất cằn mà nguồn nước lại cực kỳ khan hiếm. Đến năm 1998 khi điện lưới quốc gia bắt đầu phủ sáng đến địa bàn thì nhiều người mới tìm về định cư, lập nghiệp. Vợ chồng tôi cũng quyết định mở một quán cơm nhỏ để phục vụ cho khách vãng lai. Năm 2001, để chủ động nguồn nước sinh hoạt, thay vì phải mua từng tẹt nước với giá cao, tôi mới tìm người khảo sát địa hình và gom góp hết vốn liếng khoan cái giếng sâu 86 mét với giá 50 triệu đồng. Từ đó, nhà tôi trở thành nơi cung cấp nước sinh hoạt cho bà con toàn khu này”-anh Hóa nhớ lại.

Rồi từ lúc con đường Hồ Chí Minh bắt đầu được xây dựng, thông tuyến, cuộc sống của gia đình anh Hóa cũng như người dân nơi này dần dần cải thiện. Hàng quán xuất hiện ngày một nhiều thêm, các cánh rừng cao su tiểu điền, hồ tiêu… đua nhau mọc lên xanh rờn, thẳng tắp. Người dân trong vùng có thêm công việc ổn định nhờ làm công nhân cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Trị; trường lớp kiên cố phục vụ tốt việc học tập cho con em trong vùng.

 

Bà Hai va cháu chuẩn bị thức ăn phục vụ khách qua đường. Ảnh: Nguyễn Giác

Rời mảnh đất Gio Linh, chúng tôi tiếp tục rong ruổi trên những cung đường Trường Sơn hào hùng. Di tích Lịch sử Quốc gia đường Hồ Chí Minh-đường Đông Trường Sơn đoạn qua thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam hiện ra trước mắt chúng tôi. Trong thời điểm giao tranh ác liệt giai đoạn 1969-1975, tại điểm đầu Thạnh Mỹ, bộ đội Trường Sơn đã chuyển hướng tiếp viện cho miền Nam bằng việc mở hướng đường Đông Trường Sơn qua Thạnh Mỹ-Khâm Đức. Trong suốt thời điểm đó, Thạnh Mỹ là tuyến đường huyết mạch của đường ống xăng dầu và đường dây thông tin tải ba. Cũng chính bởi giữ tầm quan trọng chiến lược đó mà nơi đây luôn là trọng điểm đánh phá, ngăn chặn ác liệt của không quân, bộ binh Mỹ-Ngụy. Bà Lê Thị Hai (76 tuổi), một người dân sống tại Thạnh Mỹ chia sẻ: “Trước đây, ngang qua nơi này vốn chỉ là những con đường nhỏ, cây cối rậm rạp bao quanh, thú rừng còn nhiều nên ít ai dám đến sinh sống. Nay lối đã thông, nhiều người tìm đến cất nhà, xây quán để buôn bán, mưu sinh dọc theo con đường mới”. Bà Hai cũng khoe với chúng tôi rằng, trước giải phóng bà cũng đã từng là thanh niên xung phong, cùng các chị em trong làng đi gùi đạn, lấp đường giúp bộ đội đánh đuổi quân xâm lược.
 

Đường Hồ Chí Minh đang được nâng cấp mở rộng đoạn vào Trung tâm TP. Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giác

Khác với thực trạng hoang vắng ngày trước, giờ đây, xe cộ lưu thông trên tuyến đường này cũng nhộn nhịp hơn. Theo chia sẻ của các lái xe, sở dĩ trước kia nhà xe ít chọn đường Hồ Chí Minh để vận chuyển khách là bởi phải vượt qua khá nhiều đèo dốc, ngã ba, ngã tư và đường rẽ cắt ngang vừa tốn nhiên liệu lại vừa rất nguy hiểm. Đó là chưa kể hệ thống biển báo, tín hiệu giao thông còn hạn chế; các điểm dịch vụ kèm theo như nhà hàng, khách sạn, các điểm sửa chữa ô tô thưa thớt. Thời gian gần đây, cùng với việc mở rộng, nâng cấp và hoàn thiện tuyến đường, tất cả những điều trên đã dần được khắc phục, các tài xế cũng vững tâm hơn.

Trên mảnh đất Gia Lai, tại những địa bàn có đường Hồ Chí Minh ngang qua, sức sống mới cũng đã và đang trỗi dậy từng ngày. Ông Trần Thanh Tâm (85 tuổi, ngụ tại tổ dân phố 8, phường Phù Đổng, TP. Pleiku), cho chúng tôi hay, 2 tháng sau ngày giải phóng, vợ chồng ông đã về ở bên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Thuở ấy, con đường có tên là Hùng Vương (nối dài), thuộc địa phận phường Trà Bá. Chục năm trước, nó chính thức được chuyển tên thành đường Trường Chinh, thuộc phường Phù Đổng, TP. Pleiku. Gần 40 năm sinh sống bên tuyến đường, ông bà đã chứng kiến không ít sự đổi thay của nó gắn liền với sự phát triển kinh tế-xã hội trong vùng. Bà Lê Thị Hồng-vợ ông, tâm sự: “Lúc gia đình tôi chuyển đến ở, con đường đã được rải nhựa nhưng còn hẹp, chưa bằng một làn đường bây giờ, đèn chiếu sáng cũng chẳng có nên buổi tối ít ai ra đường. Xung quanh chỉ vài hộ dân với một số cửa hàng tạp hóa nhỏ. Thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp như trồng cây ăn quả, lúa, mì và ít cà phê… Nay thì đô thị phát triển, đường rộng, đẹp và đời sống của chúng tôi cũng dần đi lên”.

Tuyến đường mở ra tạo điều kiện cho nhiều địa phương phát triển. Ảnh: Nguyễn Giác

Vĩ Thanh... Chuyến hành trình về với con đường huyền thoại nhân kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Trường Sơn-Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 – 19-5-2014) đã để lại trong lòng mỗi chúng tôi nhiều xúc cảm khó quên. Thông qua loạt bài này, ngoài mục đích tri ân đến các thế hệ đi trước, chúng tôi hy vọng giúp độc giả hiểu thêm về con đường mà cả thế giới từng kinh ngạc và thán phục; về nỗi niềm của các cựu binh Trường Sơn một thời “vào sinh ra tử” nơi chiến tuyến cũng như “giá trị” của con đường lúc thời bình. Rồi đây, đại lộ Trường Sơn-Hồ Chí Minh thênh thang, rộng dài sẽ là một trong những nhân tố góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, mang đến sự ấm no, đủ đầy cho nhân dân.

M.Dưỡng-T.Dung-H.Thi-N.Giác

Theo thiết kế dự án, đường Hồ Chí Minh chạy qua địa phận Gia Lai có chiều dài 97 km, đi qua 5 huyện, thành phố gồm: Chư Pah, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh và TP. Pleiku với tổng mức kinh phí đầu tư 16.082 tỷ đồng. Khi tuyến đường hoàn thiện sẽ kết nối vào quốc lộ 19, quốc lộ 25 và hệ thống tỉnh lộ để hình thành một hệ thống từ Đông sang Tây, từ Bắc đến Nam, tạo đà cho các địa phương trong tỉnh thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Có thể bạn quan tâm