Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long tại hội nghị sơ kết công tác tháng 11 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 12-2022 diễn ra sáng 14-12.
Thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư chưa đạt kế hoạch
Theo đánh giá tại hội nghị, trong tháng 11 và 11 tháng năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng-chống dịch, phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ đó, hầu hết chỉ tiêu kế hoạch đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng đạt 25.231 tỷ đồng, đạt 87,34% kế hoạch, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 11 tháng đạt 79.695 tỷ đồng, đạt 93,76% kế hoạch, tăng 15,97% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu đạt 610 triệu USD, đạt 92,42% kế hoạch, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái… Trong tháng 11, toàn tỉnh có 70 doanh nghiệp và 56 đơn vị trực thuộc thành lập mới. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 885 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021) với tổng vốn đăng ký 8.110 tỷ đồng.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đến nay, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện, 91 xã, 118 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 104 làng đồng bào dân tộc thiểu số). Toàn tỉnh có 214 sản phẩm OCOP được công nhận. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm. Việc thực hiện các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng bảo đảm kịp thời, đầy đủ. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa đạt kế hoạch; lãi suất ngân hàng, giá vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp và nhiều loại hàng hóa cơ bản khác tiếp tục duy trì ở mức cao khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra; dịch sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp; tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Anh Dũng, tính đến ngày 13-12, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh được hơn 5.343 tỷ đồng, đạt 98,7% dự toán Trung ương giao và đạt 91,7% dự toán HĐND tỉnh giao. Nếu không tính thu tiền sử dụng đất và từ hoạt động xuất-nhập khẩu thì thu nội địa của tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Từ nay đến cuối năm 2022, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế tỉnh rà soát tất cả nguồn thu, tập trung thu tiền nợ đọng thuế nhằm đạt mức thu cao nhất. Bên cạnh đó, Sở cũng đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành và các địa phương rà soát các khoản chi, những khoản nào chưa chi hết sẽ báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chuyển nguồn sang năm 2023 để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn chi.
Còn theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Quế, tính đến ngày 12-12, giá trị giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 53,93% kế hoạch vốn đã giao. Từ nay đến cuối năm, còn một số công trình có khả năng giải ngân số vốn rất lớn, sẽ thúc đẩy giá trị giải ngân của tỉnh lên cao. Điển hình các dự án có khả năng hoàn thành giải ngân đạt 100% như: Dự án đường Nguyễn Văn Linh (TP. Pleiku) với kế hoạch vốn năm 2022 là 50 tỷ đồng; đường nội thị Ayun Pa với kế hoạch vốn năm nay là 30 tỷ đồng; đường nội thị huyện Phú Thiện có kế hoạch vốn năm 2022 là 30 tỷ đồng… Đối với các dự án dự kiến giao kế hoạch năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động chuẩn bị các thủ tục, điều kiện cần thiết (nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng) trong năm 2022 để triển khai ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023, kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao.
Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ
Để đảm bảo cung ứng hàng hóa, ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2023, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh cho biết: Sở đã ban hành kế hoạch nhằm đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của người dân trong dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023 gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trên cơ sở kế hoạch, Sở cũng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương cấp huyện, các doanh nghiệp đầu mối nhằm đảm bảo cung ứng đầy đủ các nhóm mặt hàng như: thực phẩm, nguyên-nhiên-vật liệu, hàng tiêu dùng, may mặc… Qua khảo sát nhu cầu thị trường và các doanh nghiệp đầu mối báo cáo thì dự báo tổng mức dự trữ hàng hóa và dịch vụ phục vụ cho người dân trong dịp cuối năm khoảng 20.800 tỷ đồng. Từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở sẽ làm việc trực tiếp với 46 doanh nghiệp đầu mối, 12 siêu thị và các chủ thể kinh doanh trên địa bàn nhằm đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Theo dự báo, gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu nhập cảnh về nước, nhất là nhập cảnh trái phép và hoạt động buôn lậu qua biên giới như pháo nổ, thuốc lá… sẽ tăng cao. Do đó, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng vũ trang, UBND các huyện biên giới, ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật. Đặc biệt, tăng cường kiểm soát công tác xuất-nhập cảnh, quản lý các đường mòn, lối mở, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Công an tỉnh đang mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Quý Mão từ ngày 15-11-2022 đến 5-2-2023, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Ngoài ra, để kiềm chế tai nạn giao thông trong dịp cuối năm, Giám đốc Công an tỉnh cho biết đã chỉ đạo các lực lượng tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông.
Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long yêu cầu các sở, ngành có liên quan nhanh chóng phối hợp với các địa phương hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo chất lượng các tờ trình về: phân bổ nguồn vốn ngân sách địa phương; điều chỉnh bảng giá đất; danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất… để trình HĐND tỉnh quyết định trong kỳ họp chuyên đề tiếp theo. Đồng thời, các sở, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, nỗ lực cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong thời gian còn lại của năm 2022.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thời tiết, tập trung thu hoạch vụ mùa 2022 và triển khai kế hoạch vụ Đông Xuân 2022-2023. Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là dịch tả heo châu Phi, dịch lở mồm long móng trên trâu, bò và cúm gia cầm; đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; khoanh vùng, dập dịch kịp thời khi dịch xảy ra. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023. 
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; kiểm soát chặt nhóm hàng cấm, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng nhập khẩu có điều kiện có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhất trong tháng 12-2022.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước. Tiếp tục tăng cường triển khai kế hoạch khắc phục, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và kế hoạch khắc phục chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính (PAR index)… Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn. Đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án theo đúng chủ trương đã được chấp thuận; rà soát, đề xuất thu hồi các dự án chậm tiến độ hoặc nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm