Bâng khuâng cao nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bạn tôi là một kỹ sư quê ở miền Tây có thói quen “xê dịch”. Trên đường thiên lý qua nhiều vùng đất, anh đã “vướng” vào Gia Lai để rồi bị mê hoặc. Anh đến Gia Lai vào các mùa trong năm, chụp hàng chục bộ ảnh đẹp về vùng đất cao nguyên này. Anh thừa nhận mình đã phải lòng cao nguyên này, có nơi anh đi “mòn gót chân” mà vẫn muốn đến thêm lần nữa như đồng cỏ hồng dưới tán những cây thông già ở xã Glar, huyện Đak Đoa.

Có lần, sau một chuyến đến đây rồi trở về, cùng với những tấm ảnh tuyệt đẹp về thông, về cỏ, anh viết trên trang cá nhân: “Có một rừng thông non nửa thế kỷ trải dài trên nền đất đỏ bazan mênh mang. Thông không cao vút mà xòe tán nghiêng nghiêng mang dáng bonsai kỳ lạ. Mùa sa mưa, thông nở những lộc xanh mơn mởn. Đất như được tô thêm lớp son đậm màu hơn. Trước mùa mưa là mùa bướm. Chúng bay thành từng đàn hàng trăm con, nhởn nhơ vui đùa dưới tán thông mát rượi. Lúc chớm đông, cái lành lạnh tràn ngập cao nguyên, rừng thông bonsai có thêm “bạn tâm giao” là những đám cỏ hồng mượt mà, tưởng chừng chỉ có ở vùng đồi núi xa lắm của cao nguyên Lâm Viên”. Tôi sống ngay trên vùng đất này, đọc những dòng chia sẻ của “anh khách lạ” chợt thấy bâng khuâng.

 

Đồng cỏ hồng Glar (huyện Đak Đoa). Ảnh: Nguyễn Thành Nhân
Đồng cỏ hồng Glar (huyện Đak Đoa). Ảnh: Nguyễn Thành Nhân

Những lần khác, khi đi qua những dòng thác gầm gào trắng xóa ở Gia Lai, anh viết: “Thác đáng sợ nhưng cũng đầy mê hoặc, dòng nước cuồn cuộn, ào ạt như cuốn phăng những gì nó băng qua nhưng cũng có lúc hiền hòa, dịu dàng như mái tóc thiếu nữ. Ở Gia Lai, những con thác còn thuần nét hoang sơ núi rừng, như thể chưa có dấu chân người lui tới. Mỗi con thác còn mang trên mình dòng sử thi đậm chất Tây Nguyên nên càng trở nên huyền hoặc”. Rồi, yêu cảnh mà sinh tình. Những ngày tháng lang thang cao nguyên, anh chứng kiến cuộc sống thiếu khó ở một số nơi, một số con người để rồi sau đó trở thành cầu nối giữa những Mạnh Thường Quân với những số phận thiệt thòi, không may. Có khi anh kêu gọi xây tặng thư viện cùng hàng ngàn đầu sách cho một ngôi trường ở huyện Chư Sê, khi kêu gọi quyên góp quần áo ấm, dụng cụ học tập cho trẻ em nghèo ở một vùng khó khăn nào đó của tỉnh.

Tình cờ, đọc một bài thơ có cái tựa ngắn, giản dị “Gia Lai” trên trang cá nhân của một người bạn, cảm xúc bỗng đằm lại ở từng câu chữ. Chợt nhận ra đã rất lâu không lắng lòng để cảm nhận một bài thơ, cho đến khi “Gia Lai” khiến lòng như thổ cẩm với những cảm xúc tươi rỡ chỉ màu. Điều đáng nói là Giang Hồng-tác giả bài thơ-chưa một lần đến Gia Lai, nhưng cảm nhận về một vùng đất như thể chị đã gắn bó với nơi này tự thuở nào: “Hoa pơ lang thắp ngàn đốm lửa/Sáng bừng gương mặt thung xa/Chim chơ rao tung cánh qua khoảng không bao la/Giục giã đại ngàn vào mùa lễ hội/Từ cổng trời Mang Yang mây về theo gió thổi/Mang lời nguyện ước tới vùng đất đỏ bazan/Mối tình son sắt gắn bó em với anh/Dưới mái nhà rông ché rượu cần say lời tình tự...”.

Giang Hồng tên thật là Nguyễn Thị Kim Dung. Chị là giáo viên môn Sinh học Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (TP. Cần Thơ). Chị chia sẻ: “Mặc dù chưa đến Gia Lai nhưng tôi có một số bạn bè thân tình ở Phố núi Pleiku, luôn dành cho nhau những tình cảm quý mến, thuần hậu. Trước đó, khi nghe bài hát “Đôi mắt Pleiku” của nhạc sĩ Nguyễn Cường, tôi đã mường tượng Gia Lai là một vùng đất tuyệt vời. Từ những cảm xúc yêu mến ban đầu đó, tôi lên mạng xem thêm hình ảnh các danh lam thắng cảnh, tìm hiểu văn hóa, con người Gia Lai và nhận ra, cao nguyên thật đẹp, đất nước mình thật đẹp. Bài thơ tôi viết rất nhanh với những cảm xúc rất thật, tươi mới cảm nhận về vùng đất này như vậy”.

Vì sao vùng đất Gia Lai mang đến nhiều rung cảm cho bạn bè khắp chốn mười phương?  Đến nơi này, bạn sẽ hiểu!

Minh Châu

Có thể bạn quan tâm