Phóng sự - Ký sự

Bám làng, gieo chữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn vất vả, nhưng với lòng yêu nghề, hàng ngày, những người thầy, người cô ở vùng khó Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) luôn tận tụy, bám làng, bám lớp gieo chữ, mang tri thức, nuôi hy vọng cho thế hệ tương lai dưới chân núi Ngọc Linh tươi sáng hơn.

Nhọc nhằn con chữ

Những ngày cuối năm, trời se lạnh, chúng tôi về với vùng sâu Ngọc Linh tìm hiểu về công tác “gieo chữ” của đội ngũ giáo viên nơi đây. Vượt gần 200km, trên những con đường Hồ Chí Minh ngoằn ngoèo, uốn lượn men theo sườn núi, rồi đi qua Tỉnh lộ 673 gập ghềnh, lầy lội đang xuống cấp nặng, sau gần 5 tiếng chúng tôi mới đến được xã Ngọc Linh. Đón chúng tôi ngay đầu xã, biết rõ mục đích chuyến đi của chúng tôi, thầy giáo Phạm Quốc Lập - Hiệu phó Trường Tiểu học xã Ngọc Linh liền nói: Nhà báo thấy đường vào có vất vả không? Nhưng đó đã thấm vào đâu so với những con đường đến điểm trường thôn của giáo viên. Chút đi vào làng là nhà báo biết ngay mà. Thú thật, nếu không có lòng yêu nghề, tận tâm với nghề thì chắc sẽ không theo được nghề đâu.

 

Trung tâm xã Ngọc Linh. Ảnh: VP


Thầy Phạm Quốc Lập cho biết: Hiện nay, nhà trường có tổng số hơn 300 học sinh, được bố trí dạy 19 lớp. Trường có 1 điểm trường chính và 5 điểm trường lẻ ở các thôn làng. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên  điểm trường chính đã được xây dựng kiên cố nhưng một số điểm lẻ vẫn còn phòng tạm và một số vấn đề chưa đảm bảo theo yêu cầu cho công tác giảng dạy. Đặc biệt, đối với việc giảng dạy theo chương trình đổi mới thì phương tiện dạy học thiếu thốn, không có tivi, máy chiếu để phục vụ việc dạy và học. Hơn nữa, tại địa bàn, phòng học tạm, việc bảo quản cũng không được đảm bảo.

Ở Ngọc Linh, ngoài việc thiếu thốn về trang thiết bị dạy và học, cái khó nhất vẫn là đường sá đi lại và người dân chưa quan tâm đến việc học tập của con em. Vì thế, đội ngũ giáo viên rất vất vả, nhất là đối với những giáo viên bám điểm trường thôn. Cả xã có 12 thôn thì có đến 4 thôn nằm ở trên đồi cao, không có đường ô tô mà chủ yếu là phải đi bộ. Thôn xa nhất cách trung tâm 6km, thôn gần cũng tới 4km. Không có đường ô tô đến và đường thì dốc cao nên việc đi lại của giáo viên rất nhọc nhằn, đặc biệt là mùa mưa. Để đi đến được điểm trường thôn, giáo viên phải đi bộ 2-3 tiếng mới tới. Vì đường sá khó khăn nên thầy cô giáo phải ở ngay tại làng, đầu tuần lên, cuối tuần về điểm trường chính.


 

Điểm trường thôn Đăk Vít. Ảnh: VP


Thầy Phạm Quốc Lập chia sẻ: Đa số các điểm trường, thầy cô phải đi bộ lên. Đường đi dốc, khó, chuyện thầy cô bị ngã trên đường là bình thường. Đặc biệt là vào mùa mưa, khi các em học sinh nghỉ học, giáo viên phải đến tận nhà để vận động học sinh đến lớp. Thậm chí, nhiều trường hợp, giáo viên phải đi nhiều lần mới gặp được gia đình, bởi theo thói quen, bà con thường đi làm và ở ngay trên rẫy vài ngày mới về.

Một trong những khó khăn nữa tại các thôn làng, vì không đủ số lượng học sinh nên nhà trường phải tổ chức lớp ghép. Hiện nay, trường có 3 điểm trường phải tổ chức lớp ghép. Việc tổ chức lớp ghép khiến giáo viên vất vả hơn nhiều bởi ngoài việc giáo viên phải soạn giáo án thì quá trình giảng dạy phải rất linh hoạt, bố trí khoa học để mang lại hiệu quả và đảm bảo chất lượng.

