Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Bản lĩnh chính trị vững vàng sẽ giúp chuyển hóa nguy cơ thành thời cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt," có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)



Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là bài học được đặt lên hàng đầu trong số 5 bài học kinh nghiệm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu lên trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới.”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (xây dựng tổ chức, xây dựng con người) phải được triển khai toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định, vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng đi đôi với xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng và cả hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thấm nhuần sâu sắc di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém." Do đó, công tác tổ chức, cán bộ phải là điểm đột phá, là "then chốt" của nhiệm vụ "then chốt," có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ; sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Phải hết sức chú trọng xây dựng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi cách mạng

Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã khái quát hóa, tiếp tục kế thừa và phát triển những bài học kinh nghiệm được Đảng ta tổng kết qua 30 năm đổi mới, qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, các bài học kinh nghiệm này có tầm lý luận và chỉ đạo thực tiễn rất lớn.

“Đây là sự đúc kết rất sâu sắc, không phải chỉ là đúc kết 5 năm vừa rồi, mà là sự đúc kết cả một quá trình đổi mới đất nước. Những bài học đó là cơ sở rất quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát huy trong lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới, giúp chúng ta có thêm bản lĩnh và tự tin trước những khó khăn, thách thức để vượt lên,” Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú nói.

Đi vào phân tích cụ thể, ông Phùng Hữu Phú cho biết lâu nay, Đảng ta luôn xác định vấn đề xây dựng Đảng là then chốt trong chiến lược phát triển đất nước. Lần này, trong 5 bài học kinh nghiệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt bài học xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên đầu tiên bắt nguồn từ nguyên lý cơ bản đó. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi cách mạng.

 

Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)



Thực tế càng ngày càng chứng minh nguyên lý này. Một trong những điểm trước đây chúng ta làm chưa thật tốt, đó là chưa đặt đúng tầm và thực hiện thật quyết liệt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dẫn đến tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí có biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” làm mất lòng tin, giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ. Do đó, theo ông, trong nhiệm kỳ này, càng phải thấm thía, chú trọng đặc biệt bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cũng cho rằng, công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội là công cuộc hoàn toàn mới mẻ, đầy khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh quốc tế biến đổi rất nhanh chóng, nhiều đột biến, cho nên người cán bộ, đặc biệt là cán bộ đứng đầu phải có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải quyết tâm đổi mới, có năng lực đổi mới.

Bản lĩnh chính trị của đội ngũ lãnh đạo, quản lý chủ chốt có tính chất quyết định

Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu 5 nhiệm vụ, giải pháp lớn mà toàn Đảng, toàn dân và quân ta tập trung thực hiện từ nay đến giữa thế kỷ XXI. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh nhiệm vụ: "Tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Nhà nước, toàn hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả... Tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ."

Đề cập đến đội ngũ cán bộ, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, một trong những yếu tố quyết định đưa đất nước giành được những thành tựu vĩ đại, vẻ vang là nhờ đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; trong đó bản lĩnh chính trị của đội ngũ lãnh đạo, quản lý chủ chốt có tính chất quyết định.

Phân tích của Bộ trưởng Nội vụ cho thấy, Đảng ta nhìn nhận, đa số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc các cấp có năng lực, phẩm chất, uy tín. Cán bộ cấp chiến lược có bản lĩnh chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có tư duy đổi mới, có khả năng hoạch định đường lối, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện...

Song, cũng còn không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm...

Hiện nay, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tấn công, phá hoại sự nghiệp cách mạng, ra sức xuyên tạc, vu cáo, kích động chia rẽ nội bộ Đảng hòng làm tan rã Đảng từ bên trong.

Trong bối cảnh ấy, nếu đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp không tiếp tục nâng cao sự kiên định, vững vàng về bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không gương mẫu, trong sạch về đạo đức, lối sống thì khó đứng vững và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Ngược lại, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định sẽ giúp chúng ta chuyển hóa nguy cơ thành thời cơ, thành động lực thúc đẩy quyết tâm và hành động.

“Điều đó đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt. Bởi sự vững vàng, kiên định của đội ngũ này là nhân tố trực tiếp nhất, quan trọng nhất quyết định sự thành công hay không vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước,” Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định.


 

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. (Ảnh: Diễm Quỳnh/TTXVN)
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân. (Ảnh: Diễm Quỳnh/TTXVN)



Theo ông, để mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp không dao động trong bất cứ tình huống nào, cần tiếp tục đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xác định các tiêu chí đánh giá bản lĩnh chính trị của cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý chủ chốt và tạo môi trường thử thách, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ này. Việc đánh giá phải khắc phục hiện tượng nể nang, hình thức; bảo đảm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng và đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức tại các nghị quyết, quy định của Đảng.

Đồng thời, cần thực hiện luân chuyển để đào tạo, bổ sung kiến thức lý luận và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Những trường hợp có triển vọng phát triển được dự kiến bố trí vào chức vụ cao hơn thì luân chuyển vào các chức danh cấp trưởng ở những địa bàn, lĩnh vực trọng yếu, có nhiều khó khăn, phức tạp. Thực hiện thống nhất việc bố trí một số chức danh lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu không là người địa phương...

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng và tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Theo đó, tổ chức phải chủ động tìm người để bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt đúng chỗ, đúng lúc, đúng năng lực, sở trường, đúng việc, đúng người... Thực hiện kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; tự khắc phục, sửa chữa các biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Theo ông, cần kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, đảng viên vi phạm và những tổ chức đảng yếu kém; tăng cường kiểm tra trách nhiệm chính trị, vai trò nêu gương của người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm.

Theo Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm