(GLO)- Sáng 9-7, tại hội trường UBND huyện, Đoàn công tác số 4 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) thu hồi đất rừng bị lấn chiếm tỉnh do ông Nguyễn Ngọc Rân-Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với BCĐ thu hồi đất rừng bị lấn chiếm huyện Krông Pa về tình hình thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và kế hoạch trồng rừng trên địa bàn huyện Krông Pa năm 2017.
Thực hiện công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Krông Pa đã ban hành kế hoạch; thành lập BCĐ và ban hành quy chế hoạt động của BCĐ cấp huyện, đồng thời chỉ đạo UBND các xã thành lập BCĐ và quy chế hoạt động của BCĐ cấp xã, kế hoạch thu hồi của cấp xã.
Theo kế quả rà soát, tổng diện tích đất rừng bị lấn chiếm của huyện là trên 7.600 ha. Trong giai đoạn 2017-2020, diện tích đất rừng dự kiến vận động, khuyến khích người dân tự nguyện kê khai diện tích nương rẫy đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp là trên 4.300 ha, trong đó: UBND các xã thu hồi gần 4.000 ha và các đơn vị chủ rừng thu hồi 370 ha; diện tích dự kiến giao lại cho người dân trồng rừng có hưởng lợi là trên 4.100 ha và diện tích dự kiến thu hồi để trồng rừng là 470 ha.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu ra những khó khăn cũng như những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai thu hồi đất rừng bị lấn chiếm. Theo đó, Krông Pa là huyện nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, cuộc sống của người dân phần lớn phụ thuộc vào nương rẫy, trong khi đó, đa số diện tích nương rẫy của người dân được sản xuất trên đất lâm nghiệp.
Tình trạng lấn chiếm đất rừng còn diễn ra phổ biến. Ảnh: Q.T |
Do vậy công tác vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động chưa thực hiện đồng nhất, nhiều hộ dân không hợp tác. Nhận thức của đại bộ phận người dân đối với công tác thu hồi, giao khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất hưởng lợi còn nhiều hạn chế…
Trong thời gian tới, huyện cần tập trung công tác tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức về việc trồng rừng gắn với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con tại một số địa phương trong huyện còn hạn chế. Đối với những diện tích đất rừng bị lấn chiếm là diện tích quy hoạch đất rừng phòng hộ thì các đơn vị chủ rừng cần tiến hành thu hồi lại để trồng rừng; đối với những diện tịch đất rừng bị lấn chiếm là đất quy hoạch rừng sản xuất thì tiến hành giao cho các hộ dân trồng rừng có hưởng lợi theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP và Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg nếu có khả năng trồng rừng nếu không thì giao cho các hộ khác hoặc tổ chức để tiến hành trồng rừng…
Quang Tấn