Tận tâm bám làng

Theo thầy Phạm Quốc Lập, chúng tôi tìm về làng Đăk Vít, cách trung tâm xã khoảng 4km. Do dốc cao xe ô tô rất khó đi, nên muốn vào làng chủ yếu là bằng xe máy và đi bộ. Vượt qua vài con dốc đá dựng đứng, sau gần một giờ đi xe máy, rồi cuốc bộ chúng tôi mới tới được điểm trường làng Đăk Vít. Điểm trường nằm cheo leo trên một quả đồi ngay đầu làng. Căn phòng học có diện tích khoảng 50m2 được xây dựng đã lâu và hiện đang xuống cấp. Đây là nơi học tập 13 học sinh lớp ghép 1+2 của làng (gồm 8 học sinh lớp 1 và 5 học sinh lớp 2). Lớp học do cô giáo Nguyễn Thị Dân (34 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học xã Ngọc Linh) đảm nhiệm. Tôi thực sự khâm phục cô giáo Dân, đường lên điểm trường dốc cao nhọc nhằn như thế mà ngày nào cũng vậy, cô Dân lên xuống điểm trường mỗi ngày 2 lượt, sáng đi, tối về (vì nhà cô ở trung tâm xã và do con còn nhỏ nên buộc cô phải đi về hàng ngày).

 

Đã nhiều năm cô Dân dạy học tại điểm trường thôn Đăk Vít. Ảnh: V.P


Theo lời tâm sự của cô giáo Dân, dù là nữ nhưng ngay khi vào nhận công tác tại đây (năm học 2012-2013), cô Nguyễn Thị Dân đã xung phong làm giáo viên bám làng. Hơn 10 năm giảng dạy ở Ngọc Linh, cô Dân đã bám làng và dạy ở hầu hết tại các điểm trường thôn trên địa bàn xã (chỉ còn thôn Lê Toan-cách trường 6km chưa ở), vì thế, cô Dân thấu hiểu những khó khăn vất vả của học sinh và người dân dưới chân núi Ngọc Linh này. Trong hơn 10 năm gắn bó với các điểm trường thôn, cô Dân đã trải qua muôn vàn khó khăn, thế nhưng chưa khi nào cô Dân có suy nghĩ mình bỏ nghề. Chính tình cảm bà con dành cho giáo viên và sự chịu khó của học sinh nơi đây càng làm cô Dân và đội ngũ giáo viên ở Ngọc Linh cố gắng phấn đấu góp công sức để mang con chữ đến từng thôn làng.   

Cô Dân tâm sự: Chúng tôi đi dạy ở các điểm trường làng thường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về phong tục tập quán. Hàng năm, bà con tổ chức rất nhiều lễ hội và mỗi khi có lễ hội thường cho con ở nhà, nên việc đến lớp của các em không được đều đặn. Hơn nữa, bà con ở đây nhận thức về học tập của con em còn hạn chế. Ngoài ra, ở đây 100% học sinh là con em đồng bào DTTS, việc giao tiếp bằng tiếng Việt cũng hạn chế, khiến giáo viên gặp khó khăn trong giao tiếp, truyền dạy. Bên cạnh đó, việc phải học lớp ghép cũng làm cho giáo viên vất vả gấp bội.


 

Lớp ghép tại điểm trường thôn Đăk Vít, xã Ngọc Linh. Ảnh: VP


Cô Dân chia sẻ: “ Việc dạy học đối với lớp ghép 1+2 gặp nhiều khó khăn, bởi trong một tiết học phải dạy đến 2 lứa tuổi, 2 trình độ nên quá trình dạy học rất vất vả. Một lúc dạy hai lớp, trong khi đó các em còn nhỏ, hiếu động nên rất ồn ào, khó truyền đạt kiến thức. Vì vậy, giáo viên phải bố trí bài giảng phù hợp, chẳng hạn lúc dạy lớp 1 thì cho học sinh lớp 2 làm bài tập và ngược lại…để làm sao các em tiếp thu được kiến thức tốt nhất. Nếu không yêu trẻ, kiên trì và có phương pháp phù hợp thì khó đạt hiệu quả.”

Cho dù khó khăn, hiểm nguy luôn rình rập trên những cung đường đến trường, đến lớp, cùng với đó, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở nhưng không làm cô Dân và đội ngũ các thầy cô giáo dưới chân núi ở Ngọc Linh nản lòng. Bởi, niềm vui, động viên lớn nhất với họ là mỗi ngày khi lên lớp không có học sinh nào vắng học, bỏ học, điều đó càng thôi thúc họ thêm yêu nghề, mến trẻ, tăng thêm sức mạnh và càng quyết tâm hơn để gieo con chữ, ươm mầm cho những ước mơ bay xa.

Được chứng kiến tận mắt, được nghe những câu chuyện kể xúc động, tôi thực sự khâm phục ý chí, sự tận tâm, tận lực của giáo viên ở Ngọc Linh. Họ vẫn luôn đau đáu suy nghĩ và tìm mọi cách để đưa các em ra lớp. Họ đã và đang vượt khó, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động không để học sinh nghỉ học, bỏ học giữa chừng, không để học sinh nào bỏ lại phía sau, thực hiện cuộc hành trình “cõng chữ lên non”.



https://www.baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/bam-lang-gieo-chu-22177.html

Theo Văn Phương (baokontum)

Có thể bạn quan tâm